Nếu như trong phiên sáng, HPG cùng các mã ngân hàng đưa chỉ số vượt ngưỡng kháng cự 1.380 điểm một cách nhẹ nhàng thì bước sang phiên chiều, dòng tiền tiếp tục lan tỏa đã đẩy các cổ phiếu này thêm độ cao mới. Sự xuất hiện thêm của cặp VIC - VHM đã cộng hưởng kéo VN-Index tới gần hơn bất kỳ lúc nào khác với đỉnh cao lịch sử 1.420 điểm.
Phải từ tháng tháng 7/2021, thị trường mới có phiên tăng trên 20 điểm. Sự khác biệt được tạo ra mang tên "cổ phiếu ngân hàng", thời gian nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn của thị trường lặng sóng là thời gian thị trường chật vật đề hồi phục, nhưng khi "cổ phiếu vua" lên tiếng những mốc kháng cự khó vượt của thị trường bỗng trở nên mong manh.
Lúc này có lẽ nhà đầu tư đang nghĩ tới những kỷ lục điểm số mới sẽ được thiết lập!
Về mặt kỹ thuật, VN-Index đã phá vỡ mô hình cờ đuôi nheo hướng lên vào đầu tháng 10. Việc phá vỡ này, về lý thuyết, sẽ cho phép VN-Index có thể tăng thêm một độ cao nữa ngang với "cán cờ", tức là lên tới vùng 1.500 điểm. Tất nhiên trên quãng đường đi sẽ có sự rung lắc, nhưng nhìn lại nửa đầu năm, nếu nhóm cổ phiếu "thép, ngân hàng, chứng khoán" đã nổi sóng thì mốc 1.500 điểm là không quá xa.
Về mặt cơ bản, nhiều nhà đầu tư chắc vẫn còn thắc mắc là sau 1 quý nhiều địa phương giãn cách, doanh nghiệp gặp khó khăn thì đâu là động lực để chứng khoán tăng điểm. Và cũng không ít nhà đầu tư hẳn còn nghi ngờ rằng, đây có thể chỉ là một nhịp hồi bởi nhóm ngân hàng đang đứng trước rủi ro nợ xấu tăng rất lớn, sẽ không có khả năng dẫn dắt con sóng này một cách lâu dài.
Nhưng nếu mọi thứ được sắp đặt thì chứng khoán sẽ khó hấp dẫn. Nhìn một cách dài hạn, nền tảng tăng điểm của chứng khoán hơn 1 năm vừa qua đến từ dòng tiền rẻ khi lãi suất thấp và cơ hội đầu tư kinh doanh khác bị hạn chế do ảnh hưởng bởi đại dịch. Nền tảng đó đến thời điểm hiện tại vẫn còn nguyên, dòng tiền còn mạnh thì thị trường còn có những con sóng phiên như hôm nay.
Chốt phiên, sàn HOSE có 221 mã tăng và 188 mã giảm, VN-Index tăng 21,36 điểm (+1,56%), lên 1.394,09 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 632,86 triệu đơn vị, giá trị 17.958,45 tỷ đồng, tăng 20,68% về khối lượng và 26,83% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 8/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 42,29 triệu đơn vị, giá trị 1.889,55 tỷ đồng.
Trong nhóm VN30, chỉ còn 2 mã là NVL và POW giao dịch trong sắc đỏ với mức giảm đều chưa tới 0,5%, còn lại đều nới rộng biên độ tăng mạnh, với điểm nhấn là nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Trong đó, cổ phiếu HDB đã có một phiên tăng mạnh mẽ ngay sau khi mở cửa với mức tăng trong phiên sáng đạt gần 3% với lực mua quyết liệt từ khối ngoại. Sang phiên chiều, HDB tiếp tục tăng mạnh để chốt phiên tại 25.650 đồng/cổ phiếu, tăng 5,34%, mạnh nhất dòng bank cũng như rổ VN30.
Mới đây, nhà băng này đã hé lộ kết quả kinh doanh quý III/2021 với tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, ROE đạt gần 24%. An toàn vốn, thanh khoản được đảm bảo với CAR (Basel II) đạt 13%. Chi phí hoạt động được tối ưu hóa với nhiều giải pháp tự động hóa quy trình vận hành.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngân hàng khác cũng có mức tăng ấn tượng và hầu như đều kết phiên tại vùng giá cao nhất ngày như CTG tăng 5,26% lên 31.000 đồng/CP, TCB tăng 4,54% lên 53.000 đồng/CP, MBB tăng 4% lên 28.800 đồng/CP, ACB tăng 3,7% lên 32.600 đồng/CP, STb tăng 3,1% lên 26.500 đồng/CP…
Thành viên mới gia nhập sàn HOSE là SHB cũng tăng tốc khi kết phiên tăng 4,8% lên mức giá cao nhất 30.300 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh khủng, đạt xấp xỉ 50,6 triệu đơn vị.
Ngoài ra, các mã bluechip khác tăng mạnh cũng hỗ trợ tốt cho đà hồi phục mạnh của thị trường phải kể đến VRE tăng 4,5% lên 30.450 đồng/CP; VIC, HPG, SSI, VJC, PNJ, PDR tăng trong khoảng 2-3%; có biên độ tăng hẹp hơn như PLX, VHM, BVH, MSN tăng trên 1%.
Trong khi dòng bank tỏa sáng, bộ đôi còn lại của ngành tài chính là chứng khoán và bảo hiểm có diễn biến phân hóa dù có phần tích cực khi các mã lớn đầu ngành có diễn biến khởi sắc như SSI tăng 2,6% lên 41.900 đồng/CP, HCM tăng 5% lên 39.000 đồng/CP, VCI và VND đều tăng hơn 1%.
Ở nhóm thép, sắc xanh vẫn bao phủ nhưng biên độ tăng có phần thu hẹp, ngoại trừ HPG tiếp tục tăng tốc. Kết phiên, HPG tăng 2,7% lên mức 57.200 đồng/CP và khớp xấp xỉ 25,55 triệu đơn vị.
Ở nhóm bất động sản, trong khi bộ 3 nhà Vingroup tăng mạnh, thì nhiều khác như KBC, VCG, HDG, NLG, NVL điều chỉnh giảm nhẹ.
Một trong những điểm sáng khác của thị trường là cổ phiếu FLC bởi thông tin dự kiến phát hành thêm cổ phiếu được đưa ra vào cuối tuần trước. Cổ phiếu này trở nên nóng hơn trong phiên chiều bởi vắng bóng lực cung khiến lượng dư mua trần tiếp tục chất đống lên tới hơn 16 triệu đơn vị. Kết phiên, FLC tăng 6,6% lên 12.150 đồng/CP và khớp 34,73 triệu đơn vị, chỉ đứng sau SHB về thanh khoản.
Ngoài ra, các thành viên khác họ FLC là HAI và AMD đều tăng hơn 1%; ROS tăng 4% lên 5.750 đồng/CP.
Trên sàn HNX, nhóm bluechip vẫn là trụ đỡ chính của thị trường, giúp HNX-Index duy trì đà tăng tốt.
Đóng cửa, sàn HNX có 103 mã tăng và 97 mã giảm, HNX-Index tăng 2,43 điểm (+0,65%), lên 374,34 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 93,8 triệu đơn vị, giá trị 1.940,81 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,89 triệu đơn vị, giá trị 157,34 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 chỉ có 6 mã giảm gồm IDC, PVC, NTP, DHT, TNG, HUT giảm trên dưới 1%; cùng các mã CAP, CEO, LAS, LHC, NDN đứng giá tham chiếu, còn lại có tới 19 mã tăng.
Trong đó, cổ phiếu NRC tăng tốt nhất với biên độ tăng 5,3% và kết phiên đứng tại mức 22.000 đồng/CP; tiếp theo là KLF tăng 4,3% lên mức 4.900 đồng/CP; PVB tăng 2,5% lên 16.700 đồng/CP.
Các cổ phiếu chứng khoán cũng có diễn biến tích cực với MBS và SHS cùng tăng 2,1%; BVS tăng 1,9% lên 33.000 đồng/CP…, trong đó một thành viên khác họ FLC là ART cũng ghi nhận mức tăng hơn 4% và đóng cửa đứng tại mức giá 10.200 đồng/CP.
Ngoài ra, cặp đôi cổ phiếu ngân hàng là BAB và NVB có mức tăng trên dưới 1%...
Về thanh khoản, dẫn đầu sàn HNX là PVS khớp lệnh 8,58 triệu đơn vị và đóng cửa nhích nhẹ 0,35% lên 28.500 đồng/CP; tiếp theo là KLF khớp 6,88 triệu đơn vị; ART khớp hơn 4 triệu đơn vị; SHS khớp 3,75 triệu đơn vị…
Trên UPCoM, đà tăng được nới rộng thêm đôi chút so với phiên sáng.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,5 điểm (+0,51%), lên 98,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 82 triệu đơn vị, giá trị 1.719 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 25,55 triệu đơn vị, giá trị 2.605,48 tỷ đồng, trong đó riêng MML thỏa thuận 23,16 triệu đơn vị, giá trị 2.547,74 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR tiếp tục nhích nhẹ so với phiên sáng và kết phiên đứng tại mức giá 21.800 đồng/CP, tăng 3,8%. Giao dịch của BSR vẫn vượt trội và dẫn đầu thị trường UPCoM, đạt 14,63 triệu đơn vị.
Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là VGT khớp 6,19 triệu đơn vị và đóng cửa đảo chiều hồi phục nhẹ khi tăng 0,5% lên 20.900 đồng/CP.
Cũng hòa trong đợt sóng bank, các cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM gồm BVB, ABB, VAB, KLB, SGB, NAB đều kết phiên trong sắc xanh.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng mạnh, với VN30F2110 tăng 39 điểm (+2,6%), lên 1.513,5 điểm, khớp lệnh gần 131.490 đơn vị, khối lượng mở gần 42.000 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm áp đảo, trong đó CTCB2109 dẫn đầu thanh khoản với khối lượng giao dịch đạt 162.240 đơn vị và kết phiên tăng 22,1% lên 2.760 đồng/CQ.
Tiếp theo đó là CVRE2106 khớp lệnh 154.060 đơn vị và đóng cửa tăng 7,2% lên 2.240 đồng/CQ.