“Nóng” quá khó xơi?
Với mức vốn điều lệ 6.412 tỷ đồng, ngày 6/12 tới, 641 triệu cổ phần của Sabeco sẽ chính thức được niêm yết trên HOSE với giá tham chiếu 110.000 đồng/cổ phiếu, sớm hơn so với dự kiến ban đầu. Sabeco cũng đang làm thủ tục đấu thầu chọn tư vấn để thực hiện thoái vốn Nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương.
Đại diện một công ty chứng khoán lớn, đơn vị tham gia định giá Sabeco (không phải Maybank Kim Eng, đơn vị tư vấn niêm yết Sabeco) cho biết, họ đang tư vấn cho khách hàng Nhật Bản tham gia mua cổ phần nhà nước thoái vốn tại Sabeco. Đây chính là đơn vị đã đưa ra mức định giá cổ phiếu Sabeco quanh 110.000 đồng/cổ phiếu, mức giá đã được Bộ Công thương lựa chọn.
Nhìn vào diễn biến giá cổ phiếu bia thời gian qua với trường hợp của Habeco và giá giao dịch cổ phiếu Sabeco trên thị trường tự do hiện nay xấp xỉ 160.000 đồng/cổ phiếu, cũng như những thông tin mà giới đầu tư, phân tích nhận định về tiềm năng cổ phiếu bia, vị lãnh đạo công ty chứng khoán trên nói rằng, khách hàng của ông là các hãng bia của Nhật, sẽ phải cân nhắc nhiều yếu tố, không chỉ dựa vào giá cổ phiếu giao dịch trên sàn, để quyết định có tham gia vào các thương vụ thoái vốn nhà nước tại Sabeco hay không.
Họ mong muốn được tham gia theo hình thức thỏa thuận cạnh tranh và có thể không chạy theo các đợt đấu giá cổ phần thông thường, vì chỉ có khảo sát kỹ doanh nghiệp mới đưa ra được đánh giá chính xác nhất.
Quá trình tái cấu trúc quyền sở hữu nhà nước đối với Habeco và Sabeco đang thu hút sự quan tâm của những nhà sản xuất bia hàng đầu thế giới như Heineken, Anheuser-Busch InBev hay Asahi Group Holdings, vốn rất hứng thú với thị trường dân cư trẻ và trung lưu đang ngày càng được mở rộng tại Việt Nam, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Vị đắng cổ phiếu bia
Tayfun Uner, Tổng giám đốc Carlsberg Việt Nam, trong một buổi trao đổi với Bloomberg mới đây đã nói: “Mức giá cổ phiếu Habeco đã tăng gần gấp 3 lần kể từ ngày niêm yết trên thị trường chứng khoán phi tập trung được điều tiết của Việt Nam, không phản ánh chính xác giá trị thực của doanh nghiệp”, bởi nó “chủ yếu đến từ hoạt động đầu cơ với khối lượng giao dịch thấp”.
Vị CEO nói thêm rằng, trước đó vào tháng 8, Chính phủ Việt Nam đã công bố kế hoạch bán 82% phần vốn Nhà nước tại Habeco với tổng giá trị 404 triệu USD, tương ứng 48.000 đồng/cổ phiếu, đây cũng là mức định giá mà CEO Carlsberg Việt Nam cho là phù hợp.
Tayfun Uner cũng cho rằng, giá bán Habeco cần phản ánh chính xác thực tế là vị thế của Habeco đã tụt từ vị trí thứ 2 xuống thứ 3, kể từ thời điểm Carlsberg bắt đầu mua cổ phần của doanh nghiệp này vào năm 2008.
Carlsberg đã có các cuộc nói chuyện với Bộ Công thương về việc tham gia phiên đấu giá đợt đầu để mua 20% cổ phần của Nhà nước và mua thêm 61,79% cổ phần theo giá thắng thầu đợt đầu. Nhà sản xuất bia Đan Mạch có kế hoạch cạnh tranh với các bên đấu giá khác, nhằm giành quyền sở hữu 20% cổ phần Habeco trong phiên đấu giá và kỳ vọng rằng Chính phủ sẽ bán phần vốn còn lại với mức giá đạt được trong chính phiên này.
Theo ông Uner, trường hợp Chính phủ không thể bán toàn bộ 20% cổ phần Habeco trong phiên đấu giá, Carlsberg sẽ sẵn sàng mua lại 61,79% cổ phần với mức giá tương đương mức giá mua ban đầu của hãng vào năm 2008.
“Chúng tôi mong muốn sẽ được tiếp tục duy trì và phát triển thương hiệu bia Hà Nội. Việc này cũng đòi hỏi một khoản đầu tư rất lớn, bên cạnh chi phí mua cổ phần”, ông Uner trao đổi với Bloomberg.
Bình luận về câu chuyện này, Marc Djandji, Giám đốc Môi giới khách hàng tổ chức và nước ngoài, Công ty Chứng khoán Rồng Việt nêu quan điểm: “Nhiều khả năng Chính phủ Việt Nam sẽ lấy giá thị trường làm tham khảo để định giá bán cổ phần. Cũng cần cân nhắc lượng cổ phiếu ít ỏi được giao dịch hiện nay, bởi nếu Chính phủ Việt Nam thực sự cân nhắc mức giá này, đó chỉ là giá ảo. Lo ngại của Carlsberg là điều dễ hiểu”.
Trong câu chuyện với Đầu tư Chứng khoán, bà Hoàng Hải Anh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho biết, một số nhà đầu tư nước ngoài thông qua PSI quan tâm đến việc mua cổ phần của Habeco khi Nhà nước thoái vốn, nhưng khi biết rằng Carlsberg có quyền mua ưu tiên tại đây, họ đã từ bỏ ý định.
Như vậy có thể thấy, dù là “cô gái đẹp”, các thương vụ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn đang cần những nước tính toán vô cùng kỹ lưỡng, để cổ đông nhà nước luôn giữ vững được thế chủ động trong mọi ván cờ.