Trong phiên sáng, thị trường giao dịch giằng co trong biên độ hẹp, nhưng nhà đầu tư cũng có những phút lo âu cuối phiên bởi lực bán gia tăng ở vùng 965 điểm khiến VN-Index cắm đầu đi xuống và chỉ có may mắn nhận được sự hỗ trợ của một số mã lớn mới không xuống dưới tham chiếu.
Bước vào phiên giao dịch chiều, nhà đầu tư lại tiếp tục có những giây phút thót tim. Lực cầu nhẹ nhàng đầu phiên ở một số mã bluechip kéo VN-Index nhích trở lại, thu hút dòng tiền mạnh dạn giải ngân ở một số nhóm cổ phiếu. Tuy nhiên, khi nhận thấy dòng tiền trở lại, bên bán đã mạnh tay khiến VN-Index rơi theo phương thẳng đứng xuống dưới tham chiếu và xác lập đáy của ngày sau khoảng 15 phút giao dịch.
Tuy nhiên, VN-Index sau đó nhanh chóng được kéo trở lại theo phương thẳng đứng trước khi đóng cửa gần như không đổi với sắc xanh nhạt nhòa.
Chốt phiên, VN-Index tăng 0,31 điểm (+0,03%), lên 952,22 điểm với 179 mã tăng và 226 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 376,5 triệu đơn vị, giá trị 7.827 tỷ đồng, giảm 17,6% về khối lượng và 18% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 22,8 triệu đơn vị, giá trị 910,8 tỷ đồng.
Trong phiên chiều nay, FLC trở thanh tâm điểm khi hút dòng tiền rất mạnh, vươn lên thành mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 28,5 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 0,87% lên 4.550 đồng. HSG vẫn duy trì được sức nóng với hơn 16 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 3,49% lên 17.800 đồng.
NKG thậm chí đã lấy lại được sắc tím 9.200 đồng với thanh khoản hơn 8,5 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần tới hơn 1,1 triệu đơn vị. TLH do không có lực bán thêm nên vững vàng ở mức trần 4.350 đồng, nhưng thanh khoản không cải thiện.
POM, SMC cũng duy trì được đà tăng, thậm chí POM có lúc cũng được kéo lên mức trần 5.720 đồng, nhưng thanh khoản thấp.
Trong khi đó, HPG đóng cửa ở tham chiếu 31.300 đồng, khớp hơn 14,5 triệu đơn vị.
Tương tự, nhóm dầu khí cũng duy trì được đà tăng khá tốt, trong đó GAS tăng 1,39% lên 73.200 đồng, khớp gần 1,6 triệu đơn vị. PVD tăng 3,43% lên 12.050 đồng, khớp 13,2 triệu đơn vị. PGC, PGD, PXS cũng đóng cửa trong sắc xanh, ngoại trừ PLX lùi về tham chiếu 48.850 đồng.
Trong các mã lớn, VHM và VCB đổi cho cho VIC khi VHM và VCB đảo chiều giảm giá, trong đó VHM giảm hơn 1%, còn VIC lại có được sắc xanh nhạt khi đóng cửa.
Các mã khác cũng chủ yếu lình xình, đóng cửa tăng, giảm nhẹ hoặc đứng ở tham chiếu. Ngoại trừ GVR tăng mạnh 3,16% lên 16.300 đồng, MWG tăng 1,89% lên 108.000 đồng và HDB tăng 1,18% lên 25.800 đồng.
Trên HNX, chỉ số chính của sàn này cũng xác lập đáy của ngày trong phiên chiều trước khi bật thẳng đứng trong ít phút cuối phiên và giữ được đà tăng khá tốt.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,45 điểm (+0,32%), lên 141,82 điểm với 70 mã tăng và 56 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 79,8 triệu đơn vị, giá trị 1.124,8 tỷ đồng, tương đương về khối lượng, nhưng tăng gần 10% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 36 triệu đơn vị, giá trị 517 tỷ đồng.
Đà tăng của HNX chủ yếu nhờ các mã lớn với ACB tăng 0,4% lên 25.400 đồng, khớp 4,5 triệu đơn vị. SHB về mức tham chiếu 17.000 đồng, khớp 2,4 triệu đơn vị. VCG tăng nhẹ 0,24% lên 41.000 đồng, VCS tăng 1,33% lên 76.200 đồng. VIF tăng mạnh 5,45% lên 17.400 đồng.
Đặc biệt, PVS tiếp tục duy trì đà tăng tốt 4,9% lên 15.000 đồng, mức cao nhất ngày, khớp hơn 13 triệu đơn vị, dẫn đầu HNX. Ngoài ra, PVS, các mã dầu khí khác vẫn duy trì được đà tăng chiều nay như PVC tăng 3,39% lên 6.100 đồng, PVB tăng 2,74% lên 15.000 đồng...
Trên UPCoM, chỉ số chính của thị trường này không có nhiều biến động khi mã lớn như ACV, MCH, MML vẫn giữ được đà tăng tốt như phiên sáng.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,87 điểm (+1,35%), lên 65,03 điểm với 100 mã tăng và 82 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,9 triệu đơn vị, giá trị 286 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,2 triệu đơn vị, giá trị 71 tỷ đồng.
Trong phiên chiều, ghi nhận sự đột biến về giao dịch của KSH khi thanh khoản lên tới hơn 2 triệu đơn vị, vượt qua BSR trở thanh mã thanh khoản nhất thị trường. Tuy nhiên, đóng cửa lại ở mức sàn 800 đồng và còn dư bán giá sàn.
BSR có thanh khoản hơn 1,5 triệu đơn vị và đóng cửa vẫn ở mức tham chiếu 7.000 đồng.
Trên thị trường phái sinh, pha kéo VN30 cuối phiên chỉ giúp hợp đồng có thời hạn đáo hạn gần nhất chớm xanh theo VN30, còn 3 hợp đồng còn lại đều giảm. Cụ thể, VN30-Index tăng 0,02% lên 916,68 điểm, còn VN30F2011 tăng 0,04% lên 921,4 điểm với 140.162 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 51.126 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế khi chỉ có 25 mã tăng, trong khi có tới 86 mã giảm giá. Trong đó, ấn tượng là CMSN2006 khi đóng cửa ở mức trần 7.120 đồng, tăng 22,76%, trong khi CVHM2008 là mã có thanh khoản tốt nhất với hơn 1 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm nhẹ 1,12% xuống 880 đồng.