Ảnh hưởng của stress đến tim mạch
Stress nghiêm trọng và đột ngột (cấp tính) có thể gây ra những hiệu ứng sinh lý đối với cơ thể, bao gồm cả tim. Chẳng hạn, những người từng nhận tin buồn về người thân thì trong một số trường hợp, có nguy cơ bị đau tim ngay lập tức.
Tiến sĩ Deepark Bhatt - Giám đốc Bệnh viện Brigham and Womens Hospital ( Mỹ) giải thích: "Nó không chỉ đơn thuần là sự lo lắng, mà là khi bạn thực hiện một thủ thuật thông tim, thì một động mạch đã đóng lại trước đó lúc này bị mở ra. Tình trạng này gọi là hội chứng trái tim tan vỡ, thường xảy ra ở phụ nữ, ngay cả những người không có tiền sử về bệnh tim".
Hội chứng trái tim tan vỡ là một ví dụ của tổn thương tim, có thể là kết quả của dạng stress nghiêm trọng, cấp tính. Nhưng còn stress mỗi ngày như tắc đường, căng thẳng hôn nhân và sự bực mình trong công việc thì sao?
"Mối liên quan giữa những dạng stress mạn tính này và tim mạch chưa được xác định, nhưng theo tôi thì stress không tốt cho tim, ảnh hưởng đến tim theo những cách khó phát hiện hơn. Ở một số người, stress còn tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Ví dụ, những người thường ăn vặt, như bánh pizza, bánh ngọt và kẹo khi bị stress. Những thực phẩm này chứa nhiều chất béo và cholesterol làm tổn thương động mạch, gây bệnh tim hay đột quỵ.
Hơn thế, stress còn dẫn đến những hành vi khác làm tổn thương, như hút thuốc lá và uống nhiều rượu. Vậy nên, việc phá vỡ mối liên hệ giữa stress và tim mạch là cách không chỉ giảm stress còn giúp kiểm soát những thói quen không lành mạnh do stress gây ra"- Bhatt nói thêm.
Kiểm soát stress giúp khỏe tim
Xác định nguồn gốc gây stress. Một khi biết được rõ những nguyên nhân gây stress, bạn sẽ phát triển được các chiến lược cụ thể giải quyết chúng.
Tìm đến những người thân yêu. Những mối liên hệ mạnh mẽ có vai trò quan trọng đối với việc xác định và giảm stress, bảo vệ sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Nếu stress đang trở thành vấn đề của bạn, đừng ngần ngại tìm đến những người xung quanh như bạn bè, gia đình hay đồng nghiệp. Những tư vấn của họ có thể giúp bạn bắt đầu xác định và vượt qua nguồn gốc gây stress.
Trở lại những điều bạn yêu thích. Stress quá độ tạo khoảng cách giữa bản thân và những thứ bạn yêu thích. Nếu cảm thấy stress vì bất cứ lý do gì, hãy thử liệt kê những thứ bạn nghĩ rằng, chúng làm bạn cảm thấy thực sự hạnh phúc, như nấu một món ăn ngon, xem một trận bóng hay nghe một bản nhạc yêu thích...
Sống tích cực. Những người bị bệnh tim có thái độ sống lạc quan, ít có nguy cơ tử vong hơn những người sống tiêu cực. Chỉ cần một tiếng cười sảng khoái cũng có ích cho tim. Tiếng cười có tác dụng giảm lượng hormon gây stress, kháng viêm cho các động mạch và tăng thêm cholesterol có lợi (HDL).
Ngồi thiền. Cách thực hành tập trung suy nghĩ nội tại và thở sâu được chứng minh là làm giảm các yếu tố nguy cơ của bệnh tim, như cao huyết áp. Bất cứ ai cũng có thể thực hành thiền. Chỉ cần dành ra vài phút để ngồi một chỗ yên tĩnh nào đó, nhắm mắt lại, và tập trung vào hơi thở. Những hoạt động gần gũi với thiền gồm có yoga và cầu nguyện, cũng giúp thư giãn tâm trí và cơ thể.
Tập thể dục. Mỗi lần hoạt động thể chất, dù là đi bộ hay chơi tennis, cơ thể sẽ phóng thích các hóa chất tăng cường tâm trạng là endorphin. Tập luyện không chỉ xua tan stress mà còn phòng bệnh tim mạch nhờ giảm áp lực máu, củng cố các cơ tim và duy trì thể trọng lành mạnh.
Tháo phích cắm thiết bị. Nếu không thể tránh khỏi stress khi nó theo bạn khắp mọi nơi, thì tốt nhất là tắt mọi thiết bị liên lạc, tránh xa các email và tin tức trên tivi. Dành thời gian mỗi ngày, chỉ cần 10 hay 15 phút để tìm cảm giác yên tĩnh cho bản thân.
Chọn cách thư giãn phù hợp. Tắm bồn, nghe nhạc hay đọc sách... bất cứ cách nào có tác dụng đối với bạn.
Cảm giác stress, lo âu và trầm cảm có thể tăng cảm giác thèm ăn những thực phẩm không lành mạnh, có chứa nhiều đường, chất béo và calo. Stress có thể gây bất lợi cho quá trình chuyển hóa, làm cơ thể tích tụ chất béo nhiều hơn, làm trầm trọng thêm cảm giác lo âu. Vận động bằng cách luôn bận rộn sẽ giúp đốt cháy calo và phục hồi sự tự tin. |