Giao dịch chứng khoán chiều 12/1: Kéo trụ, VN-Index xanh bát ngát

Giao dịch chứng khoán chiều 12/1: Kéo trụ, VN-Index xanh bát ngát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index xanh bát ngát nhưng không phải thị trường xanh! 267 mã giảm giá trên HOSE với 52 mã nằm sàn với dư bán chất ngất phản ánh đúng một phiên “kéo trụ để xả” của thị trường.

Sau phiên sáng đầy lo lắng cho các nhà đầu tư, phiên chiều nay, nếu nhìn vào chỉ số chung của thị trường thì dường như chưa có biến cố nào xảy ra. VN-Index được kéo lên thẳng đứng, tăng hơn 40 điểm so với điểm thấp nhất trong phiên sáng.

Phiên chiều nay có nét gì đó giống phiên 24/11/2021, khi đa số mã giảm giá sâu, nhiều mã giao dịch ở giá sàn thì cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng cực mạnh, hàng loạt cổ phiếu tăng trần kéo VN-Index tăng ngoài hầu hết dự báo.

Nhóm cổ phiếu lớn VN30, nếu như trong phiên sáng tỏ ra yếu đuối không hỗ trợ được thị trường thì bước sang phiên chiều bỗng dưng bừng sáng. Nhóm ngân hàng thay thế nhóm bất động sản giữ nhịp thị trường, BID, TPB, STB tăng trần, và các mã ngân hàng khác có mức tăng khá lớn đều trên 3%.

Có một chút tiếc nuối nhẹ đó là VN30-Index dù tăng hơn 25 điểm nhưng thanh khoản chỉ cải thiện so với các phiên trước, chứ không đột biến. Dòng tiền có lẽ còn thận trọng sau diễn biến tiêu cực 2 phiên đầu tuần.

Tâm điểm thị trường hôm nay, tất nhiên là nhóm cổ phiếu bất động sản. Như bản tin giao dịch chiều qua, hiệu ứng domino với nhóm cổ phiếu chiếm hơn 20% vốn hóa thị trường này đã xảy ra, một loạt mã giảm xuống giá sàn với lượng dư bán hàng triệu cổ phiếu. QCG, KHG, HQC, SAM, OGC,… dù thị trường chung tăng mạnh trở lại thì kết quả giao dịch vẫn không cải thiện chung một màu xanh lơ trên bảng điện.

Hôm nay, Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng, từ sáng sớm đã đưa thông điệp: “Mọi người nên dành phần lớn danh mục của mình theo trường phái đầu tư giá trị. Mua bán theo hô hào của các hội nhóm đang rủi ro rất cao”. Có lẽ không phải là “đang rủi ro” nữa mà rủi ro đã đến!

Tất nhiên, nhìn ở góc độ lạc quan, thị trường luôn có cơ hội, phiên hôm nay là ví dụ điển hình. Khi mà nhóm bất động sản bị bán mạnh thì nhà đầu tư nắm giữ nhóm ngân hàng lại có nhiều niềm vui, xa hơn một chút thì điều ngược lại đã diễn ra, khi nhóm bất động sản thăng hoa thì cổ đông mua các mã bluechips phải ngậm ngùi.

Phiên kéo mạnh ngày hôm nay giúp các chỉ số kỹ thuật trở lại xu hướng tích cực. Tuy nhiên, khi thị trường biến động mạnh ở vùng đỉnh lịch sử thì cái mà nhà đầu tư cần thời điểm này vẫn là lời khuyên quá cũ “quản trị rủi ro”.

Kết thúc phiên, VN-Index tăng 18,20 điểm (+1,22%), lên 1.510,51 điểm với 203 mã tăng, cao hơn rất nhiều so với 77 mã của phiên sáng, trong đó có 12 mã tăng, trong khi phiên sáng chỉ có 2 mã; số mã giảm chỉ còn 267 mã so với 389 mã phiên sáng, tuy nhiên số mã giảm sàn lại tăng thêm 5 mã lên 52 mã. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1.130,8 triệu đơn vị, giá trị 35.709 tỷ đồng, giảm 9% về khối lượng và tương đương về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 26,2 triệu đơn vị, giá trị 1.099 tỷ đồng.

Thị trường tăng mạnh chiều nay là nhờ các trụ kéo tăng, trong đó đặc biệt là nhóm ngân hàng khi tất cả đều tăng, trong đó sắc tím xuất hiện ở 3 mã là BID, TPB và STB lên mức giá lần lượt là 42.150 đồng, 43.000 đồng và 34.700 đồng. Ngoài ra, còn có hàng loạt mã tăng mạnh là HDB tăng 5,63% lên 30.950 đồng, SHB tăng 5,46% lên 22.200 đồng, MSB tăng 5,26% lên 28.000 đồng, VIB tăng 5,03% lên 46.950 đồng, SSB tăng 5% lên 41.000 đồng, MBB tăng 4,66% lên 29.200 đồng, TCB tăng 4,02% lên 50.400 đồng; các mã tăng hơn 3% có VPB, CTG và OCB; các mã tăng từ hơn 1% đến hơn 2% là ACB, LPB và EIB, trong khi anh cả VCB tăng khiêm tốn nhất 0,76% lên 80.000 đồng.

Nhóm chứng khoán có CTS lên trần 44.900 đồng, còn SSI tăng 5% lên 50.500 đồng, VND tăng 4,66% lên 76.400 đồng, VCI và HCM tăng hơn 2%..., chỉ có VIX và TVS giảm nhưng không quá mạnh.

Trong nhóm thép, từ mức xanh nhạt phiên sáng, HPG đã nới rộng đà tăng lên 2,44% đóng cửa ở mức 46.200 đồng, mức tăng mạnh nhất nhóm. Tiếp đó, NKG tăng 2,35% lên 37.050 đồng, HSG tăng 1,73% lên 35.200 đồng… Trái ngược, TNI lại giảm sàn xuống 8.700 đồng, TNA giảm 3,15% xuống 20.000 đồng.

Nhóm dầu khí cũng có phiên khởi sắc, trong đó PVD tăng trần lên 31.550 đồng, GAS tăng 4,55% lên 108.000 đồng.

Trong nhóm bất động sản, KBC bất ngờ lội ngược dòng nhóm khi tăng trần lên 58.900 đồng. Ngoài ra, còn có BCM tăng 6,25% lên 79.900 đồng, TIP tăng 5,64% lên 59.900 đồng, cùng AGG, KDH, HPX.

Trong khi đó, áp lực xả mạnh, trong đó nhiều khả năng có lệnh bán giải chấp khiến hàng loạt mã khác giảm sàn với dư bán sàn lên tới hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đơn vị như nhóm FLC, CII, QCG, DIG, SCR, ITC, ITA, LGL, NVT, HQC, LDG…

Không chỉ nhóm bất động sản vừa và nhỏ, hàng loạt mã vừa và nhỏ ở các nhóm ngành hoặc đơn lẻ vốn tăng nóng thời gian qua cũng chịu áp lực bán mạnh và đồng loạt giảm sàn hôm nay như HNG, SJF, OGC, DLG, IDI, GEX…

Về thanh khoản, STB là mã giao dịch tốt nhất hôm nay với 62,4 triệu đơn vị, còn dư mua trần hơn 2,5 triệu đơn vị. Tiếp đến là POW với 43 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,7% xuống 18.150 đồng, HAG với 41,4 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,6% xuống 14.850 đồng, HNG 35,8 triệu đơn vị, còn dư bán sàn hơn nửa triệu đơn vị. Các mã khớp hơn 20 triệu đơn vị có GEX, ITA, TCH, SCR, DXG, SHB.

Trên sàn HNX, nhiều mã bluechip hồi phục cũng đã giúp thị trường hãm đà rơi. Chỉ số HNX-Index thu hẹp biên độ giảm.

Đóng cửa, HNX-Index giảm 7,97 điểm (-1,65%) xuống 473,64 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 135,12 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị đạt 4.383,74 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 11,2 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 232,93 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 phân hóa với 14 mã tăng và 15 mã giảm, nhưng cặp đôi lớn CEO và IDC giảm sâu khiến HNX30-Index để mất hơn 11 điểm.

Trong đó, CEO giảm 9,9% xuống mức giá sàn 82.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 11,17 triệu đơn vị; IDC dù thoát khỏi phiên nằm sàn nhưng kết phiên đã giảm tới 7,4% xuống mức 71.500 đồng/CP. Các mã lớn khác như VCS, NVB, THD giảm trên dưới 1%.

Ngoài ra, các mã giảm mạnh khác trong rổ HNX30 có NRA giảm 7,3%, HUT giảm 5,3%, NBC giảm 4,7%, DTD giảm 4,6%, NDN giảm 4,4%, TNG giảm 3,6%...

Trái lại, các mã tăng mạnh có DDG và LHC kết phiên tăng kịch trần, TAR tăng 8,7%, L14 tăng 6,1%, SHS tăng 4,7%...

Nhóm cổ phiếu họ P cũng giao dịch khởi sắc với PVC tăng 6,3%, PVS tăng 3,6%, PVB tăng 2,1%..., trong đó PVS có thanh khoản lớn nhất sàn HNX, đạt 11,42 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục bị bán mạnh như DL1 giảm 6%, TTH giảm 3,5%, AMV giảm 5,6%, LIG, PVL giảm sàn… Đặc biệt là cặp đôi nhà FLC là KLF và ART đều trong trang thái dư bán sàn chất đống, với KLF dư bán sàn 19,64 triệu đơn vị, ART dư bán sàn hơn 8,5 triệu đơn vị…

Trên UPCoM, thị trường cũng thu hẹp biên độ giảm.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,35 điểm (-0,31%) xuống 114,19 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 108 triệu đơn vị với tổng giá trị đạt 2.249,17 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,65 triệu đơn vị, giá trị tương ứng đạt 331,78 tỷ đồng.

Cũng như nhiều mã vừa và nhỏ trên thị trường niêm yết, cổ phiếu VHG cũng kết phiên tại mức giá sàn 11.900 đồng/CP và vẫn giữ vị trí dẫn đầu về thanh khoản trên UPCoM, đạt 17,46 triệu đơn vị, cùng lượng dư bán sàn 2,23 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cặp đôi dầu khí là BSR và OIL đều khởi sắc với BSR tăng 3% lên 23.800 đồng/CP và khớp 11,89 triệu đơn vị, còn OIL tăng 4,4% lên 18.900 đồng/CP và khớp 4,89 triệu đơn vị.

Nhóm ngân hàng cũng có diễn biến tích cực với BVB tăng 1,8%, ABB tăng 1,4%, VAB tăng 1,7%, SGB tăng 0,5%, NAB tăng 2%, KLB tăng 2,4%...

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều hồi phục, trong đó, VN30F2201 tăng 25,3 điểm (+1,7%), xuống 1.1.528,9 điểm, khớp lệnh hơn 177.160 đơn vị, khối lượng mở 29.900 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng chiếm ưu thế, trong đó, CSTB2111 dẫn đầu thanh khoản với 257.210 đơn vị khớp lệnh và kết phiên tăng 29,9% lên 1.000 đồng/CQ. Tiếp thei là CSTB2109 khớp hơn 2 triệu đơn vị và kết phiên tăng 39,7% lên 3.590 đồng/CQ.

Tin bài liên quan