Giao dịch chứng khoán chiều 11/11: Gần 100 mã nằm sàn, VN-Index vẫn tăng hơn 7 điểm

Giao dịch chứng khoán chiều 11/11: Gần 100 mã nằm sàn, VN-Index vẫn tăng hơn 7 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bất chấp áp lực bán gia tăng mạnh trong phiên chiều khiến cả trăm mã nằm sàn, nhóm cổ phiếu ngân hàng cùng một số mã lớn đã làm tốt vai trò gánh vác thị trường, giúp VN-Index bảo toàn sắc xanh.

Sau phiên lao dốc mạnh hôm qua, thị trường đã nhanh chóng lấy lại đà tăng điểm trong phiên sáng 11/11. Tuy nhiên, diễn biến tích cực không lan tỏa mà chủ yếu là nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng, trong khi nhiều nhóm cổ phiếu trở nên phân hóa, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn tiêu cực khi nhiều mã tiếp tục bị bán tháo ồ ạt.

Chỉ số VN-Index đã nới rộng đà tăng hơn về cuối phiên sáng nhờ sự tăng tốc của nhóm cổ phiếu ngân hàng cùng một số mã lớn như MSN, GAS, VIC…

Tâm lý tích cực lan sang phiên chiều giúp VN-Index tiếp tục tiến bước. Tuy nhiên, chỉ số này chỉ đi lên được đôi chút rồi nhanh chóng hạ nhiệt trước áp lực bán gia tăng. Đặc biệt là pha giật lùi sau 14h đã đẩy VN-Index về vùng giá thấp nhất trong phiên chiều, sát ngưỡng 950 điểm.

Mặc dù thị trường vẫn đóng cửa trong sắc xanh với mức tăng hơn 7 điểm, nhưng diễn biến không mấy khả quan được thể hiện khi sắc đỏ có phần chiếm ưu thế hơn, và đặc biệt là số mã giảm sàn chiếm tỷ trọng khá lớn, gần bằng 1/2 số mã tăng. Đà tăng của thị trường vẫn chủ yếu là nhờ sự gánh vác của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Đóng cửa, sàn HOSE có 213 mã tăng và 233 mã giảm (91 mã giảm sàn), VN-Index tăng 7,29 điểm (+0,77%) lên 954,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 736,5 triệu đơn vị, giá trị 10.992 tỷ đồng, tăng 5,41% về khối lượng và 1,48% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 90,22 triệu đơn vị, giá trị 1.561,73 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, dòng bank chính là “vị cứu tinh” của thị trường. Ngoại trừ EIB vẫn dư sàn khá lớn, cùng SHB đảo chiều giảm 2,44% và VPB, VIB, TPB đóng cửa tham chiếu, còn lại đều khởi sắc.

Trong đó, các mã lớn như VCB, BID và CTG đều tăng hơn 3,7%; các mã khác như ACB tăng 4%, SSB tăng 3,26%, STB tăng 2,97%...

Bên cạnh đó, một số mã lớn cũng tiếp sức cho thị trường, đặc biệt là MSN. Đà tăng của MSN tiếp tục nới rộng trong phiên chiều giúp cổ phiếu này có thời điểm tăng kịch trần và đóng cửa ở sát mức giá này khi tăng 6,8% lên 86.500 đồng.

Một trong những thông tin liên quan tới Masan là mới đây, HSB Việt Nam cùng một số định chế tài chính khác đã cung cấp cho Tập đoàn và công ty con trực thuộc Masan khoản vay hợp vốn trị giá 600 triệu USD, vượt xa con số ban đầu là 375 triệu USD. Khoản vay này sẽ phục vụ cho mục đích đầu tư phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ các mục tiêu chiến lược dài hạn của Masan và các mục đích chung của công ty.

Bên cạnh diễn biến tích cực của dòng bank, một số nhóm khác cũng có được đà tăng tốt như thiết bị điện, thực phẩm – đồ uống, hay vận tải – kho bãi. Trong đó, ở nhóm điện, bên cạnh NT2 đóng cửa tăng kịch trần, một điểm sáng khác là GEX. Dù không giữ được mức giá cao nhất trong phiên là giá trần, nhưng GEX tăng khá tốt +4,5% và đóng cửa đứng tại mức giá 11.500 đồng/CP với thanh khoản đứng thứ 6 trên thị trường khi đạt gần 18,8 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã đảo chiều giảm sau nhịp hồi nhẹ ở phiên sáng. Đáng kể có VCI, HCM, CTS, FTS, APG đều đóng cửa giảm sàn, trong khi VND và SSI đều giật lùi và chỉ còn tăng nhẹ trên dưới 1%, với khối lượng khớp lệnh đều đạt 19,8 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thép, HPG vẫn là mã có giao dịch vượt trội trên thị trường với khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 60,37 triệu đơn vị, gần gấp đôi cổ phiếu đứng ở vị trí thứ 2 là STB khớp 38,43 triệu đơn vị. Đóng cửa, HPG vẫn giữ được sắc xanh khi tăng 1,7% lên 12.300 đồng/CP, trong khi đó HSG và NKG đều đóng cửa giảm kịch sàn.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, trong khi VIC có chút nới nhẹ đà tăng +2,45% lên 54.300 đồng/CP thì VHM lại giật lùi về gần mốc tham chiếu. Và cặp đôi NVL và NVL cùng PDR tiếp tục chứng kiến múa bên trăng với khối lượng dư bán sàn khủng, lần lượt hơn 58 triệu đơn vị và hơn 55 triệu đơn vị.

Ngoài ra, hàng loạt mã khác cũng trong cảnh ngộ nằm sàn như DIG, DXS, BCG, DXG, LDG, HBC, LCG, CII, TDC, HHV, SCR…

Trong đó, DIG tiếp tục tạo điểm nhấn. Nếu trong những phút cuối phiên sáng, lực cầu tham gia bắt đáy tăng mạnh khiến lượng dư bán sàn tới hơn 6 triệu cổ phiếu được hấp thụ toàn bộ thì ngay khi bước sang phiên giao dịch chiều, áp lực bán tháo ồ ạt lại diễn ra khiến cổ phiếu này nhanh chóng trở lại trạng thái trắng bên mua trong khi dư bán sàn không ngừng tăng cao. Rất có thể lượng lớn nhà đầu tư tham gia bắt đáy trong phiên 9/11 đã nhanh chóng thoát hàng khi cảm thấy sự rủi ro vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trên sàn HNX, thị trường vẫn trong trạng thái rung lắc nhẹ trong gần 1 giờ mở cửa, rồi quay đầu giảm sâu trước sức ép lớn gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip.

Đóng cửa, sàn HNX có 65 mã tăng và 115 mã giảm (43 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 2,58 điểm (-1,34%), xuống 189,81 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 77,9 triệu đơn vị, giá trị 1.058,77 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,86 triệu đơn vị, giá trị 42,28 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 chỉ còn 4 mã giữ được sắc xanh là LHC tăng 4,2%, PVS tăng 1,9%, NTP tăng 1,3%, VCS tăng 0,5%, cùng 4 mã đứng giá tham chiếu là DDG, LAS, THD, TVD, còn lại đều giảm sâu hơn.

Đáng kể là IDC, PVC, L14 và TIG đều đóng cửa giảm sàn, trong đó IDC dư bán sàn gần 1,27 triệu đơn vị và vẫn là mã có thanh khoản cao, đạt 11,59 triệu đơn vị.

Một mã bất động sản đáng chú ý khác là CEO dù thoát sắc xanh lam nhưng cũng đóng cửa giảm tới 9,1% xuống sát sàn 10.000 đồng/CP và khớp hơn 10,1 triệu đơn vị.

Bên cạnh diễn biến tiêu cực của nhóm bất động sản, các mã chứng khoán trên sàn HNX cũng đồng loạt cắm đầu lao dốc, trong đó SHS thoát nằm sàn nhưng cũng giảm 5,9% xuống mức 6.400 đồng/CP và khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 11,69 triệu đơn vị; MBS giảm 2,8%, APS và ART cùng giảm sàn…

Trên UPCoM, thị trường cố gắng cầm cự sắc xanh trong hơn nửa phiên và cũng đã quay đầu điều chỉnh trước áp lực bán gia tăng trên diện rộng.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,25%), xuống 68,62 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 34,17 triệu đơn vị, giá trị 290,76 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,86 triệu đơn vị, giá trị 26,82 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn có thanh khoản tốt nhất, đạt xấp xỉ 6 triệu đơn vị, nhưng áp lực bán gia tăng cũng khiến mã này nới rộng biên độ giảm khi để mất 6,3%, đóng cửa tại 15.000 đồng/CP.

Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là VHG khớp hơn 2 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 5,9% xuống 1.600 đồng/CP.

Các mã khác như PVX, ABB, PPI, SBS, DDV đều có thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị, và đóng cửa cũng đồng loạt giảm mạnh hoặc nằm sàn.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều đảo chiều tăng, với VN30F2211 đáo hạn gần nhất tăng 25,2 điểm, tương đương +2,8% lên 938 điểm, khớp lệnh hơn 533.620 đơn vị, khối lượng mở gần 43.690 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng chiếm ưu thế, nhưng cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản là MWG2211 khớp 7,39 triệu đơn vị, đóng cửa đứng tại mốc tham chiếu 20 đồng/CQ.

Đứng ở vị trí thứ 2 là CVHM2215 khớp hơn 2,5 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 11,8% lên 190 đồng/CQ.

Tin bài liên quan