Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng trong tháng 3/2023 được dự báo tăng 0,5%

Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng trong tháng 3/2023 được dự báo tăng 0,5%

"Giằng co" tỷ giá!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tỷ giá USD/VND đang có xu hướng “giằng co”, song được dự báo sẽ tăng, cộng với áp lực lạm phát đòi hỏi cơ quan quản lý phải sẵn sàng giải pháp ứng phó.

Áp lực giảm, nhưng tỷ giá có thể tiếp tục tăng

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp của BIDV cho biết, ông chưa thay đổi quan điểm xuyên suốt là về cơ bản, áp lực lên tỷ giá trong nước năm 2023 này sẽ yếu hơn năm 2022 do một số yếu tố sau.

Thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang dần đi đến giai đoạn cuối của quá trình thắt chặt tiền tệ. Các số liệu vừa qua cho thấy, giai đoạn thắt chặt của Fed có thể kéo dài hơn, nhưng cường độ tăng lãi suất trong năm nay sẽ thấp hơn nhiều so với năm ngoái.

Thứ hai, quá trình mở cửa của Trung Quốc đang khá “trơn tru” với loạt số liệu tích cực thời gian gần đây (chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Caixin đạt mức 51,6; PMI phi sản xuất tăng lên mức 56,3), giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư, hạn chế dòng tiền vào tài sản an toàn như đồng USD.

Thứ ba, lạm phát tại EU, Nhật Bản vẫn ở mức cao khiến các ngân hàng trung ương đối trọng với Fed là ECB, BOJ nhiều khả năng phải duy trì chính sách thắt chặt mạnh mẽ.

Tuy nhiên, trong tháng 3/2023, tỷ giá trong nước dự kiến sẽ khó giảm, bởi cân đối cung cầu ngoại tệ dự kiến không quá dư dả vì đây là thời điểm nhà đầu tư nước ngoài phát sinh nhu cầu ngoại tệ chuyển lợi nhuận về nước theo mùa vụ. Bên cạnh đó, triển vọng một số dòng tiền cơ bản như cán cân thương mại, FDI có thể kém tích cực hơn các năm trước.

“Ngoài ra, tâm lý thị trường trong trạng thái thận trọng chờ đợi các số liệu mới về việc làm, lạm phát và đặc biệt là phiên họp của Fed vào ngày 21 - 22/3/2023 với nhiều khả năng biểu đồ dot plot (dự báo của các quan chức Fed về lãi suất) sẽ được điều chỉnh theo hướng “diều hâu” (thắt chặt tiền tệ) hơn”, vị lãnh đạo BIDV nói.

Các chuyên gia phân tích của UOB Group Research nhận định, tác động hệ thống và rủi ro lây lan đối với lĩnh vực tài chính Mỹ đã giảm đáng kể sau các giải pháp phối hợp, kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục tập trung vào các chính sách chống lạm phát và đẩy mạnh chu kỳ tăng lãi suất trong cuộc họp Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) vào ngày 21 - 22/3 tới là có cơ sở. UOB dự đoán, lãi suất cơ bản của Fed sẽ tăng 0,25% trong mỗi cuộc họp của FOMC vào tháng 3, tháng 5, tháng 6 và tháng 7/2023, trước khi tạm dừng ở mức cuối cùng là 5,75%/năm.

Tuy nhiên, theo UOB, các diễn biến mới nhất và sự không chắc chắn của thị trường có thể là chất xúc tác để Fed giảm bớt kế hoạch thắt chặt tiền tệ, vì các đợt tăng lãi suất mạnh kể từ tháng 3/2022 đang bắt đầu gây ra những hệ quả tiêu cực đối với chính các công ty Mỹ, trong khi các thị trường mới nổi như ASEAN đã cố gắng vượt qua sự biến động của thị trường tài chính.

“Xác suất lãi suất tăng 0,5% tại FOMC trong tháng 3/2023 đã giảm xuống 0%, từ khoảng 80% ngay trước sự kiện Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ, trong khi xác suất tăng 0,25% là 98%”, báo cáo của UOB Group Research cho biết.

Đồng quan điểm trên, nhưng phó tổng giám đốc phụ trách khối nguồn vốn một ngân hàng thương mại thận trọng nói: “Sự kiện liên quan đến SVB tại Mỹ sụp đổ có thể tiếp tục khiến thị trường định giá lại xác suất Fed tăng lãi suất trong kỳ họp tới”.

Theo phân tích của UOB Group Research, sự sụp đổ của SVB dường như là một diễn tiến mang tính đặc thù và ít có khả năng gây tác động mang tính hệ thống đối với lĩnh vực tài chính của Mỹ. Theo đó, hoàn toàn có sơ sở khi kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục tập trung vào việc chống lạm phát và đẩy mạnh chu kỳ tăng lãi suất”.

Lãnh đạo BIDV dự báo: “Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng trong tháng 3/2023 có xu hướng giằng co, song vẫn theo chiều hướng tăng là chủ đạo, đóng cửa có thể tăng khoảng 0,5% so với tháng 2. Chúng tôi kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều tiết mức chênh lệch lãi suất VND-USD ở mức phù hợp để hạn chế tình trạng đầu cơ găm giữ, giảm áp lực lên tỷ giá”.

Có thể hỗ trợ VND để tránh nhập khẩu lạm phát

Áp lực lạm phát năm 2023 có thể khiến Ngân hàng Nhà nước phải hỗ trợ VND để tránh nhập khẩu lạm phát.

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới nhận định: “Nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước trong trung hạn là không thay đổi, với trọng tâm là quản lý tỷ giá hối đoái và ngăn chặn rủi ro lạm phát”.

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ: “Chúng tôi cho rằng, kiểm soát lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu của Ngân hàng Nhà nước và chúng tôi dự báo lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong suốt năm 2023. Điều đó nghĩa, Ngân hàng Nhà nước có thể phải hỗ trợ VND để tránh nhập khẩu lạm phát. Chúng tôi cũng kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ gia tăng dự trữ ngoại hối khi có cơ hội, sau khi sụt giảm đáng kể vào năm ngoái”.

Trong diễn biến có liên quan, ông Andrea Coppla, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới cho rằng, điều quan trọng cần nhấn mạnh là bất chấp những vấn đề diễn ra vào năm ngoái, dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn ở mức vừa đủ. Ngân hàng Thế giới không lo lắng về câu chuyện dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Thông điệp mà Ngân hàng Thế giới đang cố gắng truyền tải, hay nói cách khác, điều quan trọng là cần duy trì mức dự trữ này để ứng phó với những cú sốc trong tương lai nếu chúng xảy ra.

Nhìn lại năm 2022, thời điểm điều kiện huy động tài chính toàn cầu bắt đầu bị thắt chặt và cán cân thanh toán của Việt Nam có dấu hiệu yếu đi, Ngân hàng Nhà nước ứng phó bằng cách kết hợp giữa can thiệp tỷ giá, giảm giá một phần đồng nội tệ và thắt chặt tiền tệ. Do tỷ giá danh nghĩa giữa tiền đồng và USD đóng vai trò mốc neo chính sách tiền tệ trọng tâm, Ngân hàng Nhà nước ban đầu chọn phương án can thiệp tỷ giá để ổn định đồng tiền.

Theo Ngân hàng Thế giới, mặc dù phương án này hạn chế tiền đồng mất giá chỉ ở mức 3,8% vào cuối tháng 9/2022 so với cùng kỳ năm 2021, nhưng khiến dự trữ ngoại hối giảm khoảng 22 tỷ USD. Dự trữ giảm từ mức 110 tỷ USD vào tháng 12/2021 xuống còn khoảng 88 tỷ USD vào cuối tháng 9/2022, tương đương 3 tháng nhập khẩu.

“Mức giảm dự trữ ngoại hối của Việt Nam (khoảng 20%) thuộc vào hàng lớn nhất ở khu vực Đông Á. Điều này phản ánh cam kết mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước trong việc duy trì mức neo tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD, giảm áp lực giảm giá đồng nội tệ”, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nói.

Do đồng nội tệ tiếp tục chịu áp lực giảm giá, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng các biện pháp nâng cao độ linh hoạt của tỷ giá vào giữa tháng 10/2022 bằng cách nới biên độ giao dịch xung quanh tỷ giá trung tâm, từ mức +/-3% lên +/-5%. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước thắt chặt chính sách tiền tệ để giúp ngăn áp lực đối với tỷ giá, qua 2 lần tăng lãi suất liên tiếp trong 1 tháng, nâng lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn tương ứng từ các mức 2,5% lên 4,5% và từ 4% lên 6%. Đến cuối tháng 12/2022, tiền đồng chỉ giảm giá ở mức 3,4% so với cuối năm 2021, ít hơn nhiều so với đồng tiền của nhiều nước khác.

“Trong bối cảnh đó, với giả định lạm phát vẫn là nguy cơ hiện hữu, Fed tiếp tục tăng lãi suất sẽ gây áp lực lên tỷ giá, điều rất quan trọng là cần xác định mức độ chúng ta muốn bảo vệ tỷ giá thông qua việc sử dụng dự trữ ngoại hối, hoặc xem xét các chiến lược và công cụ khác”, ông Andrea Coppla nhấn mạnh.

Về vấn đề dự trữ ngoại hối, bà Dorsati Madani nói: “Tôi nghĩ rằng, mức dự trữ hiện tại của Việt Nam khoảng 3 tháng cho nhập khẩu là chấp nhận được. Quan trọng là cách sử dụng các công cụ tiền tệ có sẵn khác nhau, tận dụng tốt nhất tình huống để đạt được kết quả tốt nhất. Vì vậy, một mặt cần suy nghĩ liệu có áp lực đối với tỷ giá hay không, hay có hợp lý hay không khi cho phép giảm giá tiền đồng nhanh hơn để giảm bớt căng thẳng về tỷ giá, thay vì sử dụng công cụ dự trữ ngoại hối”.

Sau những ngày liên tiếp được nâng lên, tỷ giá trung tâm VND/USD được Ngân hàng Nhà nước công bố áp dụng trong ngày 17/3/2023 dừng ở mức 23.620 đồng, giảm 2 đồng so với ngày trước đó. Tuy nhiên, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại diễn biến trái chiều nhau.

Tin bài liên quan