Giao dịch chứng khoán chiều 10/12: Chốt lời trên diện rộng, VN-Index giảm hơn 8 điểm

Giao dịch chứng khoán chiều 10/12: Chốt lời trên diện rộng, VN-Index giảm hơn 8 điểm

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng và lan rộng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Chỉ số VN-Index bị đẩy về mức thấp nhất ngày và đe dọa mốc 1.030 điểm dù vẫn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ ông lớn VNM.

Tín hiệu không mấy tích cực trong thời gian ngắn cuối phiên sáng khi áp lực bán gia tăng khiến thị trường hạ nhiệt và chỉ số VN-Index “ngậm ngùi” lùi về dưới mốc 1.040 điểm, đã tác động lên phiên giao dịch chiều. Thị trường trở nên rung lắc và biến động giằng co lên xuống quanh mốc tham chiếu ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều.

Sau hơn 1 giờ liên tục đổi sắc, lực bán mạnh và dứt khoát đã lan rộng thị trường khiến VN-Index càng nới rộng biên độ giảm. Mặc dù trụ cột VNM khá vững chắc nhưng cũng không thể giúp thị trường thoát khỏi phiên giảm sâu, chỉ số VN-Index đã lùi về mức giá thấp nhất ngày.

Đóng cửa, với 123 mã tăng và 326 mã giảm, VN-Index giảm 8,22 điểm (-0,79%) xuống 1.030,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 626,45 triệu đơn vị, giá trị 13.353,36 tỷ đồng, tăng 6,9% về khối lượng và hơn 14% về giá trị so với phiên 9/12. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 60,11 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.763 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, cổ phiếu lớn VNM vẫn giữ vững phong độ và là cổ phiếu tăng tốt nhất trong nhóm VN30. Kết phiên, VNM tăng gần 2,1% lên mức 112.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 6 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, một số mã bluechip khác như BID, EIB, KDH, NVL, SSI, REE, VCB giữ được sắc xanh nhạt, còn lại có tới 22 mã trong nhóm này rơi xuống dưới mốc tham chiếu.

Trong đó, nhiều mã như GAS, FPT, CTG, SAB, HDB, TCB, VHM, VIC, MWG, PLX… đều tìm về mức giá thấp nhất ngày với mức giảm trên 1%. Đáng kể có PNJ giảm 6,9% xuống mức giá sàn 73.000 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu ngành thép cũng đảo chiều với HPG giảm 2,3% xuống 37.600 đồng/CP, TLH giảm 2,1% xuống 6.200 đồng/CP, NKG giảm 3,9% xuống 13.700 đồng/CP, HSG giảm 1,2% xuống 19.900 đồng/CP, DTL giảm sàn về mức giá 5.600 đồng/CP. Trong đó, HPG là mã giao dịch sôi động nhất sàn HOSE với hơn 30,4 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường với ITA, FLC, DIG, DXG, HQC… đều giảm. Cổ phiếu HAG chỉ còn tăng nhẹ hơn 1% 4.740 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 19 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, mặc dù áp lực bán cũng gia tăng nhưng thị trường vẫn may mắn giữ được sắc xanh.

Đóng cửa, với 56 mã tăng và 88 mã giảm, HNX-Index tăng 0,56 điểm (+0,35%) lên 159,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 72,29 triệu đơn vị, giá trị 876,96 tỷ đồng, giảm 2,88% về khối lượng và tăng 3,52% về giá trị so với phiên 9/12. Giao dịch thỏa thuận có thêm 11,62 triệu đơn vị, giá trị 170,76 tỷ đồng.

Các cổ phiếu hỗ trợ tốt giúp thị trường duy trì nhịp tăng điểm như NVB tăng 1,2% lên 8.400 đồng/CP, VCS tăng 1,6% lên 80.200 đồng/CP, VIF tăng 2,9% lên 17.600 đồng/CP, THD tăng trần 9,9% lên 46.500 đồng/CP

Trái lại, nhiều cổ phiếu bluehip trong nhóm chứng khoán như BVS, SHS, MBS… hay các mã SHB, NTP tiếp tục có chiều hướng đi lùi khi nhiều mã giảm về mức giá thấp nhất trong ngày.

Cổ phiếu CEO vẫn giữ là điểm sáng khi tiếp tục tăng 5,1%, đứng tại mức giá 8.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn HNX, đạt 10,12 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường không có nhiều biến động khi giữ trạng thái đi ngang dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, với 98 mã tăng và 113 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,55 điểm (-0,8%) xuống 68,71 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 32,51 triệu đơn vị, giá trị 567,29 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 26,71 triệu đơn vị, giá trị 687,86 tỷ đồng.

Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường UPCoM là BSR khớp 7,13 triệu đơn vị, G36 khớp hơn 4 triệu đơn vị, BVB khớp gần 2,3 triệu đơn vị, OIL khớp hơn 2 triệu đơn vị, VGI khớp 1,87 triệu đơn vị.

Kết phiên BSR và VGI tăng nhẹ trên dưới 1%, trong khi G36 giảm 9,38% xuống mức 11.600 đồng/CP, OIL giảm 1,12% xuống 8.800 đồng/CP, còn BVB đứng giá tham chiếu.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều giảm. Trong đó, VN30F2012 được giao dịch mạnh nhất với khối lượng khớp lệnh gần 110.230 đơn vị, khối lượng mở đạt 34.017 đơn vị, đóng cửa giảm 0,6% về 1.001,2 điểm.

Trên thị trường chứng quyền, giao dịch diễn ra sôi động, trong đó CHPG2021 là chứng quyền có khối lượng giao dịch lớn nhất, đạt 258.915 đơn vị và đóng cửa giảm 4,6% xuống 6.700 đồng/CQ.

Tin bài liên quan