Trong phiên sáng cuối tuần ngày 13/11, mặc dù giao dịch khá thận trọng nhưng dòng tiền vẫn lan tỏa trên thị trường, đã tiếp tục giúp VN-Index duy trì đà tăng điểm và dễ dàng vượt mốc 960 điểm sau cú hích ngày hôm qua (12/11).
Theo đánh giá của giới đầu tư, vùng cản 970 đang rất mạnh, tuy nhiên dòng tiền hiện tại cũng đang mạnh không kém. Và nếu thị trường vượt được vùng 970 điểm thì có thể VN-Index sẽ vượt 1000 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn khá thăm dò và diễn biến lình xình trên vùng giá này. Tuy nhiên, chỉ sau gần 1 giờ giao dịch, lực cầu gia tăng với tâm điểm hướng vào nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là dòng bank, tiếp tục hỗ trợ tích cực giúp VN-Index nới rộng biên độ tăng và xác lập mức giá cao nhất trong ngày.
Mặc dù chưa chinh phục được mốc 970 điểm nhưng với giao dịch khởi sắc của thị trường và việc nhà đầu tư nước ngoài trở lại xu hướng mua ròng sau chuỗi ngày dài bán ròng, có thể là những tín hiệu kỳ vọng chuỗi tăng điểm sẽ tiếp tục kéo dài.
Kết phiên, sàn HOSE có 279 mã tăng và 146 mã giảm, VN-Index tăng 7,01 điểm (+0,73%), lên 966,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 457,83 triệu đơn vị, giá trị 8.021,83 tỷ đồng, cùng tăng hơn 33% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 38,15 triệu đơn vị, giá trị 847,85 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, dòng bank là điểm tựa chính của thị trường nhờ lực cầu tăng mạnh, giúp các mã này lần lượt leo lên mức giá cao nhất ngày.
Cụ thể như BID tăng 1,8% lên 40.300 đồng/CP, CTG tăng 3,1% lên 31.950 đồng/CP và khớp 10,71 triệu đơn vị, MBB tăng 3,2% lên 19.300 đồng/CP và khớp 16,11 triệu đơn vị; STB tăng 1,5% lên 13.900 đồng/CP và khớp hơn 15 triệu đơn vị, VPB tăng 3,1% lên 24.500 đồng/CP và khớp gần 7,2 triệu đơn vị, TCB tăng 3,2% lên 23.000 đồng/CP và khớp 22,38 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, một số mã lớn khác cũng đã tăng tốt hơn cả về giá và thanh khoản như VHM tăng 1,4% lên mức 78.300 đồng/CP và khớp 2,43 triệu đơn vị, HPG tăng 1,6% lên 31.950 đồng/CP và khớp 12,16 triệu đơn vị; VIC, VNM và SAB cùng tăng trên dưới 0,5%.
Trong nhóm VN30 chỉ còn 5 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu nhưng với biên độ giảm khá hẹp, ngoại trừ cổ phiếu MSN tiếp tục lùi sâu hơn khi giảm 3,22% xuống mức 90.100 đồng/CP.
Không chỉ nhóm bluechip diễn biến tích cực hơn, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng đua nhau tăng mạnh. Trong đó, FLC đã chính thức xác lập lại mức giá trần khi tăng 6,94% lên mức 4.620 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh tăng vọt, đạt 43,52 triệu đơn vị, cùng lượng dư mua trần hơn 3,3 triệu đơn vị.
Các mã nóng khác như ITA tăng 3,74% lên 4.990 đồng/CP và khớp 17,37 triệu đơn vị, DXG tăng 1,5% lên 13.700 đồng/CP và khớp 8,88 triệu đơn vị…, hay LCG, IDI, ASM, EVG… cùng tăng trần với giao dịch sôi động và đều dư mua trần.
Trên sàn HNX, mặc dù giao dịch rung lắc mạnh hơn nhưng với lực cầu sôi động, thị trường đã hồi nhẹ vào cuối phiên.
Đóng cửa, sàn HNX có 100 mã tăng và 59 mã giảm, HNX-Index tăng 0,12 điểm (+0,08%), lên 144,74 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 49,23 triệu đơn vị, giá trị 701,85 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,05 triệu đơn vị, giá trị 25,15 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu bluechip giao dịch khá phân hóa trong biên độ hẹp, tuy nhiên, thị trường nhận được sự hỗ trợ khá tích cực từ việc đảo chiều của ACB, đồng thời PVS nới rộng biên độ tăng.
Cụ thể, PVA tăng 1,3% lên 15.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn HNX, đạt 10,88 triệu đơn vị; tiếp theo là ACB khớp 6,22 triệu đơn vị và kết phiên tăng 0,4% lên 26.500 đồng/CP.
Ngoài ra, một số bluechip khác cũng đóng vai trò hỗ trợ thị trường như IDC, VCG nhích nhẹ, hay THD tăng 1,2% lên 81.000 đồng/CP.
Trên UPCoM, thị trường giao dịch lặng sóng và đi ngang trên mốc tham chiếu.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,18 điểm (+0,28%), lên 64,7 điểm với 134 mã tăng và 89 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 22,85 triệu đơn vị, giá trị 244,43 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,79 triệu đơn vị, giá trị gần 24 tỷ đồng.
Top 5 cổ phiếu thanh khoản lớn nhất thị trường UPCoM gồm PVX khớp 4,93 triệu đơn vị, còn lại LTG, BVB, G36 và PFL đều khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu lớn, ACV vẫn là lực đỡ chính khi tiếp tục nhích bước tăng 2,07% lên 69.000 đồng/CP và khối lượng giao dịch hơn 0,41 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đóng cửa tăng điểm, trong đó, VNF30F2011 nhích 0,86% lên 935,9 điểm, với khối lượng khớp lệnh gần 90.070 đơn vị, khối lượng mở gần 48.710 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, CTCH2002 vẫn là mã được giao dịch nhiều nhất với 94.264 đơn vị khớp lệnh, tuy nhiên đóng cửa đã đảo chiều giảm nhẹ 1,33% xuống 740 đồng/cq.