Bức tranh tài chính nhiều thay đổi
Có một điểm rất đáng chú ý trong bức tranh tài chính của FPT trong năm 2018, đó là sự chi phối của khối công nghệ, lĩnh vực kinh doanh truyền thống của tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam này.
Điều này đã được Tổng giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc nhắc đến tại Đại hội đồng cổ đông thường niên FPT 2018, diễn ra vào cuối tuần qua.
Cụ thể, năm 2018, FPT dự kiến đạt doanh thu 21.900 tỷ đồng, tăng 11% so với doanh thu cùng kỳ (không bao gồm lĩnh vực phân phối và bán lẻ).
Lợi nhuận dự kiến đạt 3.484 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ (bao gồm lợi nhuận tại các công ty liên kết theo tỷ lệ sở hữu và loại trừ khoản lợi nhuận từ thoái vốn trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ).
Trong đó, khối công nghệ sẽ là động lực tăng trưởng chính với doanh thu và lợi nhuận dự kiến đạt 12.149 tỷ đồng và 1.460 tỷ đồng, tăng trưởng 10% và 29% so với cùng kỳ, chiếm 55% tổng doanh thu và 42% lợi nhuận của toàn Tập đoàn. Khối viễn thông có doanh thu dự kiến là 8.660 tỷ đồng, lợi nhuận 1.394 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt là 13% và 16%.
Như vậy, đúng như tuyên bố cách đây ít năm, FPT sẽ giảm tỷ lệ sở hữu ở hai mảng bán lẻ, phân phối, để tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi là công nghệ. Không có phân phối và bán lẻ, khi FPT Trading và FPT Retail không còn là công ty con, mà chỉ là công ty liên kết, doanh thu của FPT trong năm 2018 sẽ chỉ còn 21.900 tỷ đồng so với con số 43.845 tỷ đồng của năm 2017. Nhưng ngược lại, tỷ suất lợi nhuận thì lại tăng cao, dự kiến lên tới 16%, tăng gấp 2 lần so với năm 2017.
Có điều này là do, tuy không tính doanh thu, nhưng lợi nhuận theo tỷ lệ sở hữu tại FPT Retail và FPT Trading vẫn được “tính đúng, tính đủ” cho FPT.
Hơn nữa, các mảng kinh doanh công nghệ, giáo dục trước nay vẫn có tỷ suất lợi nhuận cao, nên tính chung lại, thì tỷ suất lợi nhuận của FPT sẽ tăng cao trong năm tới, mang lại những mảng màu tích cực hơn cho bức tranh tài chính của FPT.
Trong đó, lĩnh vực xuất khẩu phần mềm và dịch vụ viễn thông dự kiến đạt tỷ suất lợi nhuận lần lượt là 17% và 16%. Đây sẽ là hai động lực chính giúp đẩy mạnh tỷ suất lợi nhuận trong năm nay.
Động lực chính là chuyển đổi số
Đại hội đồng cổ đông FPT năm 2018 đã thông qua tỷ lệ cổ tức cho cổ đông năm 2017 là 40%, trong đó cổ tức bằng tiền mặt là 25% (2.500 đồng/cổ phiếu) và 15% bằng cổ phiếu.
Đây là mức cổ tức rất tốt, mà nhiều năm nay FPT mới có được. Cộng thêm kế hoạch tăng trưởng 2 con số trong năm 2018, khiến các cổ đông của FPT rất hào hứng.
Nhưng có lẽ điều mang lại cảm hứng nhiều nhất cho các cổ đông chính là phần chia sẻ rất say sưa của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình về 30 năm tiên phong của FPT, về chiến lược chuyển đổi số của FPT trong những năm tới đây.
Năm 2017, doanh thu “chuyển đổi số” của FPT cao gấp 6 lần tăng trưởng doanh thu của toàn Tập đoàn, đạt trên 50% và chiếm 21% tổng doanh thu của khối công nghệ.
Tại Đại hội cổ đông, ông Trương Gia Bình đã tiết lộ, nếu như năm 2016, số khách hàng trong top 500 công ty có doanh thu lớn nhất toàn cầu của FPT mới đạt con số 24, thì năm 2017, con số này đã tăng lên 64.
Rất nhiều tên tuổi hàng đầu thế giới như Starhub, GE, Airbus, Coca - Cola Việt Nam… đã chọn FPT là đối tác trong hành trình chuyển đổi số của mình.
“Nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp lớn trên thế giới tăng cao chưa từng có. Thậm chí, trước đây có tập đoàn lớn mất tới 2-3 năm để tuyển chọn đối tác cung cấp dịch vụ chuyển đổi số, nhưng gần đây chọn FPT để ký hợp đồng chỉ trong 2 tháng”, ông Trương Gia Bình cho biết.
Chuyển đổi số chính là cơ hội to lớn để FPT tiếp tục bứt tốc sau 30 năm giữ vai trò là tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam. Bởi thế, không có FPT Trading hay FPT Retail - những con gà đẻ trứng vàng, thì các nhà lãnh đạo của FPT vẫn tự tin vào sự phát triển của Tập đoàn.
Thậm chí, FPT đã đặt tham vọng sẽ trở thành một trong những công ty hàng đầu toàn cầu về dịch vụ chuyển đổi số và trở thành đối tác cấp cao nhất của các tập đoàn sở hữu nền tảng công nghệ IoT.
Mục tiêu của FPT là tăng trưởng doanh thu từ mảng cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số đạt bình quân 50 - 70%/năm. Nhờ việc tăng trưởng lĩnh vực chuyển đổi số mà mảng xuất khẩu phần mềm sẽ liên tục giữ được tốc độ tăng trưởng 25-35% trong 5 năm tới và chiếm tỷ trọng 50% doanh thu toàn Tập đoàn.
“Năm 1999, ở Việt Nam không ai tin rằng, chúng ta có thể làm được phần mềm, kể cả những lập trình viên của FPT. Nhưng FPT đã quyết định trọng yếu là phải xuất khẩu phần mềm, phải đi ra nước ngoài với niềm tin mãnh liệt là các nước khác làm được mình cũng được.
Giờ FPT đã có vị thế vững chắc trên thế giới. Trước đây, FPT bán trí tuệ Việt Nam cho thế giới, giờ FPT bán trí tuệ Việt Nam cho các công ty trí tuệ nhất thế giới”, ông Trương Gia Bình nói.
Thông tin cho biết, năm 2018, FPT đã có thêm 40 khách hàng trong danh sách Fortune 500.