Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính).
Một trong những chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV được hầu hết các nước trên thế giới thực hiện là ưu đãi thuế. Thưa bà, vì sao Việt Nam không thực hiện chính sách này?
Trong nhiều năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khu vực DNNVV phát triển, nhất là mỗi khi hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn.
Riêng lĩnh vực thuế, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã áp mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 20% cho DNNVV (doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm) từ ngày 1/7/2013, trong khi doanh nghiệp quy mô lớn áp mức thuế suất 22%, phải đến ngày 1/1/2016, doanh nghiệp quy mô lớn mới được áp mức thuế 20%.
Như vậy là kể từ ngày 1/1/2016, DNNVV không còn được hưởng ưu đãi về thuế, trong khi Đảng có Nghị quyết 10-NQ/TW, Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV, Chính phủ có Nghị quyết 35/NQ-CP (ngày 16/5/2016) về hỗ trợ và phát triển DNNVV?
Riêng về chính sách thuế, đúng là kể từ ngày 1/1/2016, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ phải đóng thuế bình đẳng như doanh nghiệp lớn. Nhằm tiếp tục chính sách ưu đãi thuế cho DNNVV, năm 2016, Bộ Tài chính đã kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp. Trong các chính sách hỗ trợ, Bộ Tài chính đề xuất áp mức thuế suất 17% (áp dụng từ ngày 1/1/2017 đến hết năm 2020) cho doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, đề xuất này đã không được nhiều đại biểu Quốc hội đồng ý vì cho rằng, chính sách thuế cần bảo đảm ổn định lâu dài, nên phải sửa luật thay vì ban hành nghị quyết chỉ áp dụng đến hết năm 2020. Do vậy, Bộ Tài chính đã xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung 6 luật liên quan đến thuế, với đề xuất áp dụng thuế suất 17% đối với doanh nghiệp nhỏ và 15% đối với doanh nghiệp siêu nhỏ.
Nhưng đề xuất đã không được chấp thuận, DNNVV vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 20% như doanh nghiệp lớn, thưa bà?
Phần sửa về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp trong Luật sửa đổi, bổ sung 6 luật liên quan đến thuế có nhiều nội dung như bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; miễn thuế đối với phần lợi nhuận không chia của cơ sở thực hiện xã hội hoá; khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; ưu đãi thuế cho một số lĩnh vực…, chứ không phải chỉ có nội dung giảm thuế cho khu vực DNNVV.
Do sửa nhiều nội dung nên cần phải có thời gian tổng kết, nghiên cứu, đánh giá tác động, vì vậy, Quốc hội yêu cầu Bộ Tài chính tổng kết, đánh giá, nghiên cứu để sửa đổi đồng bộ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp vào thời gian tới.
Tuy nhiên, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội thì năm 2019 (và cả năm 2020) chưa đưa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp vào thảo luận, thông qua. Vì vậy, Bộ Tài chính đang hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, phát triển DNNVV. Nếu được Quốc hội thông qua thì kể từ năm 2020, doanh nghiệp nhỏ chỉ phải nộp thuế 17%, doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế 15%, thay vì 20% như hiện nay.
Dự kiến, Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Nghị quyết về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, phát triển DNNVV tại Kỳ họp Quốc hội thứ 8 vào cuối năm nay để có thể triển khai ngay vào năm 2020, nếu không sẽ quá muộn.
Tiêu chí phân loại doanh nghiệp theo Nghị định 39/2018/NĐ-CP, ngoài căn cứ vào số lượng lao động, còn căn cứ vào doanh thu hoặc tổng nguồn vốn. Doanh nghiệp cũng được phân loại theo ngành nghề, lĩnh vực hoạt động. Thưa bà, vì sao Dự thảo Nghị quyết lại không căn cứ vào nguồn vốn, ngành nghề, lĩnh vực hoạt động để phân loại doanh nghiệp?
Như tôi đã nói, hầu hết các nước trên thế giới đều có chính sách hỗ trợ DNNVV, nhưng tiêu chí phân loại doanh nghiệp mỗi nước một khác. Có nước phân loại dựa vào vốn, có nước dựa vào số lao động, có nước lại dựa vào doanh thu, có nước sử dụng 2 tiêu chí, có nước lại kết hợp cả 3 tiêu chí. Nói chung, tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, trình độ quản lý của mỗi nước mà áp dụng tiêu chí phân loại phù hợp nhất.
Với Việt Nam, phân loại doanh nghiệp nếu dựa vào ngành nghề, lĩnh vực hoạt động sẽ rất phức tạp, gây khó khăn cho cả cơ quan thuế lẫn doanh nghiệp, thậm chí có thể xảy ra tiêu cực trong việc xác định mức suất 15% hay 17% vì doanh nghiệp hoạt đa ngành nghề, nhiều lĩnh vực khác nhau, cả công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.
Nếu phân loại doanh nghiệp căn cứ vào tiêu chí số lượng lao động và nguồn vốn cũng vô cùng phức tạp vì vốn hoạt động của doanh nghiệp có rất nhiều nguồn ngoài vốn chủ sở hữu, vốn đăng ký, còn có vốn vay ngân hàng, vốn huy động. Vì vậy, Dự thảo Nghị quyết chỉ phân loại doanh nghiệp để ưu đãi thuế căn cứ vào tiêu chí sử dụng lao động và doanh thu.
Cụ thể, áp dụng thuế suất 15% đối với doanh nghiệp có doanh thu dưới 3 tỷ đồng/năm và sử dụng không quá 10 lao động; áp dụng thuế suất 17% đối với doanh nghiệp có doanh thu từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng/năm và sử dụng không quá 100 lao động.