Giằng co lãi suất giữa Bộ Tài chính và NHTM

Giằng co lãi suất giữa Bộ Tài chính và NHTM

(ĐTCK) Ngân hàng cần giải ngân vốn để đỡ cho tín dụng đang ách tắc, Bộ Tài chính cần huy động vốn để bù đắp cho ngân sách đang thâm hụt, hai bên đang tạo ra một cuộc giằng co lãi suất liên tục trên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) những tuần gần đây.

Các phiên đấu thầu TPCP cuối tháng 7 liên tiếp thất bại, hoặc chỉ bán được số lượng ít, bởi các thành viên đấu thầu đã nâng cao giá dự thầu, trong khi Kho bạc Nhà nước (KBNN) và Ngân hàng Phát triển vẫn giữ giá ở mức thấp.

Phiên đấu thầu ngày 15/7, các thành viên đặt lãi suất cho kỳ hạn 1 năm từ 6 - 7%, KBNN chốt giá ở mức 6% nên bán được vỏn vẹn 100 tỷ đồng. Phiên đấu thầu ngày 19/7, các thành viên đặt lãi suất cho kỳ hạn 2 năm từ 7 - 8,25%/năm, KBNN chốt giá ở mức 7,15%/năm, nên chỉ bán được 450 tỷ đồng. Hai phiên đấu thầu ngày 22/7 và 26/7 thất bại, do lãi suất dự thầu cao hơn mức Ngân hàng Phát triển chấp nhận.

Các ngân hàng tham gia đấu thầu đều nâng mạnh kỳ vọng với lãi suất TPCP từ đầu tháng 7, trước dự đoán tỷ lệ lạm phát tăng trở lại vào cuối năm. Giá xăng dầu, giá điện và giá một số dịch vụ quan trọng như y tế, giáo dục dự kiến sẽ tăng trong quý III và IV. Trong khi đó, với trần lãi suất tiền gửi giảm về 7%/năm, giới tài chính dự kiến, khó có đợt cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ nay đến cuối năm.

Giằng co lãi suất giữa Bộ Tài chính và NHTM ảnh 1

Nhiều ngân hàng đang dư tiền, nên vẫn tham gia đấu thầu TPCP

 

Tuy nhiên, việc các ngân hàng nâng lãi suất dự thầu không có nghĩa là không cần đầu tư TPCP. Thực tế, lượng dự thầu TPCP kỳ hạn 2 năm trong phiên gần nhất vẫn cao gấp 3 lần so với lượng gọi thầu, bởi tín dụng vẫn khó tìm được đầu ra, dự kiến tiếp tục khó đến cuối năm.

“Tín dụng ách tắc, trong khi huy động vốn dồi dào là nguyên nhân chính khiến thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào”, Bản tin lãi suất 6 tháng đầu năm 2013 của Ngân hàng BIDV nhận xét và lý giải, các rào cản lớn để khơi thông dòng vốn như kinh tế vĩ mô phục hồi chậm, nợ xấu, nợ đọng lớn chưa được gỡ bỏ, khiến cho tín dụng, đặc biệt là tín dụng doanh nghiệp khó có thể đạt được bước đột phá. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay là khó đạt được, dự báo tăng trưởng thực tế chỉ đạt khoảng 10%.

Báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô và TTCK 6 tháng cuối năm 2013 của CTCK Vietcombank (VCBS) còn đặt câu hỏi đối với con số tăng trưởng tín dụng 4,5% trong 6 tháng đầu năm rằng, bao nhiêu phần trăm tăng tín dụng đó là do gia hạn nợ, đảo nợ? Theo khảo sát của VCBS, tăng trưởng tín dụng hiện nay không đến từ các ngân hàng lớn, mà chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng nhỏ đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.

“Cho dù lãi suất đã hạ thấp, thanh khoản dồi dào nhưng dòng chảy tín dụng đến doanh nghiệp vẫn rất khó khăn, do các ngân hàng đang phải giải quyết nợ xấu”, báo cáo của VCBS viết.

Cũng phải nói rằng, Bộ Tài chính có điểm yếu để các ngân hàng mặc cả lãi suất TPCP. Bộ Tài chính báo cáo, chi ngân sách đã đạt 46% dự toán trong 6 tháng đầu năm, tương ứng với 449.000 tỷ đồng, trong khi thu ngân sách chỉ đạt 356.520 tỷ đồng, tương đương 44% dự toán. Bội chi ngân sách do đó đã lên đến 92.390 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, Bộ Tài chính có khoảng 60.000 tỷ đồng TPCP cần phát hành trong 6 tháng cuối năm, tuy nhiên, NHNN đã có đề xuất lên Chính phủ tăng mức đầu tư công để kích thích nền kinh tế. Đề xuất này dẫn tới dự đoán từ giữa năm nay trong giới ngân hàng rằng, nhiều khả năng Chính phủ sẽ tăng lượng TPCP phát hành thêm 15.000 - 20.000 tỷ đồng.

Thực tế, trên thị trường sơ cấp, lãi suất thắng thầu trong các phiên bán được trái phiếu đều nhích lên đáng kể so với phiên trước đó. Lãi suất kỳ hạn 2 năm đã tăng thêm 30 điểm, lên mức 7,15%/năm trong phiên đấu thầu hôm 19/7.

Bản tin của BIDV dự báo, lãi suất TPCP sẽ tăng dần lên khoảng 7,7 - 8%/năm vào cuối năm nay, còn trong quý III dao động trong biên độ 7,0 - 7,3%/năm đối với kỳ hạn 2 năm.