Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) cho rằng quy định này khó khả thi.
Người dân khó đánh giá khả năng ảnh hưởng của nhà ở riêng lẻ đối với di tích
Tại phiên thảo luận hội trường về dự án Luật Di sản Văn hoá (sửa đổi) sáng 26/6, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân nêu ý kiến, tại khoản 3 Điều 29 dự thảo Luật quy định, đối với việc xây dựng nhà ở riêng lẻ không thuộc trường hợp cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng mà có khả năng ảnh hưởng đến di tích quy định tại điểm b, c, d khoản 2 Điều 28 luật này, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi văn bản kèm theo hồ sơ theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật khác có liên quan tới UBND cấp huyện hoặc cơ quan chủ trì cấp phép xây dựng theo quy định tại khoản 2 điều này.
Tuy nhiên, đối chiếu với điểm b, điểm c khoản 2 Điều 28 dự thảo Luật có một số nội dung đại biểu cho rằng chưa phù hợp. Cụ thể, khi xây dựng nhà ở riêng lẻ nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích, chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ không thuộc trường hợp cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng là chủ thể có trách nhiệm phải đánh giá khả năng ảnh hưởng đến di tích để thực hiện các thủ tục theo quy định của dự thảo Luật.
Theo bà Ngân, mặc dù dự thảo Luật không quy định chủ đầu tư phải đánh giá, khẳng định được công trình nhà ở riêng lẻ có bị ảnh hưởng đến di tích hay không, nhưng việc giao chủ đầu tư phải đánh giá khả năng ảnh hưởng đến di tích trong trường hợp này là quy định khó khả thi và chưa thực sự hợp lý.
Bởi vì, chủ đầu tư nhà ở riêng lẻ không thuộc trường hợp cấp phép xây dựng trên thực tế là người dân, sẽ khó có điều kiện, khả năng để đánh giá các yếu tố liên quan đến chuyên môn về di sản văn hóa theo quy định tại điểm b, điểm c, điểm d khoản 2 Điều 28.
Cùng với đó, các quy định của dự thảo Luật đều giao nhiệm vụ xác định khả năng ảnh hưởng đến di tích, triển khai dự án đầu tư, xây dựng công trình, xác định các công việc xây dựng nhà ở riêng lẻ không thuộc trường hợp cấp phép xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng ảnh hưởng đến di tích cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện ở Trung ương và ở địa phương là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
"Vì vậy, tôi đề nghị đối chiếu với các quy định và đảm bảo tính thống nhất cũng như đảm bảo tính khả thi cần phải có nghiên cứu và cân nhắc nội dung này theo quy định của pháp luật", bà Ngân nhấn mạnh.
Cân nhắc việc cấm dân xây nhà ở riêng lẻ trong vùng lõi và vùng đệm của di tích
Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 dự thảo Luật, việc thực hiện quy trình dự án sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng công trình đã và đang trong khu vực bảo vệ di tích thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và chỉ được triển khai thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) |
Mặt khác, Điều 29 dự thảo Luật quy định, việc xây dựng nhà ở riêng lẻ chỉ được đề cập tại khu vực nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích. Trong khu vực bảo vệ di tích được hiểu là cả vùng lõi, vùng đệm, chỉ được sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại trên cơ sở nhà ở riêng lẻ đã có.
Như vậy, theo dự thảo Luật, việc xây dựng mới nhà ở của người dân trong khu vực bảo vệ di tích cả vùng lõi và vùng đệm di sản là không được thực hiện.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) đánh giá, trên thực tế hiện nay, người dân trong khu vực vùng lõi đã sinh sống lâu đời, gặp nhiều khó khăn về nhà ở, đặc biệt là những hộ gia đình cần tách hộ cho các thế hệ sau, nhiều hộ gia đình nhà cửa xuống cấp nhưng không được xây dựng mới, điều này ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.
Từ đó, bà Thanh đề nghị dự thảo Luật có những quy định cụ thể đối với việc xây dựng nhà ở riêng lẻ của người dân trong khu vực dân cư tập trung thuộc vùng bảo vệ 1 và vùng bảo vệ 2 của các di sản có dân cư sinh sống để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu bảo vệ di sản nhưng cũng đồng thời phải đáp ứng được yêu cầu đảm bảo ổn định đời sống, sinh kế của người dân.
Ngoài ra, dự thảo Luật quy định, việc sửa chữa, cải tạo nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng công trình đã có khu vực bảo vệ di tích thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và được triển khai khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Về vấn đề này, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá) cho rằng, nên quy định việc sửa chữa, cải tạo xây dựng nhà ở trong khu vực bảo vệ 1 thì cần phải xin ý kiến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, còn lại thì nên giao cho UBND cấp huyện, cơ quan cấp phép xây dựng quyết định việc cho phép tu sửa, xây dựng nhà ở để thuận tiện cho người dân và không làm ảnh hưởng đến di tích.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề xuất dùng ngân sách để di dân
Giải trình sau phiên thảo luận hội trường sáng 26/6, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhận định, đây là một vấn đề làm "đau đầu" các lãnh đạo địa phương thời gian qua do "không có cơ sở pháp luật để xử lý".
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng |
Theo Bộ trưởng, sửa chữa nhà ở riêng lẻ là một vấn đề thực tế của di tích vì khi chúng ta xếp hạng thì không công nhận di tích nhưng có nhà dân đơn lẻ trong đó. Thời gian qua các địa phương thường xuyên nhận được đơn thư gửi đến đề nghị cấp phép sửa chữa nhà ở riêng lẻ.
"Nếu như chỉ dựa vào Luật Xây dựng thì được cấp phép sửa chữa ngay nhưng vì nó nằm trong khu di tích là vùng 1 (vùng lõi cần được bảo vệ - PV) thì các đồng chí lúng túng vì không có cơ sở pháp luật để xử lý", ông Hùng nhận định.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã cố gắng giải quyết bài toán này là bài toán của địa phương để các lãnh đạo địa phương xem xét.
Nêu ví dụ về giải pháp, ông Hùng nói rằng vừa qua Thành phố Huế di chuyển toàn bộ nhà ở trong khu vực Đại Nội. "Chúng tôi cho rằng đây là một cuộc đại cách mạng, phải là ngân sách trung ương bỏ tiền vào mới làm được khu tái định cư, vận động rất nhiều mới đưa dân đi được, đó là khu vực tập trung, còn những nhà ở riêng lẻ nếu chúng ta không cho họ được nâng cấp, cải tạo thì ta vi phạm pháp luật, cho nên tôi đề nghị phải giải quyết hài hòa", Tư lệnh ngành Văn hoá nói.
Cụ thể, theo ông Hùng, bây giờ chúng ta ủy quyền cho các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chính quyền các địa phương. Chủ tịch tỉnh ở địa phương đó xem xét trong điều kiện hiện trạng để cho phép người dân được sửa nhà, nhưng không phải là làm đại trà mà về lâu dài thì chính quyền địa phương lập dự án để đưa người dân ra khỏi khu di tích, đền bù một cách thỏa đáng và trả lại mặt bằng đẹp cho di tích.
"Trong bối cảnh địa phương chưa làm được điều này thì chúng ta phải làm", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị.