Trong nhiều vụ việc gian lận thẻ được đưa ra xét xử, không ít trường hợp ngân hàng cho rằng, họ không bị thiệt hại dù tiền bị rút khỏi ngân hàng và bị cáo không có khả năng bồi hoàn. Vì vậy, không ít thắc mắc được đưa ra: ai là người chịu thiệt hại, tiền đó từ đâu ra, ai đã mất tiền?...
Chẳng hạn, tại vụ việc bị cáo người Trung Quốc Tăng Hiểu Thiên cùng một số đối tượng người Việt mở tài khoản, làm giả thẻ ATM rồi sử dụng máy POS để rút tiền chi tiêu. Các ngân hàng thanh toán thẻ liên quan trong vụ này gồm Vietcombank, Sacombank, Techcombank, BIDV khẳng định không bị thiệt hại tài chính và không yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, các ngân hàng đã đề nghị cơ quan điều tra làm rõ hành vi của các bị can, thu hồi số tiền cho người bị thiệt hại.
Theo tài liệu truy tố, Tăng Hiểu Thiên đã thuê người Việt thành lập các công ty và đứng tên làm giám đốc. Sau đó, các giám đốc “hờ” này đăng ký mở tài khoản, làm thẻ ATM, đăng ký với các ngân hàng thanh toán thẻ để được làm đơn vị chấp nhận thẻ, sử dụng dịch vụ máy POS phục vụ giao dịch bán hàng. Toàn bộ máy POS, thẻ ATM, số sim đăng ký nhận thông tin tài khoản mà các công ty đăng ký, Thiên đã giữ để sử dụng.
Sau đó, Thiên đã sử dụng thẻ giả để quẹt qua máy POS để được thanh toán. Một số trường hợp thẻ không có đủ tiền thanh toán, hoặc thẻ đã bị báo mất, hay thẻ bị lợi dụng đã hủy thẻ thì ngân hàng không chấp nhận. Nếu ngân hàng chấp nhận và báo có vào tài khoàn của các công ty thì Thiên trực tiếp, hoặc giao cho đồng bọn rút tiền.
Đơn cử, với Công ty TNHH Bảo Phương, Thiên thuê người đứng lên mở công ty và đăng ký sử dụng máy POS của 6 ngân hàng gồm Vietcombank, Sacombank, Eximbank, Oceanbank, Vietinbank và BIDV. Thiên đã sử dụng thẻ giả quẹt qua các máy POS này, với tổng số 335 lần quẹt thành công, chiếm đoạt gần 950 triệu đồng và đã được các ngân hàng thanh toán gần 850 triệu đồng, phần còn lại do có một số giao dịch nghi ngờ gian lận, nên các ngân hàng đã giữ lại, chưa thanh toán.
Thiên còn thành lập thêm 4 công ty khác và sử dụng cùng thủ đoạn để chiếm đoạt tiền. Tổng cộng, Thiên và đồng bọn chiếm đoạt hơn 4 tỷ đồng. Đáng chú ý, tài liệu truy tố khẳng định, các ngân hàng thanh toán thẻ Việt Nam không phát sinh thiệt hại tài chính.
Một vụ việc khác đã từng xảy ra với Ngân hàng Quân đội (MB), năm 2012, một nhóm đối tượng đã đăng ký lắp đặt máy POS của ngân hàng này, rồi sử dụng thẻ giả quẹt qua máy POS. Mỗi lần quẹt thẻ thành công, máy POS in ra tờ bưu, các đối tượng mang tờ bưu này đến ngân hàng lĩnh tiền.
Chỉ trong chưa đầy một tháng, nhóm đối tượng này đã thực hiện thành công 327 giao dịch, rút 11 tỷ đồng của MB. Tuy nhiên, trong quá trình tố tụng, MB không yêu cầu bồi thường.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho biết, về nguyên tắc, chỉ có một ngân hàng duy nhất đã thực hiện thanh toán cho các giao dịch qua thẻ (dù là thẻ thanh toán hay thẻ ghi nợ), đó là ngân hàng phát hành thẻ.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ngân hàng nào cũng đủ điều kiện để trở thành thành viên của hệ thống thanh toán Visa hay Master Card. Do đó, các ngân hàng không phải là thành viên của Visa/Master Card sẽ phải hoạt động dưới sự bảo trợ của một ngân hàng đã là thành viên của các tổ chức thẻ nói trên. Ngân hàng được bảo trợ phát hành thẻ cho khách hàng của mình.
Khi khách hàng thanh toán, thông tin giao dịch sẽ được Visa/Master Card ghi nhận và chuyển tới ngân hàng thành viên đứng ra bảo trợ và ngân hàng này đứng ra thanh toán giao dịch. Sau đó, ngân hàng chưa phải là thành viên của Visa/Master Card sẽ trả số tiền này cho ngân hàng bảo trợ và ghi nhận khách hàng nợ ngân hàng.
Đó là lý do vì sao có những ngân hàng thanh toán thẻ khẳng định không phát sinh thiệt hại tài chính, bởi họ sẽ đòi tiền từ các ngân hàng phát hành thẻ theo điều khoản thỏa thuận giữa hai bên. Nếu là giao dịch thông thường, không có gian lận, ngân hàng phát hành thẻ sẽ ghi nợ vào tài khoản của khách hàng và khách hàng phải có nghĩa vụ hoàn trả khoản tiền này. Nhưng nếu đây là giao dịch gian lận, bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì thiệt hại sẽ thuộc về ngân hàng phát hành thẻ, hoặc là khách hàng (nếu có).
Trường hợp khách hàng sơ hở, để lộ thông tin cá nhân dẫn đến đối tượng xấu lợi dụng, chiếm đoạt tiền thì khách hàng sẽ là người chịu thiệt hại. Nhưng nếu gặp trường hợp gian lận, kẻ gian làm giả thẻ thanh toán, thẻ ghi nợ, rồi thực hiện giao dịch thì bên chịu thiệt hại sẽ là ngân hàng phát hành thẻ.