Trong phiên sáng, sau khi rơi thẳng đứng gần 20 điểm ngay khi mở cửa phiên do áp lực xả hàng mạnh theo đà giảm của chứng khoán thế giới trước lo ngại đợt bùng phát dịch mới, lực cầu bắt đáy đã chảy mạnh kéo VN-Index trở lại tham chiếu và đóng cửa chỉ giảm nhẹ.
Trong phiên chiều, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh, giúp giao dịch sôi động và số mã tăng chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử.
Tuy nhiên, VN-Index lại không thể bứt lên, mà chỉ lình xình quanh tham chiếu trước khi đóng cửa với sắc đỏ, chấm dứt chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp do lực cản từ bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup (VIC, VHM, VRE), cùng một vài mã lớn khác.
Chốt phiên, VN-Index giảm 1,11 điểm (-0,13%) xuống 834,21 điểm với 222 mã tăng, trong khi chỉ có 143 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 374,6 triệu đơn vị, giá trị 6.750,8 tỷ đồng, tăng hơn 16% cả lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 35,9 triệu đơn vị, giá trị 1.044,4 tỷ đồng.
Trong các mã lớn, BID đã đảo chiều tăng mạnh trở lại 2,72% lên 39.600 đồng, VCB, CTG, TCB trở lại tham chiếu, trong khi bộ 3 cổ phiếu nhà Vin lại giảm khá mạnh.
Cụ thể, VIC giảm 2,06% xuống 95.000 đồng, khớp 2,65 triệu đơn vị, VHM giảm 2,86% xuống 71.400 đồng, khớp 3,37 triệu đơn vị và VRE giảm 2,97% xuống 24.500 đồng, mức thấp nhất ngày, khớp 4 triệu đơn vị.
Ngoài ra, VN-Index còn chịu sức ép từ VNM, GAS, SAB, MSN, nhưng mức giảm không đáng kể.
Trong các mã bluechip khác, HPG tăng 1,9% lên 24.100 đồng, HVN tăng 3,71% lên 27.950 đồng, FPT tăng mạnh 6,24% lên 49.350 đồng, HDB bật tăng 4,41% lên 23.700 đồng, khớp 2,27 triệu đơn vị. Ngoài ra, STB tăng 2,68% lên 9.960 đồng, khớp 19 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HOSE. TPB tăng trần lên 21.450 đồng, khớp 0,35 triệu đơn vị.
Các mã có sắc xanh khác là MBB, PNJ, BVH, GVR, PLX, MWG. Trong khi đó, VJC, NVL, VPB, POW, BHN giảm giá, nhưng mức giảm nhẹ, ngoại trừ VJC mất 2,13% xuống 114.900 đồng.
Trong các mã vừa và nhỏ, ITA bất lên khớp 12,36 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,83% lên 2.710 đồng.
Trong khi đó, dù lực cung gia tăng mạnh trong phiên chiều, hấp thụ lượng lớn du mua giá trần trong phiên sáng, nhưng bên mua giữ vững lập trường, nên HSG vẫn giữ được mức trần 9.030 đồng, khớp 12 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.
Đua sóng phiên chiều còn có DLG tăng trần lên 1.570 đồng, khớp 10,23 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần và TTF lên 2.210 đồng, khớp hơn 5 triệu đơn vị.
Sắc tím cũng được duy trì tại HBC khi mã này tăng lên 8.620 đồng, khớp hơn 6,8 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần hơn 1,2 triệu đơn vị.
Trong khi đó, chỉ có cặp đôi ROS, FLC giảm giá, trong đó ROS giảm 2,32% xuống 3.370 đồng, khớp 11,7 triệu đơn vị, FLC giảm 1,03% xuống 2.870 đồng, khớp 9,7 triệu đơn vị.
Trên HNX,chỉ số chính của sàn này được kéo mạnh đầu phiên, nhưng sau đó quay đầu đi xuống dưới tham chiếu trước khi kịp có sắc xanh nhạt khi đóng cửa.
Chốt phiên, HNX-Index tăng nhẹ 0,09 điểm (+0,08%), lên 111,86 điểm với 83 mã tăng và 67 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 70 triệu đơn vị, giá trị 672,5 tỷ đồng, tăng 20,7% về khối lượng và 23,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 9 triệu đơn vị, giá trị 162,85 tỷ đồng.
HNX yếu đà khi ACB quay lại sắc đỏ, giảm 0,46% xuống 21.700 đồng, khớp 3,45 triệu đơn vị. Trong khi đó, SHB lại lùi về tham chiếu 17.300 đồng, khớp 1,18 triệu đơn vị. VCG cũng giảm nhẹ 0,39% xuống 25.300 đồng.
Trong khi đó, PVS tăng 0,78% lên 13.000 đồng, khớp 6,88 triệu đơn vị, VCS tăng 1,5% lên 67.500 đồng, VIF tăng 2,94% lên 17.500 đồng…
Tuy nhiên, tâm điểm trên sàn này hôm nay vẫn là các mã nhỏ, tiêu biểu là HUT khi tăng trần lên 1.900 đồng, khớp 12,79 triệu đơn vị và còn dư mua trần, ATC hơn 3,6 triệu đơn vị.
Tiếp đó, ART cũng tăng trần lên 2.800 đồng, khớp 3,7 triệu đơn vị và cũng còn dư mua giá trần. KLF đứng giá tham chiếu 1.900 đồng, khớp 4,88 triệu đơn vị, còn PVX giảm sàn xuống 900 đồng, khớp 2,7 triệu đơn vị, còn dư bán sàn khá lớn.
UPCoM cũng nới rộng đà tăng khi vừa bước vào phiên chiều, nhưng nhanh chóng bị đẩy lùi trở lại và đóng cửa với mức tăng nhẹ.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,18%), lên 53,73 điểm với 125 mã tăng và 70 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,1 triệu đơn vị, giá trị 283 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1 triệu đơn vị, giá trị 20 tỷ đồng.
BSR có thanh khoản tốt nhất sàn với 5,36 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 1,59% lên 6.400 đồng. Tiếp đến là LPB khớp 4,24 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 7.700 đồng. OIL là mã còn lại trên thị trường này khớp trên 1 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,47% lên 8.300 đồng.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng mạnh hơn rất nhiều so với VN30-Index. Cụ thể, VN30-Index chỉ tăng 0,16% lên 783,69 điểm, trong khi VN30F2005 tăng 1,48% lên 770,3 điểm với 274.565 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 29.951 hợp đồng. Tăng thấp nhất là VN30F2009 cũng tăng 0,74% lên 746 điểm.
Trên thị trường chứng quyền, cũng giống như thị trường cơ sở, số mã tăng cũng chiếm ưu thế trên thị trường chứng quyền với 30 mã tăng, 20 mã giảm. Trong đó, CROS2001 là mã có thanh khoản nhất với 834.780 đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 30 đồng. Tiếp đến là CVRE2001 với 584.390 đơn vị, đóng cửa giảm 6,25% xuống 150 đồng.