Vị đắng Luckin Coffee
Trong 2,5 năm, Luckin Coffee từ tay trắng lập nên đại nghiệp, trở thành chuỗi cà phê lớn nhất Trung Quốc với 4.500 cửa hàng, vượt mặt Starbucks. Công ty niêm yết tại sàn Nasdaq (Mỹ) vào tháng 5/2019 với giá trị thị trường 561 triệu USD chỉ sau 18 tháng được thành lập. Trong chưa đầy 6 tháng sau đó, giá trị thị trường tăng hơn 20 lần, đạt 12,5 tỷ USD.
Nhà đầu tư bị hấp dẫn bởi tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, cũng như điểm tựa công nghệ của Luckin, khi mọi giao dịch đều được thực hiện qua ứng dụng (app). Công ty huy động được hơn 2,4 tỷ USD trong chưa tới 3 năm từ 190 nhà đầu tư tổ chức.
Tuy nhiên, phía sau những con số ấn tượng này chỉ là “hố cát”. Tháng 4/2020, Luckin Coffee bị phát hiện đã nâng khống gần một nửa doanh thu trong 3 quý cuối năm 2019. Cổ phiếu Luckin hiện bị tạm ngừng giao dịch. Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) cùng giới chức quản lý tài chính Trung Quốc đều vào cuộc điều tra.
Vụ việc của Luckin Coffee trở thành viên đá ném xuống mặt nước và nhanh chóng xuất hiện vòng tròn lan tỏa.
Ngay sau đó, Wolfpack Research công bố tài liệu cáo buộc một doanh nghiệp Trung Quốc khác trên sàn Nasdaq là iQiyi đã thổi phồng doanh thu năm 2019, cũng như nâng khống số lượng người sử dụng dịch vụ video streaming.
Chưa kể, GSX Techedu Inc, hiện niêm yết tại sàn New York, bị cáo buộc nâng doanh thu khoảng 70%.
Diễn biến này gợi nhớ quá khứ, trong giai đoạn 2011 - 2012 có hơn 50 doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã rời khỏi sàn, hoặc bị ngừng giao dịch bởi các cáo buộc liên quan tới gian lận và vi phạm quy định niêm yết chứng khoán tại đây.
Khi đó, các cổ đông đã nộp đơn tiến hành 31 vụ kiện chống lại các doanh nghiệp Trung Quốc lên sàn chứng khoán Mỹ bằng cách mua lại - sáp nhập một doanh nghiệp đang giao dịch trên sàn. Đa phần các vụ kiện tập trung vào vấn đề thiếu minh bạch trong báo cáo tài chính, vi phạm quy định niêm yết.
Cân nhắc trước khi quyết định đầu tư
Thực tế, sau hàng loạt scandal gian lận khi lên sàn của doanh nghiệp Trung Quốc, các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ đã đồng loạt siết chặt quy định với hoạt động niêm yết thông qua tiến hành mua lại - sáp nhập một doanh nghiệp đang giao dịch.
Tuy nhiên, kể từ đó cho tới khi scandal gian lận báo cáo tài chính của Luckin Coffee bùng nổ, các thành viên thị trường nhận thấy, cần tiếp tục có thêm các biện pháp kiểm tra và đồng bộ quy chuẩn.
Mỗi doanh nghiệp Trung Quốc khi niêm yết tại thị trường nước ngoài đều có cấu trúc hoạt động phức tạp. Chưa kể, hệ thống quy định giúp các doanh nghiệp này phần nào “che giấu” hoạt động thực tế tại quê nhà, trong khi tỏ ra rất hấp dẫn với nhà đầu tư tại thị trường quốc tế.
Trong đó, câu chuyện nổi cộm nhất là các doanh nghiệp kiểm toán không thể tiếp cận các báo cáo tài chính, thông tin hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp tại Trung Quốc.
“Vấn đề cơ bản là doanh nghiệp Trung Quốc không có cùng một tiêu chuẩn kế toán, kiểm toán như tại thị trường phương Tây. Cùng với đó, Uỷ ban Giám sát hoạt động kiểm toán cho các công ty đại chúng (PCAOB) không thể tiếp cận các tài liệu của doanh nghiệp Trung Quốc do quy định của chính quyền địa phương”, Paul Zarowin, Giáo sư Khoa Kế toán tại New York University cho biết.
Năm 2019, một nhóm nghị sĩ Mỹ đã đưa ra đề xuất buộc các công ty Trung Quốc phải đáp ứng các tiêu chuẩn kế toán của Mỹ trước khi lên niêm yết và gửi tới Uỷ ban Thượng viện về Ngân hàng, bất động sản và đô thị.
Tuy nhiên, đề xuất này vẫn chưa đi tới đâu, mà lực cản chính tới từ phố Wall. Các ngân hàng đầu tư, tổ chức tài chính lớn phố Wall - thường kiếm tiền nhờ các thương vụ tư vấn niêm yết của doanh nghiệp Trung Quốc, là đối tượng vận động hành lang chính để chống lại để xuất kể trên.
Kể từ đầu năm 2020 tới nay, 8 công ty Trung Quốc đã huy động được 898 triệu USD trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, so với con số 6 công ty và 626 triệu USD cùng thời gian năm ngoái, theo số liệu của hãng nghiên cứu Renaissance Capital.