Thực tế, VN-Index diễn biến giằng co đi ngang trong suốt 3 phiên vừa qua. Chỉ số này chỉ không giảm điểm khi sức cầu vẫn duy trì được sự ổn định. Tuy nhiên, trong phiên hôm nay, sức cầu đã giảm đáng kể, nhất là tại nhóm cổ phiếu bluechips khiến trụ đỡ chính này suy yếu. Đây cũng là lý do khiến VN-Index tiếp tục giằng co trong suốt phiên giao dịch mà không rõ xu hướng, trước khi đảo chiều giảm điểm, qua đó ngắt chuỗi tăng liên tiếp ở con số 6.
Đóng cửa, với 154 mã tăng và 222 mã giảm, VN-Index giảm 0,12 điểm (-0,01%) về 843,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 249 triệu đơn vị, giá trị 4.184,49 tỷ đồng, giảm 20% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên 10/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 22,23 triệu đơn vị, giá trị hơn 586 tỷ đồng.
So với phiên sáng, diễn biến trong phiên chiều còn ảm đạm hơn khi cả bên mua và bên bán đều lưỡng lự khiến hoạt động giao dịch diễn ra chậm chạp, VN-Index chủ yếu giằng co nhẹ. Điều này cho thấy, nhà đầu tư đã thận trọng hơn ở quanh ngưỡng nhạy cảm 850 điểm này.
Rổ VN30 có 16 mã giảm điểm, nhưng mức giảm nhẹ, mã giảm mạnh nhất là là VNR cũng chỉ ở mức 1,3% (về 26.300 đồng), còn lại đều dưới 1%.
Tương tự, chiều tăng đa phần cũng tăng dưới 1%, mã tăng mạnh nhất là SSI với 2,1% (lên 14.700 đồng), ngoài ra có thêm CTG +18% (lên 23.200 đồng), BID và PLX cùng tăng 1%.
Giao dịch tại nhóm cổ phiếu thị trường cũng không mấy nổi bật và phân hóa khá rõ nét. Trong khi ITA, HQC, ASM, OGC, LDG… tăng điểm, thì ROS, DLG, TNI, HHS, DXG… giảm điểm, còn HSG, HAG, FLC, DRH, HAI, SJF… đứng giá.
ITA dẫn đầu thanh khoản với 11,3 triệu đơn vị, tăng 0,9% lên 4.300 đồng. Tiếp đó là HPG và HSG với cùng 9,67 triệu đơn vị, nhưng HPG -0,2% về 24.250 đồng.
EVG và TLD bất ngờ tăng trần với thanh khoản khá mạnh, lần lượt là 2,1 triệu và 1,3 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, mã DAT chính thức ghi nhận phiên tăng trần thứ 37 liên tiếp lên 86.100 đồng, nhưng thanh khoản vẫn ở mức rất thấp chỉ 30 đơn vị được khớp lệnh.
Mã HCD tiếp tục diễn biến giật cục “tăng trần rồi giảm sàn”, phiên này giảm hết biên độ về 3.400 đồng, thanh khoản mạnh khi khớp lệnh 3,29 triệu đơn vị.
Trên HNX, khác với diễn biến ảm đạm của HOSE, sàn này tiếp tục duy trì đà tăng tích cực có được từ phiên sáng và kết phiên ở mức cao nhất ngày nhờ sự đột biến của ACB.
Đóng cửa, với 86 mã tăng và 68 mã giảm, HNX-Index tăng 3,39 điểm (+1,61%) lên 116,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 58,96 triệu đơn vị, giá trị 840,63 tỷ đồng, tăng 24% về khối lượng và 99% về giá trị so với phiên 10/8. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,4 triệu đơn vị, giá trị hơn 162 tỷ đồng.
Góp phần đáng kể nhất trong phiên đầy hứng khởi của HNX hôm nay là mã vốn hóa lớn nhất sàn ACB khi bất ngờ bật tăng mạnh 6,7% lên 25.400 đồng, thanh khoản cũng tăng đột biến lên 15,3 triệu đơn vị, cao nhất kể từ mức kỷ lục xác lập từ cuối tháng 2 năm nay. Trên thị trường, không có thông tin nào đáng chú ý liên quan tới ACB được công bố ngoài thông tin về kết quả kinh doanh được đã được đưa ra từ cuối tháng 7.
Ngoài ACB, một số mã lớn khác có giao dịch tích cực có thể kể đến là PVS +0,8% lên 12.200 đồng và khớp 3,9 triệu đơn vị, NVB +1,2% lên 8.700 đồng và khớp 3,15 triệu đơn vị… Trong khi đó, SHB -0,8% về 12.600 đồng, khớp lệnh 1,5 triệu đơn vị.
Các mã MBG, AAV, KVC, ACM… tăng trần, nhưng chỉ MBG có thanh khoản tốt với 2,9 triệu đơn vị, tăng lên 5.300 đồng.
Trên UpCoM, sắc xanh cũng được duy trì trong suốt phiên giao dịch dù chịu sự rung lắc mạnh. Thanh khoản cải thiện mạnh.
Đóng cửa, với 104 mã tăng và 81 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,22 điểm (+0,39%) lên 56,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 23,6 triệu đơn vị, giá trị 374,22 tỷ đồng, tăng 67% về khối lượng và 98% về giá trị so với phiên 10/8. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,29 triệu đơn vị, giá trị gần 110 tỷ đồng.
Nếu trên sàn HNX có ACB thì UPCoM có LPB khi mã này cũng ghi nhận giao dịch đột biến trong phiên hôm nay với mức khớp đạt 10,8 triệu đơn vị, tăng 2,3% lên 8.800 đồng.
Thanh khoản của LPB cao hơn nhiều so với các mã đứng sau là VIB, BSR và C4G với lượng khớp chưa tới 2 triệu đơn vị, trong đó VIB tăng 2% lên 20.200 đồng, BSR đứng giá 6.300 đồng, còn C4G -2% về 8.100 đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng điểm. Trong đó, hợp đồng có thời gian đáo hạn gần nhất là VN30F2008 tăng 0,58% lên 787 điểm với 209.054 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 36.096 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm thế áp đảo với 63 mã giảm và chỉ 12 mã tăng và 8 mã đứng giá, trong đó mã CVIC2003 có thanh khoản cao nhất đạt 417.380 đơn vị được khớp, đóng cửa giảm về mức 34 đồng (-21%).