Người nông dân đang khó tiếp cận các sản bảo hiểm nông nghiệp.

Người nông dân đang khó tiếp cận các sản bảo hiểm nông nghiệp.

Gian nan tăng độ phủ bảo hiểm nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Là ngành đóng góp gần 12% vào GDP, lại thường xuyên chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, bão lũ…, thế nhưng tỷ lệ tham gia bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam vẫn rất thấp.

Chỉ 10% khách hàng Agribank chủ động mua bảo hiểm

Tại Việt Nam, bảo hiểm nông nghiệp là một trong những lĩnh vực giành được sự quan tâm lớn của Chính phủ. Từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 315 thí điểm bảo hiểm nông nghiệp lần đầu tiên. Sau 7 năm áp dụng thí điểm, năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2018 về bảo hiểm nông nghiệp và từ đó tới nay liên tục có chính sách mới để hỗ trợ lĩnh vực này.

Mới nhất, năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Trong đó, các cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ 90% tiền phí bảo hiểm, ngoài những đối tượng này thì được hỗ trợ 20%.

Điều này có nghĩa, tất cả các đối tượng tham gia sản xuất nông nghiệp đều được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp và mức hỗ trợ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể theo quy định pháp luật.

Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về tỷ lệ bồi thường cũng như tỷ lệ mua đối với bảo hiểm nông nghiệp trên toàn thị trường, nhưng ghi nhận từ Bảo hiểm Agribank (ABIC) - doanh nghiệp có thị phần bán bảo hiểm nông nghiệp lớn nhất tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ khách hàng chủ động mua bảo hiểm còn thấp.

“Cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế, trong đó ngành nông nghiệp chịu thiệt hại lên tới trên 30.000 tỷ đồng. Thế nhưng, trong số hơn 28.000 khách hàng vay vốn tại Agribank, chỉ khoảng 10% là tự nguyện mua bảo hiểm”, ông Đỗ Minh Hoàng - Thành viên Hội đồng quản trị ABIC cho hay.

Thực tế, không chỉ với bảo hiểm nông nghiệp, tình trạng tỷ lệ mua thấp cũng diễn ra ở nhiều loại hình bảo hiểm khác.

Vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân, doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh không tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ bảo hiểm cho nhà ở, hàng hóa, nhà xưởng... của mình, đến khi rủi ro xảy đến không được nhận bồi thường và chỉ còn biết trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và các mạnh thường quân, làm tăng gánh nặng cho an sinh xã hội.

Nói như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn và phòng chống thiên tai, bão lũ tại kỳ họp Quốc hội vừa qua: “Chưa bao giờ bảo hiểm nông nghiệp trở nên cần thiết như bây giờ. Sau bão Yagi, ngành nông nghiệp phải cấu trúc lại toàn bộ hệ thống hạ tầng nông nghiệp để thích ứng”.

Khi triển khai các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, doanh nghiệp bảo hiểm cần hướng đến nhiều hơn nhu cầu của người nông dân để họ hiểu rằng, bảo hiểm là một sản phẩm đề phòng rủi ro, chứ không phải một gánh nặng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, hơn 81.000 tỷ đồng là con số thiệt hại mà nền kinh tế phải gánh chịu sau cơn bão này, trong đó ngành nông nghiệp chiếm tới gần 40%, với khoảng 190.000 ha rừng, 285.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, hư hại; 11.832 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; khoảng 5,6 triệu con gia súc, gia cầm bị chết… Nhiều nông dân gần như mất trắng tài sản và cần rất nhiều thời gian, nguồn lực mới có thể vực dậy.

Ông Trần Văn Mý - Giám đốc Hợp tác xã Quyết Thắng (xã Tân Hưng, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) bộc bạch, các xã viên nói riêng và bà con nông dân nơi đây nói chung chịu thiệt hại lớn do bão lũ, do đó rất mong các cấp chính quyền địa phương xem xét hỗ trợ để giảm bớt khó khăn, nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Vì sao khó tăng độ phủ?

Cơn bão số 3 và hoàn lưu của nó đã gây tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản, đặc biệt đối với sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực được xem là trụ đỡ của nền kinh tế.

Trong khi đó, bảo hiểm nông nghiệp là công cụ tài chính gắn liền với hoạt động sản xuất - kinh doanh nông nghiệp và bảo vệ nông dân trước những rủi ro thiên tai và biến động giá cả trên thị trường.

Tuy nhiên, việc triển khai sản phẩm bảo hiểm này trên thực tế gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân được chỉ ra, bên cạnh khả năng tài chính cũng như nhận thức của một bộ phận người nông dân còn hạn chế, thì còn do sự thiếu hụt các sản phẩm phù hợp.

“Tại Quảng Ninh - nơi tâm bão Yagi đi qua, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản chịu thiệt hại rất lớn. Để bảo vệ tài sản này trong trong tương lai, các doanh nghiệp bảo hiểm có sản phẩm bảo hiểm nào toàn diện cho họ, cho tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống thường ngày hay không?”, ông Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu vấn đề.

Trước thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần dành sự quan tâm đúng mức và đúng cách cho bảo hiểm nông nghiệp không chỉ vì lợi ích của người nông dân, mà còn vì sự ổn định bền vững của nền kinh tế.

Có thể thấy, thực trạng không mua hoặc mua bảo hiểm chưa đầy đủ diễn ra không chỉ do bên mua chưa sẵn sàng, mà còn xuất phát từ bên bán, khi doanh nghiệp bảo hiểm không thể bảo hiểm cho các tài sản mà điều kiện rủi ro không cho phép, đồng thời có ít sản phẩm liên quan đến nông nghiệp do tính chất rủi ro cao của lĩnh vực này dễ dẫn đến nguy cơ thua lỗ.

Bởi vậy, thời điểm hiện tại là thời cơ để các doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra thị trường các sản phẩm hiệu quả, mang thêm nhiều ý nghĩa đóng góp cho nền kinh tế, cho người dân, thậm chí có thể áp phí cao hơn đối với những sản phẩm có rủi ro cao mà khách hàng vẫn chấp nhận mua vì thấy phù hợp.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, khi triển khai các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, doanh nghiệp bảo hiểm cần hướng đến nhiều hơn nhu cầu của người nông dân để họ hiểu rằng, bảo hiểm là một sản phẩm đề phòng rủi ro, chứ không phải một gánh nặng. Do đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người nông dân về bảo hiểm nông nghiệp là rất quan trọng.

“Thực tế, việc tuyên truyền về sự cần thiết của bảo hiểm nông nghiệp còn khá hạn chế, vì vậy người nông dân chưa thực sự coi điều này là cấp thiết. Cơn bão Yagi gây tổn thất quá lớn, nhưng nhiều sản phẩm nông nghiệp lại không được bảo hiểm. Do đó, chúng tôi nhận thấy có trách nhiệm trong việc cố gắng làm sao để người nông dân hiểu rằng, sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp là rất cần thiết. Với tình hình biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay, chúng ta cần chuẩn bị các giải pháp bảo vệ lâu dài hơn, đặc biệt khi Việt Nam có 60% dân số thuộc thành phần nông dân và nông nghiệp là một trong những hoạt động kinh tế chủ lực”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Tin bài liên quan