Gian nan chống gian lận bảo hiểm

Gian nan chống gian lận bảo hiểm

(ĐTCK) Những giám định viên trong công ty bảo hiểm đã phải trăm phương ngàn kế mới có thể tìm kiếm chứng cứ cho thấy khách hàng khai không đúng sự thật hòng đòi bồi thường.

Gian nan chống gian lận bảo hiểm ảnh 1Chưa có chế tài đủ mạnh cho các hành vi gian lận bảo hiểm

 

Trường hợp ở Bảo Việt

Phó phòng Giám định bồi thường, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt chia sẻ, cách đây ít lâu, Bảo hiểm Bảo Việt tiếp nhận trường hợp đòi bồi thường cho một chiếc xe ô tô mang biển kiểm soát Hà Nội, nhưng mua bảo hiểm ở Bảo Việt Yên Bái và 2 tháng sau khi mua bảo hiểm bị tai nạn ở Yên Bái. Khách hàng nhờ công an giao thông thông báo hộ qua điện thoại, nguyên nhân tai nạn là do xe chạy vào đường vòng và không làm chủ tốc độ dẫn đến lật xe.

Qua kiểm tra hồ sơ, anh thấy rằng, tai nạn do xe bị lật khi đang chạy là không phù hợp với dấu vết hư hỏng. Vì ngoài dấu vết móp méo thì xe phải có vết mài xước, do sau khi lật, theo quán tính, xe sẽ tiếp tục trượt trên đường một đoạn. Trong trường hợp này, xe chỉ có dấu hiệu móp méo và không có vết mài xước, nên anh đã tiến hành kiểm tra hiện trường tai nạn, thu được một số mảnh kính vỡ, song kính này không phải kính ô tô, mà là kính xây dựng thông thường. Khả năng rất lớn đây là hiện trường giả.

Tuy nhiên, tìm được chứng cứ để chứng minh khách hàng đã gian dối không dễ, bởi nếu tự xưng là nhân viên của công ty bảo hiểm thì chắc chắn, điều tra viên sẽ không thu được tin tức gì. Do đó, giám định viên lân la bắt chuyện những người sống gần nhà chủ xe và được biết, thực chất chiếc xe đã bị tai nạn từ trước thời điểm mua bảo hiểm. Dẫu vậy, họ không xác định chính xác ngày và họ cũng không có bằng chứng pháp lý nào.

Giám định viên tiếp tục điều tra ở đầu mối khác, đó là nơi chủ xe gửi xe. Khám nghiệm chiếc xe tai nạn cho thấy có vết máu. Như vậy, khi xảy ra tai nạn, trên xe có người đi cùng, chứ không phải như chủ xe đã khai báo. Phải tìm được người này. Giám định viên đã vào vai người đi mua xe cũ và dò hỏi thì được biết, người ngồi trên xe là cháu của chủ xe, đang học tại trường Đại học X, nhưng chưa xác định được tên. Tận dụng các mối quan hệ trong trường Đại học X, giám định viên biết được vào thời gian xảy ra tai nạn, trường có 2 sinh viên bị thương, trong đó có một người là cháu chủ xe. Như vậy, thời gian thực tế tai nạn xảy ra đã được xác định.

Vấn đề tiếp theo là hiện trường tại nạn thật ở đâu? Từ đầu mối người sinh viên đi trên xe, giám định viên biết được lộ trình chiếc xe khi bị tai nạn và điều tra dọc chặng đường Hà Nội -Yên Bái. Sau hàng tuần trời dò hỏi dọc tuyến đường, giám định viên đã phát hiện nơi chiếc xe thực sự bị tai nạn và biết được hãng xe cứu hộ đã kéo chiếc xe bị tai nạn đi. Tìm đến hãng xe cứu hộ, giám định viên xác định chính xác thời gian và địa điểm của tai nạn. Từ đây, nhà bảo hiểm đấu tranh với khách hàng, đồng thời đề nghị cơ quan công an địa phương vào cuộc. Cuối cùng, khách hàng phải rút lại yêu cầu bồi thường sau 3 tháng điều tra.

 

Trường hợp ở VASS

Luật sư Thái Văn Cách là Phó tổng giám đốc CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS), nhưng do yêu cầu công việc đã không ít lần phải tự mình điều tra những vụ việc có dấu hiệu gian lận. Gần đây nhất, anh vừa giải quyết một vụ gian lận, theo đó, khách hàng thông báo xe bị tai nạn ở Thanh Hóa và đã kéo xe xuống xưởng sửa chữa ở Ninh Bình. Khi làm việc với chủ xe và hỏi rõ về việc thuê kéo xe thì khách hàng giải thích là nhờ người em họ làm hộ. Anh yêu cầu liên hệ với người em họ này thì chủ xe nói là đi công tác, gọi điện cũng không được. Đến gara tìm hiểu, chủ gara cho biết, chính chủ xe đã đem xe đến sửa, trong khi trước đó chủ xe khai là do người em họ đưa đến. Những bất nhất này càng khẳng định nghi vấn khách hàng gian lận.

Rà soát dọc đường từ hiện trường tai nạn mà chủ xe khai về đến gara ở Ninh Bình, anh Cách phát hiện có một trạm thu phí có gắn camera 24/7. Bằng chứng sẽ nằm ở file ghi hình này nếu như khách hàng thực sự gian lận. Cuối cùng, anh đã có được file ghi hình này và quả thực, vào ngày mà chủ xe khai báo, không có chiếc xe cứu hộ nào kéo xe tai nạn qua trạm thu phí. Chứng cứ này đủ để nhà bảo hiểm từ chối bồi thường.

 

Cần có chế tài mạnh

Nghe kể chuyện điều tra nêu trên, người nghe không khỏi tự hỏi, làm cách nào để một cá nhân, không được pháp luật trao cho bất kỳ quyền hạn nào có thể tìm kiếm thông tin mà chắc chắn các đơn vị như trường học, công ty cứu hộ, gara… sẽ không cung cấp. Điều khó khăn cũng như mấu chốt để thành công là làm sao có thể “lôi” ra thông tin từ những đầu mối hết sức mơ hồ mà khách hàng để lại?

Thực chất, về cơ bản, những vụ dàn xếp, dựng hiện trường giả tai nạn để trục lợi bảo hiểm khó có thể xóa hết dấu vết, nhưng không dễ tìm kiếm được chứng cứ vi phạm. Để làm được điều đó, những giám định viên cần có kiến thức rộng rãi, nhanh trí trong xử lý tình huống và có khả năng thay đổi và hoá thân thành các nhân vật xã hội. Chính khả năng nhập vai và việc xử trí tình huống nhạy bén đã giúp các điều tra viên khai thác được thông tin từ các nguồn khác nhau như hàng xóm, chủ gara, trường học, công ty cứu hộ… Chỉ là nhọc công, nhọc sức phá vỡ những nghi án gian lận bảo hiểm, nhưng vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe, cho nên khách hàng không sợ, tâm lý chung là “cứ thử xem, được thì tốt mà không được thì thôi”. Kết quả là những vụ gian lận bảo hiểm vẫn phổ biến.