Thị trường chứng khoán trở nên rất xấu, không, thực ra đã xấu suốt từ tháng 4/2022 đến nay, hơn nữa năm qua chứng khoán có vài nhịp phục hồi và tiếp diễn bài ca “tìm đáy”. Diễn biến phiên giao dịch hôm nay (10/11) cho thấy, đáy của chứng khoán có thể còn rất xa.
Thị trường lao dốc như trong cơn hoảng loạn, có thời điểm VN-Index mất tới gần 50 điểm, với hơn 4% giá trị thị trường, sau đó có phục hồi nhẹ nhưng vẫn chia tay 38,36 điểm (-3,89%) trong ngày. Cần nhớ rằng, trong chuỗi giảm điểm hơn 6 tháng qua, thì chỉ trừ giai đoạn mới down trend tháng 4-5 mức điểm số mất đi mới lớn, còn từ giữa tháng 5 trở lại đây, mức giảm điểm các phiên bán tháo ít khi lớn như phiên hôm nay.
Ngoài chiều hướng xấu đang tiếp diễn, thì hôm nay thị trường có một thông tin bất lợi được lan truyền là 2 sở giao dịch gồm HOSE và HNX của Việt Nam không còn có tên trong danh sách thành viên liên minh Sở Giao dịch Chứng khoán thế giới (WFE). Kèm theo tin này là tin đồn về việc nhà đầu tư Thái Lan phải rút vốn ETF khỏi thị trường Việt Nam.
Tình hình xấu cộng với tin đồn được coi là nguyên nhân khiến thị trường tiếp tục có phiên giảm điểm tiêu cực, đưa giá nhiều loại cổ phiếu kể cả cổ phiếu lớn trong rổ VN30 về mức thấp hơn cả trước đại dịch.
Về câu chuyện tin đồn, Báo Đầu tư Chứng khoán đã trao đổi với 1 lãnh đạo ngành chứng khoán và được biết, việc HOSE và HNX không nằm trong danh sách WFE là do đang trong quá trình chuyển giao tư cách để đưa Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (công ty mẹ), thành lập 2/2021 trên cơ sở sắp xếp HOSE và HNX, trở thành thành viên tổ chức này. Như vậy thông tin trên đã thiếu một nửa, và không còn tính chính xác!
Niềm tin nhà đầu tư xuống rất thấp, lực cung đẩy vào thị trường khiến có thời điểm sàn HOSE có hơn 450 mã giảm, trong đó, có tới hơn 190 nằm sàn. Không loại trừ đây là một phiên mà các lệnh bán giải chấp (Force sell) được tung vào thị trường, khi đã rất nhiều cổ phiếu sau thời gian cầm cự đã thủng đáy cả ngắn lẫn dài hạn.
Chỉ số VN-Index theo đó từng bước xuống các mức thấp hơn trong phiên và thủng 940 điểm, tương đương giảm hơn 45 điểm. Tại ngưỡng điểm này, một số bluechip thoát được giá sàn hoặc thoát mức đáy trong phiên đã giúp VN-Index trở lại gần 945 điểm và nhích thêm đôi chút trong phiên ATC.
Dù vậy, việc VN-Index kết phiên ở 947 điểm đã xóa tan thành quả có được cách đây tròn hai năm.
Đóng cửa, sàn HOSE chỉ còn 21 mã tăng và có tới 447 mã giảm (174 mã giảm sàn), VN-Index giảm 38,35 điểm (-3,89%), xuống 947,24 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 698,7 triệu đơn vị, giá trị 10.831,9 tỷ đồng, tăng hơn 20% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 61,1 triệu đơn vị, giá trị 1.467 tỷ đồng.
Sức ép tại nhóm VN30 là rất lớn, khi có tới 16 mã có thời điểm đã về giá sàn, trước khi đóng cửa còn 11 mã là HPG, CTG, MSN, MWG, NVL, PDR, VPB, GVR, MBB, STB, SSI.
Trong đó, NVL dư bán sàn hơn 30,3 triệu đơn vị và PDR dư bán sàn hơn 48 triệu đơn vị, HPG dư bán sàn hơn 3,7 triệu đơn vị, dù là cổ phiếu thanh khoản khớp lệnh cao nhất thị trường với hơn 79,7 triệu đơn vị, tiếp theo là STB với 37,3 triệu đơn vị.
Năm cổ phiếu thoát giá sàn là TCB -6,6% xuống 22.750 đồng, KDH -6,4% xuống 19.000 đồng, POW -5,5% xuống 10.250 đồng, VIB -4,9% xuống 17.500 đồng, BID -4% xuống 34.700 đồng.
May mắn nhất là SAB, khi đã tìm về được tham chiếu tại 184.500 đồng, trong khi VJC, VHM, VIC, FIT, HDB, TPB, VCB thu hẹp đáng kể đà đi xuống, chỉ còn giảm nhẹ từ 0,6% đến 1,6%. Các cổ phiếu còn lại như VRE, GAS, VNM, ACB giảm từ 2,5% đến 3,6%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, ba cổ phiếu ngược dòng mạnh mẽ là BTT, PDN, COM, khi đều tăng trần, nhưng thanh khoản chỉ vài trăm đơn vị.
Sắc xanh đáng kể nhất có lẽ tại AAT +4,1% lên 6.300 đồng, khớp 1,24 triệu đơn vị và SHI +3,1% lên 15.000 đồng, khớp 0,91 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, không thể kể hết số cổ phiếu nằm sàn với lệnh bán dư sàn chất đống tại khắp các nhóm ngành bất động sản, nông nghiệp, dịch vụ, nguyên vật liệu, hóa chất, công ty chứng khoán…
Trong đó, ở các cổ phiếu thanh khoản cao, có thể kể đến như NKG, VCG, HQC, VCI, DCM, DXG, VIX, HAG, HCM, GEX, DIG, HSG, VND…với khối lượng khớp lệnh từ hơn 4,1 triệu đến hơn 17 triệu đơn vị. Trong đó, DIG khớp hơn 13,2 triệu đơn vị, nhưng còn dư bán sàn hơn 6,8 triệu đơn vị, NKG dư bán sàn hơn 4 triệu đơn vị, DXG dư bán sàn hơn 2,6 triệu đơn vị…
Một số ít sắc đỏ le lói trong nhóm giảm sàn như HNG -4,8%, HDC -2,4%, ORS -1,2%, SBT -2,9%, SAM -1,4%, MIG -5,9%...
Đáng kể là KBC, khi có lúc đã giảm sàn, nhưng được kéo mạnh và chỉ còn giảm nhẹ 1,8% xuống 13.950 đồng, thanh khoản đứng thứ ba trên sàn với 23,6 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng nới rộng đà giảm khi có thêm rất nhiều cổ phiếu giảm sàn và chỉ kịp thu hẹp đôi chút so với mức đáy trong phiên ở những phút cuối.
Đóng cửa, sàn HNX có 20 mã tăng và 169 mã giảm (81 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 9,00 điểm (-4,47%), xuống 192,39 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 59,88 triệu đơn vị, giá trị 775,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,8 triệu đơn vị, giá trị 96,2 tỷ đồng.
Tương tự như HOSE, khi rất nhiều cổ phiếu trên HNX đã nằm sàn, có thể kể đến như DL1, MBG, APS, AMV, TAR, TVC, MBS, IDJ, IDC, TNG, CEO và SHS. Trong đó, SHS khớp lệnh cao nhất sàn với 12,6 triệu đơn vị, CEO khớp 4,68 triệu đơn vị, IDC khớp 2,85 triệu đơn vị.
Các sắc đỏ xen giữa là PVS -7,3% xuống 21.500 đồng, BII -5% xuống 1.900 đồng, BVS -1,4% xuống 14.400 đồng, NDN -4,8% xuống 6.000 đồng.
Cổ phiếu đáng chú ý là CTC, khi ngược dòng tăng kịch trần +6,7% lên 1.600 đồng, khớp hơn 0,36 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng lùi về các mức thấp hơn trong phiên, trước khi kịp thu hẹp đôi chút đà giảm ở những phút cuối.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 3,41 điểm (-4,72%), xuống 68,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 32,7 triệu đơn vị, giá trị 399,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,08 triệu đơn vị, giá trị 42,9 tỷ đồng.
Nhiều cổ phiếu cũng giảm về giá sàn như SBS, VHG, VGT, PFL DRI, G36, LTG PXL, PXS, TCI…
Trong khi đó, BSR nới rộng đà giảm, mất tới 11% xuống 15.300 đồng, khớp lệnh hơn 10,4 triệu đơn vị, cao nhất UpCoM và bỏ xa phần còn lại.
Giảm sâu khác còn có DDV -13%, VGI -10,5%, QNS -9,3%, CEN -8,6%, ABB -7,5%, FTM -7,1%...
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, với VN30F2211 đáo hạn gần nhất để mất 46,2 điểm, tương đương -4,82% xuống 912,8 điểm, khớp lệnh hơn 469.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 46.800 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, cũng chỉ còn một vài mã tăng, như CVJC2204 +29,4% lên 220 đồng/cq, khớp hơn 52.000 đơn vị, CVJC2206 +26,7% lên 190 đồng/cq, khớp 92.400 đơn vị.
Trong khi đó, CHPG2220 phiên này hút giao dịch nhất với hơn 3,81 triệu đơn vị và giảm sàn -50% xuống 10 đồng/cq, CSTB2212 khớp 3,24 triệu đơn vị và giảm mạnh hơn 29% xuống 120 đồng/cq.