Giám sát vốn nhà nước, hãy “học” các nhà đầu tư

Giám sát vốn nhà nước, hãy “học” các nhà đầu tư

(ĐTCK) Tình trạng phân mảnh trong quản lý vốn nhà nước, cơ quan chủ sở hữu không sát sao quản lý vốn nhà nước nếu không được chấn chỉnh và có giải pháp xử lý kịp thời sẽ dẫn tới thất thoát, lãng phí khó lường.

Theo nhận xét của ông Phan Ðức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc thực hiện giám sát của cơ quan chủ sở hữu tại doanh nghiệp nhà nước hiện nay chưa thực sự hiệu quả. Cơ chế báo cáo mang tính định kỳ (6 tháng, 1 năm) khiến mức độ tương tác còn thấp, chưa đảm bảo yêu cầu “thường xuyên, liên tục” của hoạt động giám sát.

Cơ quan chủ sở hữu nói chung không đủ công cụ (nhân lực và thông tin) theo dõi trực tiếp nên không kịp thời nắm bắt được tình hình thực tế của doanh nghiệp giữa các kỳ báo cáo, đặc biệt là tình hình triển khai thực hiện kế hoạch, các dự án đầu tư và các quyết định mà cơ quan chủ sở hữu đã phê duyệt. Ðồng thời, cơ quan chủ sở hữu còn hạn chế về khả năng nhận biết, cảnh báo các dự án kém hiệu quả.

Chuyên gia của CIEM cũng nêu ra thực trạng trong công tác đánh giá hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, cách thức đánh giá của cơ quan chủ sở hữu được thực hiện vào đầu kỳ, với việc phê duyệt các chỉ tiêu kế hoạch do doanh nghiệp xây dựng và trình lên; cuối kỳ, đánh giá, xếp loại dựa trên cơ sở báo cáo tự đánh giá và xếp loại của doanh nghiệp (có so sánh giữa kết quả và kế hoạch).

“Ðó không phải cách thức đánh giá của một nhà đầu tư”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Vậy nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường bám sát đồng vốn của mình như thế nào? Theo ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc phụ trách Danh mục đầu tư Dragon Capital, quỹ này có các chuyên gia bám sát từng doanh nghiệp, ngoài các chỉ số tài chính, quỹ còn xây dựng bảng đánh giá riêng về quản trị doanh nghiệp, với các mức độ như xấu, tương đối tốt và tốt. Thường có 5 tiêu chí lớn để đánh giá quản trị công ty. Bảng tổng hợp các tiêu chí này sẽ cho ra tổng số điểm ở doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đạt dưới 55% sẽ xếp vào nhóm có rủi ro cao, từ 55 - 75% thuộc nhóm bình thường, còn lại là nhóm có rủi ro thấp.

Trước khi đầu tư, Dragon Capital tiến hành chấm điểm. Sau khi đầu tư, cứ 6 tháng lại đánh giá một lần, công ty nào có điểm thấp sẽ được bộ phận đầu tư đánh dấu lại. Từ đó, quỹ đầu tư có các chương trình tác động để doanh nghiệp có những thay đổi, nhằm cải thiện hoạt động.

Ông Vũ Quang Thịnh, nhà quản lý quỹ của Vietnam Holdings cũng cho biết, việc quản lý danh mục đầu tư và bám sát doanh nghiệp trong danh mục luôn được đặt lên hàng đầu. Ngoài tiếp xúc với lãnh đạo doanh nghiệp, quỹ còn cập nhật thông tin về doanh nghiệp qua nhiều kênh như cơ quan thuế, hải quan, chính quyền địa phương, đối tác, bạn hàng…

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý danh mục tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), ông Lê Huy Chí, thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty cho biết, việc đánh giá tình hình hoạt động, hiệu quả sử dụng vốn, tình hình an toàn tài chính của các doanh nghiệp được thực hiện ít nhất 6 tháng một lần.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp giám sát đặc biệt - là các doanh nghiệp đang thua lỗ, kém hiệu quả, hoặc có vấn đề kiện cáo, cần xử lý theo quy định, SCIC thực hiện giám sát thường xuyên.

Hàng quý, SCIC có các quyết định về danh sách các doanh nghiệp thuộc đối tượng giám sát đặc biệt, báo cáo chi tiết về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong quý, đề xuất các phương án xử lý...

Định kỳ hàng quý/năm, SCIC có báo cáo tổng quát đánh giá danh mục quản lý, đánh giá các hệ số về rủi ro và hệ số chi phí hoạt động, đánh giá so sánh với một số tổ chức tài chính khác trên thị trường, đồng thời báo cáo chi tiết về hiện trạng các khoản mục do SCIC trực tiếp đầu tư.       

Tin bài liên quan