Tiếp nối sự thận trọng trong 2 phiên giao dịch đầu tuần, cũng là 2 phiên sau kỳ nghỉ lễ kéo dài, thị trường mở cửa phiên giao dịch sáng nay khá chậm. Số mã tăng, giảm khá cân bằng và VN-Index không thể chinh phục được ngưỡng 770 điểm.
Tuy nhiên, đột biến đã xảy ra ở nửa cuối phiên sáng nay khi thanh khoản bất ngờ tăng vọt, dù đến chủ yếu từ giao dịch thỏa thuận VHM, nhưng cũng tạo đòn bẩy kích thích nhà đầu tư xuống tiền. Qua đó, kéo nhiều mã tăng giá và giao dịch cũng trở nên sôi động hơn, VN-Index vì thế cũng nhảy vọt lên qua ngưỡng 775 điểm.
Chốt phiên, VN-Index tăng 10,99 điểm (+1,44%), lên 775,15 điểm với 208 mã tăng và 118 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 159,1 triệu đơn vị, giá trị 4.296 tỷ đồng, tăng 41,9% về khối lượng và 166,6% về giá trị so với phiên sáng qua. Tuy nhiên, hôm nay có sự đột biến trong giao dịch thỏa thuận, chủ yếu đến từ VHM.
Cụ thể, giao dịch thỏa thuận sáng nay đóng góp 49,96 triệu đơn vị, giá trị 2.508,7 tỷ đồng, trong đó riêng VHM đã đóng góp 35,76 triệu đơn vị, giá trị 2.145,6 tỷ đồng. Nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh phiên sáng nay chỉ tăng 10,7% về khối lượng và 35% về giá trị so với phiên sáng qua.
Cổ phiếu VHM ngoài đột biến trong giao dịch thỏa thuận, cũng có giao dịch rất sôi động trong phiên khớp lệnh với 2,55 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa tăng tới 4,4% lên 66.400 đồng.
Không chỉ VHM, 2 người anh em khác là VIC và VRE cũng có mức tăng khá tốt sáng nay, trong đó VIC tăng 1,94% lên 94.500 đồng, khớp hơn 366.000 đơn vị, VRE tăng 2,97% lên 24.250 đồng, khớp 2,14 triệu đơn vị.
Không chỉ họ nhà Vin, hàng loạt mã cổ phiếu bluechip khác cũng tăng giá trong phiên sáng nay. Trong đó, SAB tăng 4,15% lên 158.000 đồng, HPG tăng 2,57% lên 21.950 đồng, PLX tăng 2,72% lên 41.500 đồng, MWG tăng 1,77% lên 80.700 đồng, FPT tăng 3,93% lên 52.900 đồng, POW tăng 1,76% lên 9.830 đồng, TPB tăng 1,7% lên 17.900 đồng. Các mã khác có mức tăng khiêm tốn hơn, chỉ trên dưới 0,5%.
Trong khi đó, HVN, BVH, EIB, HDB lại đóng cửa trong sắc đỏ, nhưng mức giảm cũng không mạnh.
Trong nhóm này, HPG có thanh khoản tốt nhất với 4,28 triệu đơn vị, tiếp đến là STB với 3,48 triệu đơn vị, CTG, FPT, POW trên 2 triệu đơn vị.
Trong nhóm cổ phiếu thị trường, giao dịch vẫn giữ được nhịp dù không quá sôi động như trước đây với sắc xanh là chủ yếu trong phiên sáng nay.
Có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE sáng nay là HSG với 6,15 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,38% lên 7.960 đồng. ROS khớp 4,3 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 0,28% lên 3.600 đồng.
Sắc đỏ chỉ xuất hiện ở một số mã như DLG, ITA, OGC, trong khi QCG tăng trần lên 7.810 đồng và còn dư mua giá trần.
Cổ phiếu GTN sau phiên nổi sóng chiều qua cũng đã nhanh chóng hạ nhiệt sáng nay khi đóng cửa chỉ tăng 2,48% lên 16.500 đồng, khớp 1,84 triệu đơn vị.
Trên HNX, sau khi mở cửa với sắc xanh, chỉ số chính của sàn này nhanh chóng đảo chiều và chủ yếu dao động trong sắc đỏ, nhưng trong 1 tích tắc trước khi đóng cửa đã kịp chớm xanh khi ACB trở lại trên tham chiếu.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,02 điểm (+0,02%), lên 105,43 điểm với 66 mã tăng và 56 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,3 triệu đơn vị, giá trị 207 tỷ đồng, tăng 77,8% về khối lượng và 44% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp chưa tới 1 triệu đơn vị, giá trị hơn 7,7 tỷ đồng.
ACB đóng cửa với sắc xanh nhạt khi tăng nhẹ 0,49% lên 20.400 đồng, khớp 1,4 triệu đơn vị. PVS tăng 2,54% lên 12.100 đồng, khớp 3,95 triệu đơn vị. VCS tăng nhẹ 0,33% lên 61.200 đồng. Đây chính là bệ đỡ cho HNX-Index trở lại vạch xuất phát.
Trong khi đó, SHB giảm 1,32% xuống 15.000 đồng, khớp 1,13 triệu đơn vị, VCG giảm 0,39% xuống 25.300 đồng, PVI giảm 0,33% xuống 30.600 đồng, nhưng thanh khoản thấp.
Tuy nhiên, tâm điểm trên sàn HNX sáng nay là KLF. Sau 2 phiên giảm sàn liên tiếp, đã xuất hiện dòng tiền bắt đáy cổ phiếu KLF, giúp hấp thụ hết lượng dư bán sàn, thậm chí có lúc đưa mã này về tham chiếu.
Trong tháng 4, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự phục hồi mạnh ở cửa 2 chỉ số chính VN-Index (hơn 16%) và HNX-Index (hơn 15%). Trong sự hồi phục mạnh của thị trường chung, có sự đóng góp của nhiều mã bluechip, nhưng cũng phải kể đến sự nổi sóng luân phiên của nhiều mã mang tính đầu cơ cao, một trong số đó phải kể tới KLF.
Từ giữa tháng 4, KLF bắt đầu nổi sóng với chuỗi 8 phiên tăng trần liên tiếp, với mức tăng hơn 71%, từ 1.400 đồng lên 2.400 đồng. Thanh khoản cũng rất lớn và nhiều phiên chứng kiến lượng dư mua trần lên tới cả chục triệu đơn vị.
Tuy nhiên, sau chuỗi tăng nóng này, trong phiên 29/4 - phiên cuối cùng trước khi thị trường nghỉ lễ kéo dài, nhiều nhà đầu tư đã hiện thực hóa lợi nhuận, chốt lãi.
Trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, KLF tiếp tục được kéo lên mức trần 2.600 đồng, nhưng lực chốt lời sau đó đã diễn ra ồ ạt, trong khi bên mua không dám xuống tiền, khiến KLF đóng cửa phiên với mức sàn 2.200 đồng với lượng dư mua sàn hàng triệu đơn vị.
Lượng dư mua sàn hàng triệu đơn vị tiếp tục được duy trì trong phiên hôm qua và mức giá được kéo xuống 2.000 đồng, tức những nhà đầu tư nào vào hàng lúc mức giá đỉnh 2.600 đồng trong phiên thứ Hai, đã mất 23% giá trị chỉ sau 1 ngày.
Mở cửa phiên sáng nay, lực bán giá sàn (1.800 đồng) tại KLF tiếp tục ồ ạt, nhưng dòng tiền bắt đáy đã mạnh dạn hơn với kỳ vọng tạo cột sóng mới, nên toàn bộ lượng dư bán sàn được hấp thụ hết, kéo KLF lên mức tham chiếu 2.000 đồng trước khi đóng cửa ở mức 1.900 đồng, giảm 5%. Thanh khoản tại KLF vì thế cũng vượt trội so với phần còn lại trên 2 sàn niêm yết với 11 triệu đơn vị.
Thị trường UPCoM sau nửa phiên đầu giằng co nhẹ, cũng đã lấy lại được đà tăng trong nửa cuối phiên, nhưng mức tăng quá thấp.
Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,17%), lên 52,07 điểm với 62 mã tăng và 37 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 8 triệu đơn vị, giá trị 76 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Trong các mã lớn đáng chú ý, BSR khớp lớn nhất với 3,1 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,39% lên 6.100 đồng.