Phải giảm tỷ lệ sở hữu
Theo đó, ngoại trừ tỷ lệ sở hữu tối đa của một cá nhân tại ngân hàng giữ nguyên ở mức 5%, trần tỷ lệ sở hữu của một cổ đông tổ chức tại một tổ chức tín dụng là 10%, bao gồm cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp, thay vì 15% như trước. Cổ đông và người có liên quan cũng không được sở hữu quá 15% vốn tại một ngân hàng, thay vì 20% như trước. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan không được sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác.
Khi giải trình về quy định mới này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông là tổ chức tại ngân hàng, việc này sẽ giúp đa dạng cơ cấu cổ đông, tăng tính đại chúng của ngân hàng và hạn chế tình trạng chi phối, thâu tóm ngân hàng. Thêm vào đó, cơ quan thường trực Quốc hội cho hay, tỷ lệ sở hữu của tổ chức giảm từ 15% xuống 10% cũng phù hợp với định hướng tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025. Trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp giấy phép, các cổ đông sáng lập phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; các cổ đông sáng lập là pháp nhân phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% tổng số cổ phần do các cổ đông sáng lập nắm giữ. Định kỳ hàng năm, tổ chức tín dụng phải công bố thông tin về tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn với đại hội đồng cổ đông, đại hội thành viên, hội đồng thành viên.
Bên cạnh đó, khái niệm “những người có liên quan” trong luật mới cũng được mở rộng, gồm cả cha mẹ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con nuôi, con rể; anh, chị, em cùng cha khác mẹ; anh, chị, em cùng mẹ khác cha; anh vợ, chị vợ, em vợ, anh chồng, chị chồng, em chồng, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha. Ngoài ra, ông bà nội, ngoại; cháu nội, ngoại; bác ruột, cô ruột, dì ruột, chú ruột, cậu ruột và cháu ruột cũng thuộc diện “người có liên quan”. Pháp nhân, cá nhân khác có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng được xác định theo quy định nội bộ của ngân hàng hoặc theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước qua thanh tra, giám sát cũng được xem là “người có liên quan”.
Trong khi đó, hiện trong hệ thống các tổ chức tín dụng, vẫn có một số nhà băng có cổ đông sở hữu vượt tỷ lệ cổ phần cho phép theo quy định mới. Chẳng hạn, tại Saigonbank (mã SGB), theo báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2023, tính tại thời điểm cuối tháng 6/2023, nhà băng này có một số cổ đông nắm giữ trên 10% cổ phần như Văn phòng Thành ủy TP.HCM (nắm 18,815% cổ phần), Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận (sở hữu 16,640%), Công ty TNHH một thành viên Du lịch thương mại Kỳ Hòa (sở hữu 16,325%) và Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (sở hữu 14,081%).
Còn tại PGBank, theo danh sách cổ đông tại thời điểm 30/9/2023, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh nắm 13,099% cổ phần, CTCP Quốc tế Cường Phát nắm 13,51%, CTCP Thương mại Vũ Anh Đức nắm 13,35%.
Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023 của MBBank, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội sở hữu 14,13% cổ phần ở nhà băng này.
Tại ABBank, báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023 thể hiện CTCP Tập đoàn Geleximco là cổ đông lớn sở hữu 12,78% vốn. Ngoài ra, ABBank còn có cổ đông ngoại chiến lược là Ngân hàng Malayan Banking Berhad (Maybank) nắm 16,39% vốn. Cuối năm 2022, vốn điều lệ của ABBank là hơn 9.409 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024, việc giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của các tổ chức, cổ đông và người liên quan không áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, Chứng khoán Yuanta đánh giá, đây là quy định hợp lý, tránh rủi ro tập trung, nhưng không thay đổi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng…
Khó ngăn sở hữu chéo
Để tránh xáo trộn tới hệ thống ngân hàng, Luật đã đưa ra điều khoản chuyển tiếp. Từ ngày Luật có hiệu lực thi hành (1/7/2024), cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định được tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, các cổ đông này sẽ không được tăng thêm cổ phần đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, cuối năm 2022, có tổng số 17 cổ đông là tổ chức tại 13 ngân hàng thương mại cổ phần, 1 công ty tài chính có mức sở hữu cổ phần vượt 10%. Tỷ lệ cá nhân, tổ chức nắm giữ cổ phần tại ngân hàng hoặc vay vốn có thể dễ dàng được thống kê, theo dõi, tuy nhiên, các ông chủ thực sự nắm quyền chi phối lại không lộ diện trên hồ sơ nếu họ nhờ hoặc thuê người đứng tên hộ cổ phần, hoặc lập doanh nghiệp “ma” để vay vốn như từng xảy ra tại SCB.
Cơ quan quản lý ngành ngân hàng cũng nhìn nhận, khó có quy định nào có thể xử lý triệt để sở hữu chéo, mà cần phải xử lý tổng thể, trong đó có các nội dung trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024, các giải pháp khác như kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký kinh doanh cũng như sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm toán có liên quan.
Đánh giá được đưa ra từ một chuyên gia kinh tế - tài chính, sở hữu chéo là một mục tiêu tàng hình, các chủ nhà băng dù chỉ nắm vài phần trăm cổ phần, nhưng vẫn có thể chi phối nhà băng dễ dàng. Điều này đã xảy ra tại SCB, khi bà Trương Mỹ Lan chỉ đứng tên hơn 4% cổ phần, 80% còn lại nhờ 74 người khác đứng tên. Đến năm 2018, bà Lan sở hữu 91,5% cổ phần SCB dưới danh nghĩa của 27 pháp nhân, cá nhân. Các quy định siết tỷ lệ sở hữu trên không có tác dụng chống sở hữu chéo trong trường hợp này.
TS. Lê Đạt Chí - chuyên gia kinh tế nhận định, các quy định về tỷ lệ sở hữu trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng 2024 chưa thể ngăn chặn hoàn toàn sở hữu chéo, đầu tư chéo tại các ngân hàng, bởi hệ sinh thái các công ty “ma”, các cá nhân đứng thay cổ phần sẽ tăng lên, tinh vi hơn trước.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Shinhan đánh giá, việc siết tỷ lệ sở hữu sẽ giúp hạn chế tình trạng sở hữu chéo và thao túng trong ngân hàng, tuy vậy, việc giám sát và thực thi của cơ quan Nhà nước là yếu tố quan trọng để đảm bảo hiệu quả của quy định này.
Còn nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán SSI nêu quan điểm, luật mới cho phép các đối tượng vượt trần tỷ lệ sở hữu tại các tổ chức tín dụng được tiếp tục duy trì số cổ phần sở hữu và không được tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện tại, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu, điều này gần như không tạo ra sự thay đổi lớn về cơ cấu sở hữu của ngân hàng hiện tại, trừ khi tổ chức tín dụng thực hiện phát hành riêng lẻ cho các cổ đông khác.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần ngân hàng của một cá nhân và người có liên quan, tổ chức và nhóm tổ chức có liên quan nhằm chia nhỏ quyền lực của các cổ đông. Việc điều chỉnh này là phù hợp nhằm hạn chế việc một cá nhân hay tổ chức có thể kết hợp với các cổ đông khác khuynh đảo, lũng đoạn ngân hàng. Vấn đề là phải kiểm soát được sở hữu thực sự của cổ đông/nhóm cổ đông đó.
Việc giải quyết vấn đề sở hữu chéo trở nên khó khăn hơn do mối quan hệ giữa ngân hàng và các công ty liên quan đến cổ đông, cá nhân liên quan thường rất phức tạp, trong đó có thể thông qua nhiều kênh như cho vay trực tiếp từ ngân hàng, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, phân phối trái phiếu cho khách hàng cá nhân của ngân hàng, hoặc thông qua công ty con của ngân hàng (công ty chứng khoán). Việc tăng cường sử dụng nợ vay thông qua các phương thức trên những năm gần đây, kết hợp với điều kiện tín dụng nới lỏng, tạo ra những rủi ro tín dụng như giai đoạn qua.
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định, tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho một khách hàng vượt quá 10% vốn tự có (giảm từ 15%) và một khách hàng và người có liên quan vượt 15% vốn tự có (giảm từ 25%). Tuy nhiên, việc giảm này cũng sẽ diễn ra theo lộ trình. Cụ thể, từ ngày Luật có hiệu lực thi hành đến ngày 1/1/2026 thì giảm xuống 14% vốn tự có với một khách hàng và 23% vốn tự có với một khách hàng và người có liên quan; đến 1/1/2027, giảm xuống 13% và 21%; đến 1/1/2028, giảm xuống 12% và 19%; đến 1/1/2029 thì buộc phải đáp ứng quy định.