Giao dịch chứng khoán chiều 12/9: VN-Index "lỗi hẹn" mốc 1.250 điểm bởi dòng bank và chứng khoán

Giao dịch chứng khoán chiều 12/9: VN-Index "lỗi hẹn" mốc 1.250 điểm bởi dòng bank và chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng cuối phiên khiến thị trường hạ độ cao, trong khi VN-Index lỗi hẹn mốc 1.250 điểm, thì các chỉ số còn lại quay đầu giảm điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán là lực cản chính của thị trường.

Sau tuần giảm khá mạnh hơn 31 điểm, thị trường tiếp đà hồi phục ở phiên cuối tuần ngày 9/9 với đà tăng nhẹ, chỉ số VN-Index biến động lình xình quanh mốc 1.255 điểm trong suốt cả phiên giao dịch sáng ngày 12/9. Đáng chú ý, hôm nay là phiên đầu tiên sàn HOSE áp dụng việc bán lô lẻ nhưng thanh khoản cũng không sôi động hơn với tổng giá trị giao dịch toàn thị trường chỉ khoảng 7.000 tỷ đồng.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường không có thêm tín hiệu lạc quan nào và tiếp tục duy trì trạng thái ảm đạm bởi dòng tiền tham gia khá nhỏ giọt.

Chỉ số VN-Index duy trì đà tăng nhẹ trong gần suốt cả phiên giao dịch trước khi thu hẹp biên độ về cuối phiên. Cụ thể, một số nhà đầu tư mất kiên nhẫn đã gia tăng áp lực bán lên thị trường trong đợt khớp lệnh ATC, đã khiến nhiều mã thu hẹp biên độ tăng hoặc quay đầu điều chỉnh, đẩy VN-Index về sát mốc tham chiếu.

Thị trường kết thúc phiên đầu tuần với mức tăng điểm nhẹ và chỉ số VN-Index vẫn chưa thể có được mốc 1.250 điểm, cùng thanh khoản rơi xuống mức thấp nhất trong khoảng 1,5 tháng qua, cho thấy tâm lý nhà đầu tư thận trọng cao độ và chưa thể xác nhận xu hướng hồi phục của thị trường đã quay trở lại.

Đóng cửa, sàn HOSE có 238 mã tăng và 215 mã giảm, VN-Index tăng 0,84 điểm (+0,07%) lên mức 1.249,62 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 410triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 10.748 tỷ đồng, giảm 30% về khối lượng và 22,12% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 9/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,46 triệu đơn vị, giá trị hơn 696 tỷ đồng.

Trái với diễn biến phiên sáng, nhóm cổ phiếu VN30 quay đầu gia tăng gánh nặng lên thị trường khi có 17 mã giảm và chỉ còn 11 mã giữ được sắc xanh. Trong đó, các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán đang dẫn đầu xu hướng giảm như STB giảm 2,7%, SSI giảm 1,6%, VIB và ACB đều giảm hơn 1%...

Ngoài ra, một số mã lớn như MSN, NVL, VNM, VIC, GVR quay đầu điều chỉnh giảm nhẹ dưới 1%.

Ở chiều ngược lại, cặp đôi nhà Vingroup vẫn duy trì đà tăng tốt, trong đó VRE tăng 4,5% lên vùng giá cao nhất ngày 28.750 đồng/CP, còn VHM giữ mức tăng tốt 2,5% lên 61.400 đồng/CP và khớp lệnh sôi động với hơn 3,85 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, đại diện của nhóm ngành bán lẻ - MWG cũng giữ được đà tăng khá tốt khi kết phiên tăng 2,8% lên mức 74.000 đồng/CP, cùng thanh khoản cao, thuộc top 10 dẫn đầu thị trường, đạt 7,35 triệu đơn vị, chỉ thua thanh khoản phiên kỷ lục ngày 26/8 (khớp 10,85 triệu đơn vị).

Xét về nhóm ngành, nhóm chứng khoán sau nhịp tăng nhẹ ở phiên sáng đã quay đầu điều chỉnh với các mã dẫn đầu như SSI, HCM, VND, VCI đều mất điểm, đáng kể là VCI giảm hơn 3,2%. Các mã khác như CTS, VDS, VIX, BSI cũng kết phiên trong sắc đỏ.

Nhóm ngân hàng cũng là kém tích cực với sắc đỏ chiếm áp đảo, ngoại trừ VCB, CTG, LPB chỉ tăng trên dưới 0,5%. Trong đó đáng chú ý là STB giảm 2,74%, các mã MSB, ACB, VIB, SSB đều giảm giảm 1%.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bán lẻ vẫn là điểm sáng của thị trường. Bên cạnh MWG giữ giá, các mã khác trong ngành tăng tốt như DGW tăng 5,7% lên mức 77.700 đồng/CP, FRT tăng 4,2% lên 91.900 đồng/CP, PET tăng 2,6% lên 43.600 đồng/CP…

Nhóm khai khoáng cũng có có diễn biến tích cực với TNT và BMC cùng kết phiên tăng kịch trần, cổ phiếu PVD không giữ được mức giá cao nhất nhưng kết phiên tăng 2,9% lên 21.100 đồng/CP với thanh khoản thuộc top 5, đạt xấp xỉ 13,3 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu bluechip tiếp tục gia tăng sức ép khiến thị trường nới rộng đà giảm về cuối phiên.

Đóng cửa, sàn HNX có 101 mã tăng và 89 mã giảm, HNX-Index giảm 1,55 điểm (-0,54%) xuống 283,08 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 51,3 triệu đơn vị, giá trị 1.108,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,64 triệu đơn vị, giá trị 293,2 tỷ đồng.

Cùng trong xu hướng chung của ngành, cổ phiếu NVB nới rộng biên độ giảm khi để mất 4%, kết phiên đứng tại vùng giá thấp nhất ngày 23.800 đồng/CP.

Bên cạnh đó, một số mã bluechip đảo chiều giảm về vùng giá thấp nhất ngày như HUT giảm 2,9% xuống 26.800 đồng/CP, CEO giảm 1,7% xuống 29.500 đồng/CP, SHS giảm 1,6% xuống 12.000 đồng/CP… hay THD, IDC, TNG cũng mất sắc xanh.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu TAR vẫn tăng tốt nhất trong rổ HNX30 khi kết phiên tăng 2% và đứng tại mức giá 26.000 đồng/CP. Còn lại các mã chỉ tăng trên dưới 1%.

Cổ phiếu PVS lùi về mức giá tham chiếu 26.800 đồng/CP và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường với hơn 10,45 triệu đơn vị khớp lệnh.

Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là SHS khớp 4,98 triệu đơn vị, PVC và KLF khớp trên dưới 3 triệu đơn vị. Kết phiên, trong khi SHS đảo chiều giảm, thì PVC và KLF cũng hạ độ cao, về quanh vùng giá tham chiếu.

Trên UPCoM, thị trường đã nới rộng đà giảm sau khi le lói sắc xanh đầu phiên.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,4 điểm (-0,44%) xuống 90,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23,14 triệu đơn vị, giá trị 471,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,88 triệu đơn vị, giá trị hơn 170,24tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường với hơn 5,11 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng kết phiên đà tăng cũng thu hẹp chỉ còn 0,8%, đứng tại mức giá 24.300 đồng/CP.

Trong khi đó, cổ phiếu khác trong nhóm dầu khí là OIL vẫn giữ mức tăng 1,6% lên 12.700 đồng/CP và khớp lệnh hơn nửa triệu đơn vị.

Các mã có thanh khoản tốt trên thị trường, chỉ đứng sau BSR, đó là C4G và CEN đều khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị. Đóng cửa, C4G tăng 3% lên 13.800 đồng/CP, còn CEN tăng 2% lên 10.200 đồng/CP.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều kết thúc tăng nhẹ, trong đó, VN30F2209 tăng 1,8 điểm, tương đương +0,1% lên 1.276,8 điểm, khớp lệnh 153.065 đơn vị, khối lượng mở hơn 38.800 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, CHPG2203 dẫn đầu thanh khoản khi khớp hơn 2,21 triệu đơn vị, kết phiên đứng tại mốc tham chiếu 20 đồng/CQ. Trong khi đó, đứng thứ 2 về thanh khoản là CACB2201 khớp hơn 2 triệu đơn vị, kết phiên tăng 200% lên 30 đồng/CQ.

Tin bài liên quan