Sau phiên sáng khởi sắc nhờ cặp đôi ngành hàng không VJC và HVN, thị trường bước vào phiên chiều với sự thận trọng cao hơn, VN-Index theo đó chỉ nhích dần lên trên 960 điểm.
Tuy vậy, áp lực bán bất ngờ dâng cao ở nhóm cổ phiếu cổ phiếu lớn, khiến nhiều mã đảo chiều giảm điểm và trên bảng điện tử cũng gia tăng sắc đỏ, khiến VN-Index lùi dần và giảm mạnh hơn trong phiên ATC, kéo chỉ số lùi hẳn về dưới tham chiếu khi đóng cửa.
Kết phiên, sàn HOSE có 227 mã tăng và 203 mã giảm, VN-Index giảm 0,09 điểm (-0,01%), xuống 951,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 456,7 triệu đơn vị, giá trị 9.564,5 tỷ đồng, tăng 16% về khối lượng và 21% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 34,7 triệu đơn vị, giá trị 1.216,8 tỷ đồng.
Top 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường thì có đến 8 mã giảm. Đây chính là tác nhân lớn nhất khiến VN-Index mất điểm. Nhưng may mắn các mã này chỉ giảm nhẹ như VIC -0,5%, VCB -0,5%, VHM -0,8%, VNM -1,2%, SAB -0,9%, CTG -1,3%, MSN -0,2%, HPG -0,7%. Mang sắc đỏ khi đóng cửa còn có TCB, VPB, MBB, FPT, STB, KDH…
Ở chiều ngược lại, làm điểm tựa chính vẫn là cặp đôi lớn ngành hàng không là VJC tăng kịch trần +7% lên 103.400 đồng và HVN +5,8% lên 27.500 đồng.
Cùng với đó còn có VRE +2,3% lên 26.700 đồng, và một số mã tăng nhẹ như GAS +1,1% lên 72.200 đồng, SSI +1,1% lên 17.700 đồng, NVL +0,8% lên 62.000 đồng, BID +0,4% lên 39.400 đồng…
Thanh khoản TCB và HPG vẫn dẫn đầu nhóm và bỏ xa phần còn lại với 21,2 triệu và 20,6 triệu đơn vị khớp lệnh.
Tiếp theo là VRE với 11,45 triệu đơn vị, STB có 9,47 triệu đơn vị. Nhóm VPB, TCH, POW, MBB, CTG, SSI có từ 5 triệu đến 8,8 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thị trường cũng phần lớn đóng cửa trong sắc đỏ như FLC, HSG, GEX, DXG, HQC, HAG, DPM, HBC, DIG, DLG, LCG, HAI, TTF…khớp từ 2,76 triệu đến 13,94 triệu đơn vị.
Riêng FLC khớp hơn 42,8 triệu đơn vị, cao nhất sàn HOSE, và mã này giảm mạnh 6% xuống 4.510 đồng khi đóng cửa.
Các mã còn tăng có HCM, GVR, VCI, PDR, CTD, SZC cùng các cổ phiếu dầu khí như PVD, PET, PVT. Các mã vọt hẳn lên và đóng cửa trong sắc tím có VND, AST, TNT.
Tân binh VIB trong phiên giao dịch đầu tiên trên HOSE chỉ tăng nhẹ 1,5% lên 32.800 đòng, khớp hơn 1,74 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index đi ngang quanh mức giá kết phiên sáng đến gần như đóng cửa thì cũng đã gặp áp lực bán dâng cao, khiến chỉ số lùi nhanh về tham chiếu khi đóng cửa.
Đóng cửa, sàn HNX có 45 mã tăng và 47 mã giảm, HNX-Index giảm 0,24 điểm (-0,27%), xuống 141,37 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 69,2 triệu đơn vị, giá trị 897,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,57 triệu đơn vị, giá trị 126,6 tỷ đồng.
Giao dịch tích cực đến giúp chỉ số không giảm sâu đáng kể chỉ có PVS +4,4% lên 14.300 đồng, SHS +2,3% lên 13.600 đồng, CEO +4,3% lên 7.300 đồng, PLC +2,1% lên 24.500 đồng.
Nhiều mã giảm điểm như ACB -0,4% xuống 25.300 đồng, VCG -1,9% xuống 40.900 đồng, NVB -1,2% xuống 8.600 đồng, VIX -5,1% xuống 14.900 đồng, TNG -1,5% xuống 13.100 đồng, TAR -1,5% xuống 19.800 đồng, LAS -1,2% xuống 8.400 đồng.
Thanh khoản trên sàn nổi bật là PVS khi có 15,1 triệu đơn vị khớp lệnh, tiếp theo có ACB với 8,85 triệu đơn vị, KLF có 6,62 triệu đơn vị, SHS có 4,45 triệu đơn vị
Ở các mã nhỏ, đáng kể nhất có KSD, khi được kéo mạnh lên mức giá trần +7,9% lên 4.100 đồng, khớp 4,22 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index trong phiên chiều gần như chỉ đi ngang so với mức điểm cuối phiên sáng cho đến khi đóng cửa.
Giao dịch nhìn chung tích cực khi đa số các cổ phiếu thanh khoản lớn đều tăng như BSR, G36, ACV, CTR, PAS, OIL, ABC, DVN, KDF… trong đó, BSR khớp lệnh cao nhất với 3,83 triệu đơn vị, tăng 1,5% lên 6.900 đồng, ACV +4,6% lên 65.900 đồng, khớp lệnh tăng vọt so với thời gian gần đây với hơn 1,04 triệu đơn vị.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,22%), lên 64,16 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 14,8 triệu đơn vị, giá trị 234,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 19,45 triệu đơn vị, giá trị 273,4 tỷ đồng và vẫn như thời gian gần đây, khi chủ yếu đóng góp từ KLB với hơn 15,55 triệu đơn vị, giá trị 211,5 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai đáo hạn gần nhất VN30F2011 là mã duy nhất giảm, mất 0,22% xuống 921 điểm, tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 130.000 đơn vị, khối lượng mở gần 50.000 đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, hàng loạt mã CW của VJC đã hưởng lợi từ đà tăng của cổ phiếu VJC và đều giữ sắc tím như CVJC2004, CVJC2005, CVJC2006.
Trong đó, CVJC2005 là mã có giao dịch sôi động nhất thị trường CW với 1,69 triệu đơn vị, mã này kết phiên tăng 56,4% lên 2.070 đồng/cq.