Giao dịch chứng khoán chiều 11/3: VN-Index đe dọa mốc 1.460 điểm, cổ phiếu gỗ vẫn tím lịm

Giao dịch chứng khoán chiều 11/3: VN-Index đe dọa mốc 1.460 điểm, cổ phiếu gỗ vẫn tím lịm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng mạnh trên diện rộng khiến VN-Index có thời điểm thủng mốc 1.460 điểm. Đáng chú ý, trong khi nhóm cổ phiếu dầu khí bị xả bán mạnh thì nhóm cổ phiếu gỗ lại có phiên dậy sóng.

Ngưỡng 1.480 điểm vẫn đóng vai trò ngưỡng cản của thị trường. Trong phiên sáng nay, ngay khi VN-Index tiếp cận vùng giá này, áp lực bán đã gia tăng khiến thị trường giật lùi trở lại. Thị trường đã tạm dừng phiên sáng trong nhịp điều chỉnh nhẹ với thanh khoản cải thiện chút ít.

Bước sang phiên giao dịch chiều, sau gần 1 giờ nỗ lực giữ mốc 1.470 điểm, lực bán dâng cao trên diện rộng đã khiến VN-Index chào thua. Thậm chí, áp lực xả bán ồ ạt đã khiến chỉ số VN-Index thủng mốc 1.460 điểm trước khi hồi nhẹ về cuối phiên.

Các thông tin từ thị trường quốc tế đang dần tác động tới hoạt động kinh tế trong nước, đầu tiên là giá dầu tăng cao đã khiến giá xăng trong nước lập kỷ lục. Điều này dẫn tới những lo ngại lớn về việc nhiều loại hàng hóa dịch vụ khác bị đẩy giá theo từ vận chuyển, đánh bắt hải sản, du lịch... Tiếp theo là giá cả nhiều loại hàng hóa khác là nguyên liệu đầu vào của sản xuất đã và có thể bị tác động vì xung đột như phân đạm, gỗ, than, các loại khoáng sản cũng sẽ tác động tới lạm phát trong thời gian tới.

Những mỗi lo ngại trên bắt đầu phản ánh khá rõ vào thị trường chứng khoán khi VN-Index chính thức có trọn 1 tuần giảm điểm, điều khá lâu chưa diễn ra.

Về mặt kỹ thuật, thị trường đã đóng cửa phiên cuối tuần không mấy khả quan khi chỉ số VN-Index để mất ngưỡng hỗ trợ gần nhất 1.470 điểm với sắc đỏ tràn ngập trên bảng điện tử. VN-Index đã xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ gần nhất là đường MA100 ở khu vực 1.471 điểm và xác nhận đã bước vào đợt giảm điểm trung hạn. Ngưỡng hỗ trợ tiếp theo là khu vực 1.413-1.430 điểm.

Trên đồ thị tuần, VN-Index cũng xuyên thủng đường giá trung bình 20 tuần sau hơn 4 tháng kể từ tháng 10/2021 nằm trên đường này.

Đóng cửa, sàn HOSE có 113 mã tăng và 342 mã giảm, VN-Index giảm 12,54 điểm (-0,85%) xuống 1.466,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 878,2 triệu đơn vị, giá trị hơn 27.654,7 tỷ đồng, tăng 35% về khối lượng và 30,6% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 22,5 triệu đơn vị, giá trị 803,22 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cũng tiêu cực hơn khi để mất 13,1 điểm khi có tới 22 mã giảm và chỉ còn 8 mã giữ sắc xanh. Trong đó, cổ phiếu ngân hàng BID vươn lên vị trí dẫn đầu khi tăng 2,2% và kết phiên tại mức giá cao nhất trong ngày, trong khi VNM vẫn giữ nguyên mức giá 78.000 đồng/CP.

Trái lại, các mã dầu khí đang là những cái tên ghi nhận đà giảm mạnh nhất với PLX giảm tới 5,4% và kết phiên đứng tại mức giá 58.000 đồng/CP, GAS cũng trượt dài hơn khi để mất 4,7% xuống mức 112.900 đồng/CP. Nhiều doanh nghiệp trong ngành xăng dầu không được hưởng lợi bởi giá xăng dầu quốc tế tăng quá nhanh thời gian qua, thậm chí phải bán lỗ bởi giá trong nước điều chỉnh theo các chu kỳ tăng, có độ trễ chậm hơn giá quốc tế.

Ngoài ra, nhiều mã giảm mạnh khác như MSN giảm 5% xuống mức thấp nhất ngày 142.500 đồng/CP, PNJ giảm 3,5% xuống 104.500 đồng/CP, SSI giảm 3,4% xuống 45.000 đồng/CP, GVR giảm 3% xuống 34.500 đồng/CP…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, áp lực bán cũng khiến hàng loạt mã quay đầu điều chỉnh như FLC, ROS, ITA, HQC, LDG… hay TSC, IDI, SJF, TGG… giảm sàn.

Tuy nhiên, vẫn có những mã lội ngược dòng thành công như HAG kết phiên tăng 2,1% lên mức 12.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lên tới 28,39 triệu đơn vị, chỉ đứng sau HPG và VND về thanh khoản, hay TTF giữ vững sắc tím với khối lượng khớp lệnh đạt gần 16,5 triệu đơn vị và dư mua trần gần nửa triệu đơn vị…

Xét về nhóm ngành, dòng bank tiếp tục duy trì sự phân hóa. Trong đó, bên cạnh EIB vẫn tăng tốt nhất hơn 3,2%, các mã tăng khác như BID tăng 2,2%; STB, MBB, HDB tăng hơn 1%; CTG, OCB tăng 0,5%; còn TCB, VPB, ACB, VIB, TPB, MSB, LPB chủ yếu giảm chưa tới 1%.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thép không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường khi đồng loạt giảm sâu hơn với HPG và HSG cùng giảm 3,2%, NKG, POM và TLH giảm 2,4%, SMC giảm 1,1%. Trong đó, HPG có thanh khoản tốt nhất thị trường khi khớp tới hơn 44,34 triệu đơn vị, còn HSG và NKG khớp lệnh hơn 13 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, cặp đôi sáng nhất ngành trong phiên sáng nay là BSI và VND dù vẫn giữ được sắc xanh nhưng biên độ tăng đã thu hẹp, trong đó VND tăng 2% và kết phiên tại mức giá thấp nhất ngày 32.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 32,6 triệu đơn vị, còn BSI tăng 2,5% lên 42.300 đồng/CP và khớp 1,65 triệu đơn vị. Còn lại sắc đỏ phủ kín trên diện rộng với CTS giảm 3,63%, GCM giảm gần 3%, AGR giảm 2,82%, FTS giảm 4,5%, VIX giảm 2,2%, TVS giảm 2,3%, TVB giảm 2,4%...

Ở nhóm bất động sản, bên cạnh mã lớn VHM, VIC giảm nhẹ, hàng loạt mã khác cũng kết phiên mất điểm như BCM giảm 1,36%, DIG giảm 3,3%, KBC giảm 1,71%, PDR, VCG, KDH, TCH, BCG… đồng loạt giao dịch trong sắc đỏ.

Ở nhóm cổ phiếu dầu khí, bên cạnh bộ đôi lớn GAS và PLX giảm sâu, nhiều mã khác trong ngành cũng giật lùi như PVD giảm 4,4% xuống 37.100 đồng/CP, PXS và CNG có thời điểm giảm sàn và kết phiên đều mất hơn 5,5%, PGD giảm 2,8% xuống mức giá thấp nhất ngày 34.800 đồng/CP…

Nhóm cổ phiếu gỗ vẫn là điểm sáng của thị trường với các mã TTF, PTB, GDT, GTA đều tăng hết biên độ và kết phiên trong sắc tím.

Trên sàn HNX, áp lực bán cũng gia tăng mạnh với tâm điểm là nhóm cổ phiếu bluechip khiến HNX-Index giảm sâu.

Đóng cửa, sàn HNX có 94 mã tăng và 157 mã giảm, HNX-Index giảm 5,44 điểm (-1,22%) xuống 442,2 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 168,78 triệu đơn vị, giá trị 4.042,46 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,32 triệu đơn vị, giá trị 418,44 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 có tới 22 mã giảm, gấp gần 4 lần số mã tăng (6 mã), chỉ số HNX30-Index giảm hơn 14 điểm. Trong đó, NRC vẫn giữ mức tăng trần, VCS tăng 4,4%, HUT và LHC tăng 3,9% TNG và LAS tăng hơn 1%.

Trái lại, 3 mã NBC, PVB và PVC đều nằm sàn, cổ phiếu tác động mạnh tới chỉ số chung như IDC, SHS, PVS, CEO đều giảm 3-4%. Trong đó, PVS giảm 3,4% xuống mức 36.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 20,76 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhiều mã cũng đảo chiều giảm điểm như BII quay đầu giảm 3,2% xuống 15.100 đồng/CP, MBG giảm 1,3%, AMV giảm 3,8%, DVG giảm 3,6%, IDJ giảm 5,5%, NDN giảm 2,2%...

Xét về nhóm ngành, cổ phiếu than và dầu khí bị bán mạnh. Cụ thể, bên cạnh NBC, PVC, PVB, các mã khác như HLC, TC6, TDN cũng đều giảm sàn, còn MDC, THT, TVD giảm hơn 8-9%.

TRên UPCoM, dù có chút rung lắc nhưng thị trường đã hồi phục thành công.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (+0,07%), lên 115,37 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 157,56 triệu đơn vị, giá trị 2.502,8 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR giảm 2,1% xuống mức 27.600 đồng/CP và là mã khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt hơn 14,7 triệu đơn vị; PVX giảm 7,9% xuống 7.000 đồng/CP và khớp 8,7 triệu đơn vị, OIL giảm 1,9% xuống 20.300 đồng/CP và khớp gần 4 triệu đơn vị.

Ở nhóm ngân hàng, BVB giảm 2%, ABB giảm 1,8%, VAB giảm 0,7%... hay nhóm ngành thép có TIS giảm 2,3%, TVN giảm 2,9%.

Một số cổ phiếu vừa và nhỏ đáng chú ý như HVG tăng 7,1% lên 4.500 đồng/CP và khớp 8,26 triệu đơn vị, QTP tăng 3,6% lên 19.900 đồng/CP và khớp 5,31 triệu đơn vị, PAS tăng 2,1% lên 24.500 đồng/CP và khớp 2,49 triệu đơn vị…

Trái lại, VHG giảm 1,9% xuống 10.300 đồng/CP và khớp 8,12 triệu đơn vị, SBS giảm 3,4% xuống 14.300 đồng/CP và khớp 2,87 triệu đơn vị, AVF giảm 5,6%, PPI giảm 4,3%...

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, trong đó VN302203 đáo hạn gần nhất giảm 14 điểm (-0,9%) xuống 1.476 điểm, khớp lệnh gần 150.730 đơn vị, khối lượng mở 34.350 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, trong đó, CMSN2110 khớp lệnh cao nhất, đạt 217.190 đơn vị. Tiếp theo là CHPG2203 khớp 198.650 đơn vị và kết phiên giảm 12% xuống 1.840 đồng/CQ.

Tin bài liên quan