Giao dịch chứng khoán chiều 1/11: Thanh khoản đột biến, thị trường đã có phiên “làm nguội”

Giao dịch chứng khoán chiều 1/11: Thanh khoản đột biến, thị trường đã có phiên “làm nguội”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Độ nóng của thị trường vẫn thể hiện rõ ở lực mua rất mạnh bất chấp bên bán cũng quyết liệt sau 4 phiên tăng điểm tốt của thị trường.

Thị trường chứng khoán ngày hôm nay (1/11) đã có phiên đầu tháng giao dịch rất sôi động, ở một mặt nào đó các dự báo về việc khi các công ty chứng khoán nới trở lại hạn mức margin vào đầu tháng, thị trường sẽ giảm đã xảy ra. Nhưng nhìn vào giao dịch thực tế trong phiên, điều này có thể không quá lo ngại, có thể sẽ có thêm 1-2 phiên điều chỉnh nữa, nhưng việc giảm điểm mang lại tác động tốt khi giúp “làm nguội” những cái đầu nóng khi VN-Index 3 phiên liên tiếp tạo lập kỷ lục mọi thời đại về độ cao.

Thực tế, những cảnh báo đã phát đi từ phiên sáng khi thị trường không tăng đẹp như cuối tuần trước mà rung lắc đã xuất hiện. Nhóm cổ phiếu lớn cũng giảm nhiều hơn tăng thể hiện ở chỉ số VN30 giảm điểm liên tục sau 1h mở cửa phiên sáng, nhưng trên toàn thị trường, dòng tiền quá mạnh tập trung vào nhóm cổ phiếu bất động sản, nhóm chứng khoán và nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ đã giúp cho VN-Index trụ vững trong phiên sáng với mức thanh khoản rất cao.

Phiên chiều là một sự vận động tương tự những phút đầu giờ, VN-Index tiếp tục rung lắc trên tham chiếu và giao dịch vẫn sôi động. Tuy nhiên sức kéo của nhóm VN30 là quá lớn khi đà giảm ngày một tăng khiến VN-Index cũng không thể trụ vững và giảm điểm theo. VN30-Index có thời điểm giảm tới hơn 1,1%, mất đi hơn 18 điểm, kéo theo VN-Index có lúc giảm hơn 8 điểm về mức 1.435,65 điểm.

Tâm điểm chú ý phiên hôm nay tất nhiên là thanh khoản, chỉ một chút xíu nữa thì thanh khoản ngày hôm nay đã lập kỷ lục. Với gần 34.000 tỷ đồng giá trị giao dịch và gần 1,1 tỷ chứng khoán trao tay, phiên hôm nay là phiên có giá trị giao dịch lớn thứ hai trong lịch sử, chỉ kém phiên 20/8/2021.

Với thanh khoản cao và số mã giảm chiếm nhiều hơn có thể thấy áp lực bán ra đang chiếm ưu thế, tuy nhiên, mức giảm điểm của VN-Index không quá lớn kèm theo số mã giảm điểm cũng không vượt trội so với số mã tăng điểm cho thấy, đây chỉ là một nhịp điều chỉnh tạm thời sau chuỗi đà tăng. Thị trường chưa có dấu hiệu phân phối.

Về mặt kỹ thuật, VN-Index có thể giảm trở lại trong 1-2 phiên tới ở ngưỡng 1.422-1.425 điểm để test lại đỉnh cũ và làm chặt lại đồ thị, còn xu hướng chung là đà tăng điểm vẫn tiếp tục.

Có một điểm giúp cho nhà đầu tư có thể yên tâm trong ngắn hạn là các chỉ báo kỹ thuật chưa quá nóng, các mã trụ của thị trường vẫn đang tích lũy theo xu hướng tăng lên khá tốt. Nhóm cổ phiếu bất động sản, nhóm đang thể hiện là trụ cột mới của thị trường đang hấp thụ dòng tiền rất tốt đón những mùa vụ kinh doanh cuối năm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 216 mã tăng và 249 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm 5,3 điểm (-0,37%) xuống 1.438,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1.132,36 triệu đơn vị, giá trị 33.700,84 tỷ đồng, tăng 15,31% về khối lượng và 16,7% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 29/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 39,42 triệu đơn vị, giá trị 1.855,92 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhóm VN30 tiếp tục gia tăng sức ép lên thị trường khi số mã giảm gấp gần 3 lần số mã tăng. Trong số mã giảm, có tới 1/2 số mã để mất từ 1% trở lên, với KDH duy trì mức giảm mạnh nhất là 3,9%; tiếp theo là MSN giảm 3,6%, TPB giảm 3,2%, PDR giảm 3%, PNJ, GAS và HPG đều giảm hơn 2,5%...

Cổ phiếu lớn VHM cũng đảo chiều giảm sau những phiên tăng mạnh trước đó khi để mất 1,4%, cùng mã lớn GVR và VCB giảm hơn 1%, đã tác động khá lớn tới chỉ số chung của thị trường.

Chỉ còn 7 mã trong rổ VN30 giữ được sắc xanh. Trong đó, POW vẫn giữ mức giá 13.100 đồng/CP, tăng 3,6% và thanh khoản sôi động với hơn 32,97 triệu đơn vị được khớp lệnh. Đáng chú ý, bộ đôi lớn của nhóm ngân hàng và chứng khoán là CTG và SSI tiếp tục nới rộng biên độ tăng khi kết phiên cùng tăng 2,2%, với thanh khoản cao, lần lượt đạt 17,8 triệu đơn vị và 23,76 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn giữ nhiệt sôi động, trong đó HQC tăng sát trần với thanh khoản hơn 34 triệu đơn vị, ITA có thời điểm tăng kịch trần và kết phiên tăng 5,6% lên 9.000 đồng/CP và khớp 26,34 triệu đơn vị; cặp đôi FLC và ROS tăng trên dưới 3% với thanh khoản lần lượt 25,73 triệu đơn vị và hơn 18 triệu đơn vị… Nhiều mã như HBC, TTB, LDG, IDI, SJF, SAM, CMX… kết phiên tăng trần cùng trạng thái trắng bên bán.

Xét về nhóm ngành, trong bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục phân hóa mạnh với các mã như CTG, BID, SHB, MSB tiếp tục nhích bước, hay EIB và LPB giữ vững đà tăng khá tốt, thì TPB nới rộng biên độ và vẫn là mã giảm sâu nhất của dòng bank khi để mất 3,23%; các mã VCB, VPB, VIB cùng giảm hơn 1%.

Nhóm cổ phiếu thép tiếp tục đi lùi khi lần lượt đều nới rộng đà giảm, như HPG giảm 2,5% về mức giá thấp nhất ngày 55.700 đồng/CP, HSG giảm 3% xuống 46.000 đồng/CP, NKG giảm 2% xuống 53.300 đồng/CP…

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn lội ngược dòng khá mạnh. Bất chấp áp lực bán gia tăng trên thị trường, các cổ phiếu trong nhóm này tiếp tục nới rộng biên độ, đáng kể nhiều mã đua trần thành công bên cạnh IVS và VIX trần từ phiên sáng như APS, CTS, FTS, TVS, WSS.

Các cổ phiếu đầu ngành đáng kể có VCI được kéo lên sát trần khi kết phiên tăng 6,1% lên 68.000 đồng/CP, cặp HCM và VND tăng trên dưới 3%, SSI tăng 2,2%...

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng có sự phân hóa khá mạnh, trong khi các mã lớn rung lắc và điều chỉnh giảm như VHM, VRE, PDR, KDH, BCM… thì ở nhóm vừa và nhỏ vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt với hàng loạt mã như DIG, HBC, IDJ, NBB, SGR… đều kết phiên trong sắc tím.

Một số cổ phiếu đáng chú ý như TCH. Sau 3 phiên tăng nhẹ vào cuối tuần trước, TCH đã tăng vọt và nới rộng biên độ hơn trong phiên chiều, dù thị trường đảo chiều giảm. Kết phiên, TCH tăng 5,6% lên mức 18.850 đồng/CP với thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao, đạt hơn 12,78 triệu đơn vị.

Hay cổ phiếu bất động sản khác là BCG. Chuỗi tăng vẫn được kéo dài giúp BCG liên tục phá đỉnh mới. Và trong phiên hôm nay, đã có thời điểm BCG vượt xa mốc 26.000 đồng/CP. Kết phiên, BCG tăng nhẹ, đứng tại mức giá 25.750 đồng/CP với thanh khoản duy trì khá tốt, đạt 6,38 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực bán cũng gia tăng trong phiên chiều khiến thị trường hạ độ cao.

Đóng cửa, sàn HNX có 103 mã tăng và 114 mã giảm, HNX-Index tăng 3,42 điểm (+0,83%), lên 415,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 169 triệu đơn vị, giá trị 4.110,43 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,87 triệu đơn vị, giá trị 155,75 tỷ đồng.

Không nằm ngoài xu hướng chung của ngành, cổ phiếu chứng khoán SHS tiếp tục tăng tốc cả về giá và thanh khoản. Kết phiên, SHS tăng 4,9% lên mức 40.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn HNX, đạt 12,13 triệu đơn vị.

Trái lại, hòa cùng sự điều chỉnh của nhóm dầu khí, cổ phiếu PVS cũng đảo chiều và lùi về gần vùng giá thấp nhất ngày khi kết phiên giảm 3% xuống 29.400 đồng/CP. Thanh khoản của PVS chỉ thấp hơn SHS với hơn 11,61 triệu đơn vị được khớp lệnh thành công.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu xây dựng và bất động sản trên HNX cũng phân hóa. Bên cạnh L14, NRC, VC3 đua nhau tăng trần và đều trong trạng thái dư mua trần, thì NDN giảm 2,9%, CEO giảm 1,6%, IDV và IDC đều giảm nhẹ…

Trên UPCoM, đà tăng nhẹ vẫn được giữ vững.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,57 điểm (+0,54%), lên 105,95 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 133,14 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.645,7 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,77 triệu đơn vị, giá trị gần 81,5 tỷ đồng.

Điểm nhấn trên thị trường UPCoM là cổ phiếu HHV khi đà tăng tiếp tục được nới rộng trong phiên chiều và kết phiên đứng tại mức giá 21.900 đồng/CP, tăng 4,8% với thanh khoản bùng nổ, đạt gần 16,7 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cặp đôi dầu khí có sự phân hóa với BSR đảo chiều giảm nhẹ 0,4% xuống 24.500 đồng/CP và khớp 13,34 triệu đơn vị, còn OIL tăng 6,9% lên 17.000 đồng/CP và khớp 8,91 triệu đơn vị.

Bộ đôi cổ phiếu thép là TVN và TIS cũng không nằm ngoài xu hướng giảm của nhóm ngành khi TVN để mất 1,5% xuống 19.200 đồng/CP, còn TIS giảm 3,1% xuống 15.700 đồng/CP, thanh khoản lần lượt đạt hơn 2 triệu đơn vị và gần 1,5 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm điểm. Trong đó, VN30F2111 giảm 11 điểm (-0,7%), xuống 1.522,7 điểm, khớp lệnh gần 116.950 đơn vị, khối lượng mở hơn 34.360 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm áp đảo, trong đó CHPG211 dẫn đầu thanh khoản với 368.010 đơn vị được khớp lệnh, kết phiên giảm 4,2% xuống 2.300 đồng/CQ.

Tin bài liên quan