Câu nói thẳng thắn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trong cuộc họp Ban soạn thảo Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi diễn ra cuối tuần trước khiến những quan điểm muốn níu giữ thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài phải “lăn tăn”.
“Tôi không muốn phải ký giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài của một nhà đầu tư nào đấy mà không thể biết được họ mang tiền ra nước ngoài làm gì, ở đâu, có đúng như nội dung mà tôi đã ký không. Vấn đề phải đặt rõ là, thủ tục này có thực sự phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước không, có thể thay thể bằng cách khác hiệu quả hơn không”, Bộ trưởng Vinh đặt vấn đề khi có ý kiến cho rằng, nếu không có giấy này, Ngân hàng Nhà nước sẽ không có căn cứ để làm thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài.
Theo quy định hiện hành của Luật Đầu tư và Nghị định 78/2006/NĐ-CP về đầu tư ra nước ngoài, tùy thuộc vào quy mô vốn đầu tư, nhà đầu tư ra nước ngoài sẽ phải làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài theo một trong hai quy trình, đăng ký hoặc thẩm tra dự án đầu tư gắn với việc thành lập pháp nhân ở nước ngoài.
Giấy chứng nhận đầu tư gồm những nội dung chủ yếu như mục tiêu dự án đầu tư ra nước ngoài, tổng vốn đầu tư của dự án, quốc gia/vùng lãnh thổ nơi thực hiện dự án đầu tư…
“Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quy định về việc ghi nhận tổng vốn đầu tư hay việc áp dụng thủ tục đăng ký hoặc thẩm tra dự án đầu tư tùy thuộc vào quy mô dự án đầu tư không thể hiện rõ mục tiêu quản lý của Nhà nước, tức là quản lý vốn đầu tư chuyển ra nước ngoài hay quản lý toàn bộ vốn thực hiện dự án ở nước ngoài. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các cơ quan quản lý, bởi nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp không chỉ là nguồn vốn chuyển ra nước ngoài, mà còn được huy động ở nước ngoài, trong đó một số dự án huy động vốn chủ yếu ở nước ngoài. Trong khi đó, về nguyên tắc, nguồn vốn này thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư và chịu sự điều chỉnh của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư”, ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phân tích.
Theo Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, thủ tục đăng ký vốn đầu tư ra nước ngoài được đề nghị thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền quản lý ngoại hối.
Riêng với nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước, Dự thảo đề xuất thực hiện theo pháp luật về quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, việc chuyển ra nước ngoài máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa và các tài sản khác để thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài phải phù hợp với mục tiêu hoạt động đầu tư ra nước ngoài và tuân thủ quy định của pháp luật về xuất, nhập khẩu.
Theo hướng này, thủ tục đầu tư ra nước ngoài sẽ có thay đổi căn bản so với quy định hiện hành tại Luật Đầu tư và Nghị định 78/2006/NĐ-CP.
“Sự thay đổi về thủ tục này không có nghĩa là quản lý nhà nước về đầu tư ra nước ngoài bị lơi lỏng, mà thực hiện đúng mục tiêu chất của việc quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư này là việc kiểm soát nguồn vốn đầu tư chuyển ra nước ngoài, nhằm đảm bảo để doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn chuyển ra nước ngoài một cách hợp pháp, phù hợp với lĩnh vực khuyến khích đầu tư”, ông Hùng nói.
Ngoài ra, Dự thảo Luật Đầu tư còn bổ sung các hoạt động đầu tư ra nước ngoài được khuyến khích, như hoạt động đầu tư mở rộng thị trường, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên tại nước đầu tư; cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu cho sản xuất trong nước.