Trong phiên sáng, sau ít phút đầu thận trọng, lực cầu bất ngờ gia tăng ở nhóm ngân hàng, lan tỏa ra các nhóm chứng khoán, bất động sản và thép, kéo VN-Index tăng hơn 30 điểm, lên trên mốc 1.035 điểm với thanh khoản tăng mạnh so với phiên sáng trước đó.
Bước vào phiên chiều, sau nhịp lùi nhẹ đầu phiên, VN-Index lấy lại đà tăng, tiến sát mốc 1.040 điểm khi nhà đầu tư không thể đặt mua được các mã đã tăng trần phiên sáng, chuyển hướng sang gom các mã khác, kéo thêm hàng loạt mã trong nhóm ngân hàng như SHB, MBB, BID, LPB, thậm chí cả MSB, mã giảm mạnh nhất nhóm đầu phiên sáng, cũng được kéo lên mức trần.
Khi nhóm bank trở nên khó mua, lực cầu chuyển hướng sang các nhóm dẫn dắt khác như thép, bất động sản, kéo thêm HPG, HSG của thép (cùng SMC vẫn duy trì từ sáng), KBC, NTL, VGC của nhóm bất động sản (cùng NLG, KDH, HDG của phiên sáng), hay nhóm phân bón và nhiều mã đơn lẻ khác cùng đua sắc tím.
Tuy nhiên, mã đầu ngành ngân hàng, cũng là vốn hóa lớn nhất sàn là VCB lại hạ nhiệt từ mức tăng hơn 5% của phiên sáng, chỉ còn tăng 3,2% khi chốt phiên chiều, trong khi VIC về tham chiếu, cùng nhiều mã bất động sản khác bị xả xuống mức sàn như HDC, TEG, NBB, DRH khiến VN-Index hạ nhiệt, không thể chinh phục mốc 1.040 điểm, thậm chí đóng cửa dưới ngưỡng 1.035 điểm, thấp hơn phiên sáng.
Chốt phiên, VN-Index tăng 28,61 điểm (+2,84%), lên 1.034,81 điểm với 386 mã tăng (trong đó có 25 mã trần), trong khi chỉ còn 96 mã giảm (12 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 608 triệu đơn vị, giá trị 11.383,6 tỷ đồng, giảm 9,5% về khối lượng và 11,6% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 83,3 triêu đơn vị, giá trị 1.716,8 tỷ đồng.
Ngoài các mã bất động sản giảm sàn kể trên, “tủi thân nhất” hôm nay chắc là cổ đông HAG khi mã này bị xả mạnh, kéo mã này lao thẳng xuống mức sàn 9.630 đồng và còn dư bán sàn, dù có lúc trong ngày đã tăng tới 3,4%.
Lực cầu lớn không thể giúp HAG thoát mức sàn, mà chỉ giúp mã này có thanh khoản vượt qua HPG trở thành mã có thanh khoản tốt nhất thị trường hôm nay với gần 30,9 triệu đơn vị được khớp, trong đó riêng đợt ATC khớp hơn 3 triệu đơn vị ở giá sàn.
HPG cũng có phiên giao dịch bùng nổ với thanh khoản gần 29 triệu đơn vị và còn dư mua trần (18.700 đồng) hơn 330.000 đơn vị.
Mã có thanh khoản tốt tiếp theo là VND với 25,6 triệu đơn vị, nhưng đà tăng khiêm tốn với chỉ 2,2% lên 13.950 đồng. Trong nhóm chứng khoán, dù cũng phất cờ, nhưng cuối cùng cũng chỉ có duy nhất VCI trụ lại mức trần, còn lại SSI hụt 1 bước, đóng cửa ở mức 17.250 đồng, tăng 6,5%, thanh khoản 18,6 triệu đơn vị.
KBC là mã có cú “đào thoát” ngoạn mục nhất hôm nay khi có lúc bị đẩy xuống mức sàn 20.250 đồng, nhưng đóng cửa lại ở mức trần 23.250 đồng, thanh khoản gần 12,3 triệu đơn vị.
Sàn HNX cũng có diễn biến tương tự, khi lên ngưỡng 225 bị đẩy lại, nhưng tích cực hơn VN-Index là đóng cửa cao hơn phiên sáng.
Chốt phiên sáng, HNX-Index tăng 4,65 điểm (+2,13%), lên 223,43 điểm với 128 mã tăng và 63 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 54 triệu đơn vị, giá trị 882 tỷ đồng, giảm 31% về khối lượng và 25% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,5 triệu đơn vị, giá trị 68,9 tỷ đồng.
Các mã đáng chú ý trên sàn này trong phiên sáng đều duy trì tăng mạnh trong phiên chiều, trong đó SHS thậm chí có lúc đã leo lên mức trần 8.500 đồng, nhưng cuối cùng vẫn đóng cửa bằng với phiên sáng với mức tăng 6,4% lên 8.300 đồng, thanh khoản tốt nhất sàn với 9,28 triệu đơn vị. PVS lại hạ nhiệt chút ít khi đóng cửa tăng 4,6% lên 22.800 đồng, khớp hơn 5 triệu đơn vị; IDC tăng 4,4% lên 45.000 đồng, khớp 4,15 triệu đơn vị; trong khi CEO không giữ được phong độ, đóng cửa ở tham chiếu 15.000 đồng, khớp 4,64 triệu đơn vị.
UPCoM cũng có diễn biến giống 2 sàn niêm yết khi tạo đỉnh của ngày giữa phiên chiều, sau đó hạ nhiệt, nhưng giống HNX, chỉ số chính của sàn này đóng cửa cao hơn phiên sáng.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,99 điểm (+1,27%), lên 78,94 điểm với 191 mã tăng và 87 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 29,3 triệu đơn vị, giá trị 480 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,3 triệu đơn vị, giá trị 114 tỷ đồng.
Sàn này chiều nay chỉ có thêm 3 mã gia nhập nhóm thanh khoản 1 triệu đơn vị là VHG, SBS và C4G, cùng với BSR và ABB của phiên sáng. Trong đó, BSR dẫn đầu với gần 4,83 triệu đơn vị, đóng cửa ở tham chiếu 19.900 đồng, VHG vượt qua ABB trở thành mã có thanh khoản tốt thứ 2 với 1,92 triệu đơn vị, đóng cửa cũng ở mức tham chiếu 2.600 đồng. Còn 3 mã ABB, SBS và C4G khớp từ hơn 1 triệu đơn vị đến hơn 1,5 triệu đơn vị và cùng đóng cửa tăng giá, nhưng ở mức khiêm tốn.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng mạnh hơn thị trường cơ sở. Theo đó, VN30-Index tăng 33,25 điểm (+3,32%), lên 1.034,93 điểm, trong khi hợp đồng đáo hạn tháng 10 là VN30F2210 tăng 36,1 điểm (3,65%), lên 1.025,1 điểm với 419.083 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 42.505 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng chiếm thế áp đảo trong đó có 2 mã tăng hơn 100%, 13 mã tăng 100% giá trị hôm nay. Về thanh khoản, có 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là CMBB2205 do VND phát hành hơn 2,23 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 100% lên 20 đồng; CACB2204 do HSC phát hành với 1,84 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 100% lên 20 đồng; CHPG2215 do KIS phát hành với 1,3 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 18,2% lên 260 đồng; CVRE2210 do MBS phát hành với 1,07 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 8% lên 270 đồng.