Đã 6 tháng kể từ khi đưa Luật Thuế TNDN sửa đổi, bổ sung vào cuộc sống, luật thuế mới đã “ngấm” vào nền kinh tế chưa, thưa ông?
Trong 2 quý đầu năm, tốc độ tăng trưởng GDP quý sau tăng cao hơn quý trước (quý I tăng 5,09%; quý II tăng 5,25%) và trong 6 tháng đầu năm tăng 5,18%. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2012, GDP chỉ tăng 4,93%; và cùng kỳ năm 2013 tăng 4,9%. Từ đầu năm đến nay, cả nước có thêm 37.315 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 231.000 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm 2013. Hoạt động xuất - nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng cao, với tổng kim ngạch ước đạt 140,44 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2013…
Kết quả này có được nhờ việc thực hiện tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là việc giảm thuế TNDN phổ thông từ 25% xuống 22% và áp thuế suất 20% đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (có tổng doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm), mở rộng ưu đãi đối với một số ngành, lĩnh vực.
Thưa ông, qua 6 tháng triển khai Luật Thuế TNDN sửa đổi, bổ sung, những lĩnh vực nào được hưởng lợi nhiều nhất?
Giảm thuế suất phổ thông từ 25% xuống 22% có tác dụng tích cực đối với tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, trong đó, những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều là sản xuất đồ uống không cồn, may mặc, sợi, phương tiện vận tải và phụ tùng, công nghiệp khai khoáng và khí đốt, truyền thông... Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế so sánh, có thị trường tiêu thụ trong nước và tiềm năng xuất khẩu và là những ngành sử dụng nhiều lao động. Việc áp dụng mức thuế suất 20% cho doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng có tác dụng thúc đẩy và hỗ trợ cho doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa phát triển. Bên cạnh đó, việc nâng tỷ lệ khống chế về chi phí quảng cáo, khuyến mại lên 15%, đồng thời rà soát loại bỏ một số khoản chi ra khỏi diện chi phí khống chế đã góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng chi cho quảng cáo, khuyến mại, qua đó hỗ trợ việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Việc giảm thuế suất tác động thế nào đến thu ngân sách, thưa ông?
Theo tính toán ban đầu, việc giảm thuế suất sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2014 khoảng 14.064 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế trong 6 tháng đầu năm, ngân sách chỉ giảm thu do chính sách này khoảng 3.700 tỷ đồng, vì doanh nghiệp gia tăng đầu tư, mở rộng hoạt động. Chính vì thế, trong 6 tháng đầu năm, thu nội địa (không tính thu từ dầu thô) đã đạt 280.653 tỷ đồng, bằng trên 52% dự toán và tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2013.
Với tình hình này, ông có tin rằng, năm 2014, thu ngân sách nhà nước sẽ đạt dự toán?
Chính việc các khu vực kinh tế gia tăng đầu tư, nên mặc dù giảm thuế suất, mở rộng ưu đãi, nhưng trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng góp vào ngân sách nhà nước 91.273 tỷ đồng, doanh nghiệp FDI đóng góp 61.458 tỷ đồng và khu vực doanh nghiệp dân doanh đóng góp 56.982 tỷ đồng; so với dự toán đạt tương ứng 52,5%, hơn 55% và hơn 53%; còn so với cùng kỳ thì tăng tương ứng 33,3%, 15,3% và 10,5%.
Dù Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, bổ sung đã nâng mức khởi điểm đối với người nộp thuế từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/tháng và từ 1,6 triệu đồng/người lên 3,6 triệu đồng/người/tháng đối với người phụ thuộc, nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, sắc thuế này đã đem lại cho ngân sách 47.384 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 1.038 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2013.
Với tình hình trên, năm nay không chỉ bảo đảm thu đạt dự toán, mà cả ngành thuế và hải quan đã đặt mục tiêu phấn đấu tăng thu so với dự toán 8-10%. Có thể nói, các chính sách thuế mới sửa đổi, bổ sung nói chung, thuế TNDN nói riêng đã “ngấm” vào nền kinh tế, góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tăng thu ngân sách, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, giảm bội chi và tăng cơ hội trả nợ.