Sau phiên sáng có phần thận trọng, dòng tiền đã trở nên tự tin hơn ngay khi bước vào phiên chiều, giúp số mã xanh trên bảng điện tử gia tăng, bên cạnh đó, sự trợ lực từ một số mã lớn như VNM, PNJ cùng nhóm ngân hàng đồng thuận đã kéo mạnh VN-Index lên trên 835 điểm sau gần 1 giờ giao dịch.
Mặc dù vậy, sau đó diễn biến không có thêm điểm đáng chú ý nào, khi thêm một lần nhà đầu tư dừng lại quan sát, chỉ số theo đó chỉ đi ngang cho đến khi đóng cửa, nhưng cũng đủ giúp VN-Index ghi nhận phiên tăng thứ 6 liên tiếp.
Kết phiên, sàn HOSE có 232 mã tăng và 131 mã giảm, VN-Index tăng 6,99 điểm (+0,84%), lên 835,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 322,2 triệu đơn vị, giá trị 5.794,1 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 9% về khối lượng và 7% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 32,1 triệu đơn vị, giá trị 753,1 tỷ đồng.
Trong phiên chiều, nổi lên cặp đôi lớn VNM và PNJ, khi đồng loạt được kéo mạnh. Theo đó, VNM +5% lên 113.900 đồng, khớp lệnh gần 3 triệu đơn vị.
Có lẽ thông tin thúc đẩy mạnh cổ phiếu VNM sau thông báo bắt đầu mua 17,5 triệu cổ phiếu quỹ từ ngày 21/5 đến 20/6 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Còn PNJ thậm chỉ còn tăng kịch trần +6,9% lên 63.800 đồng, khớp hơn 2,36 triệu đơn vị.
Ngoài ra, một số bluechip khác cũng hoạt động tốt, góp phần giữ đà cho thị trường như BVH +3,4% lên 49.800 đồng; PLX +2,8% lên 45.550 đồng; CTD +4,1% lên 69.000 đồng; POW +2,5% lên 10.400 đồng.
Cùng với đó là một số cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, với điểm nhấn thuộc về TPB, khi leo lên sắc tím +6,9% lên 20.050 đồng, còn lại các mã lớn cũng tăng khá như MBB +2,4% lên 17.200 đồng; TCB +2% lên 20.600 đồng; CTG +1,9% lên 21.650 đồng; VCB +1,5% lên 75.600 đồng.
Trái lại, đóng vai trò hãm đà tăng của chỉ số là MWG, giảm 2% xuống 83.300 đồng; NVL -2,4% xuống 52.700 đồng; MSN -1,7% xuống 62.000 đồng, HPG -1,3% xuống 23.650 đồng, cùng các sắc đỏ khác tại VIC, VJC, VPB, nhưng mức giảm cũng chỉ ở mức thấp, dưới 1%.
Thanh khoản MBB vẫn dẫn đầu với hơn 11,9 triệu đơn vị khớp lệnh. STB theo sát với hơn 11,3 triệu đơn vị, nhưng tăng không đáng kể +0,1%. Tiếp theo là HPG với hơn 10,5 triệu đơn vị; POW có 9,61 triệu đơn vị; ROS có gần 8,4 triệu đơn vị; VPB và CTG có hơn 6,5 triệu đơn vị…
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, HSG bỗng vọt lên sắc tím +7% lên 8.440 đồng và thanh khoản vươn lên dẫn đầu sàn với hơn 13,9 triệu đơn vị khớp lệnh.
Nhiều khả năng mã này tăng mạnh đến sau thông tin ước kết quả kinh doanh trong tháng 4/2020 với doanh thu đạt hơn 2.230 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 90 tỷ đồng.
Lũy kế 7 tháng của năm tài chính 2020 (1/10/2019-30/9/2020), HSG ghi nhận doanh thu 14.597 tỷ đồng, tương đương với 52% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 472 tỷ đồng, vượt 18% chỉ tiêu cả năm.
Nhóm cổ phiếu dệt may và thủy sản vẫn đứng vững từ phiên sáng, với hàng loạt mã tăng kịch trần đi kèm thanh khoản cao như TCM, MSH, GMC, CMX, ANV, ACL, TS4…
Ngoài ra, những cái tên quen thuộc như TTB, DCM, VCI, CTI, HVH, TLD, HSL, PXS cũng đóng cửa trong sắc tím. Trong đó, DCM nổi bật với thanh khoản cao với hơn 4,38 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trái lại FLC, HCM, KSB, GEX, HVG, APG, JVC, DGW, TDH, TDG, HAR giảm điểm.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng nỗ lực trong phiên chiều, và mặc dù giằng co còn khá lớn nhưng vẫn may mắn kết phiên tăng điểm.
TNG duy trì mức tăng trần trong phiên sáng đến khi đóng cửa +9,5% lên 13.800 đồng, khớp gần 4 triệu đơn vị.
Ngoài TNG, sắc tím còn có tại KLF, MBG, TIG, PVX, HKB, trong khi HUT, NVB, HAD, BVS đứng tham chiếu.
Vài mã còn giảm là SHB -1,1% xuống 17.300 đồng; SHS -1,1% xuống 8.700 đồng; CEO -1,4% xuống 7.100 đồng.
Còn lại đảo chiều thành công như PVS +1,6% lên 12.900 đồng; ACB +0,5% lên 21.800 đồng; VCS +1,9% lên 66.500 đồng; NTP +5,7% lên 35.400 đồng. Các mã ART, AMD, NDN, TAR, PLC, LAS đóng cửa tăng điểm.
Thanh khoản HUT vẫn giữ mức cao nhất sàn với hơn 8,9 triệu đơn vị khớp lệnh; KLF có 5,25 triệu đơn vị; PVS có 5,1 triệu đơn vị; ACB có 4,05 triệu đơn vị; MBG có 3,16 triệu đơn vị; TIG có 2,8 triệu đơn vị…
Đóng cửa, sàn HNX có 48 mã tăng và 43 mã tăng, HNX-Index tăng 0,2 điểm (+0,18%), lên 111,78 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 51,64 triệu đơn vị, giá trị 487,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,31 triệu đơn vị, giá trị 55,45 tỷ đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index gần như đi ngang quanh tham chiếu trong phiên chiều, nhưng cũng đã kịp bật hẳn lên về cuối phiên.
Giao dịch khá sôi động với 20 mã thanh khoản cao nhất duy chỉ còn VEA giảm và VHG đứng tham chiếu, còn lại đều tăng như BSR, LPB, VIB, OIL, TND, VGI, VGT, ACV, CTR, QNS…
Trong đó, BSR +3,2% lên 6.400 đồng, khớp hơn 5,11 triệu đơn vị; LPB +1,3% lên 7.800 đồng, khớp hơn 2,06 triệu đơn vị.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,27%), lên 53,63 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 18,12 triệu đơn vị, giá trị 207,83 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,03 triệu đơn vị, giá trị 24,78 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cà 4 hợp đồng tương lại đều đóng cửa giảm điểm, trong đó VN30F2005 mất 0,41% xuống 759,1 điểm, với tổng khối lượng khớp lệnh hươn 261.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 30.000 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, diễn biến phân hóa chủ đạo với khoảng 25 mã tăng và giảm cũng trên dưới 24 mã và không ít mã dừng lại ở tham chiếu.
Trong đó, được giao dịch nhiều nhất là CHDB2004 với hơn 1,1 triệu đơn vị, nhưng mã này chỉ đứng tham chiếu tại 100 đồng/cq.