Nhu cầu xác định nguồn gốc thực phẩm
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu, nhu cầu đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm cũng không ngừng gia tăng. Theo đó, việc xác định nguồn gốc thực phẩm là một khâu quan trọng trong đảm bảo an toàn thực phẩm, tuân thủ quy định tôn giáo và chống lại hành vi gian lận thương mại ngày càng tinh vi.
Ở nước ta, không ít trường hợp các cơ sở sản xuất có hành vi gian lận, pha trộn thực phẩm khác hoặc thực phẩm kém chất lượng nhằm tăng lợi nhuận, không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, mà còn làm mất niềm tin vào chất lượng thực phẩm.
Đơn cử, cách đây 8 năm, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia lấy mẫu thịt bò tươi, xúc xích bò, giò bò, nạm bò và thịt bò trong phở để kiểm nghiệm và đã phát hiện nhiều mẫu không có thịt bò, hoặc thành phần thịt bò không đáng kể, bị pha trộn hoặc thay thế hoàn toàn bằng thịt lợn. Ngoài ra, trong số 10 cửa hàng phở bò, thì có 2 cửa hàng bán thịt lợn. Đặc biệt, trong 20 mẫu giò bò, thì có đến 9 mẫu không có thành phần thịt bò, mà chỉ là thịt lợn, 8 mẫu có 13% hàm lượng thịt bò, 2 mẫu có hàm lượng 30 - 33% thịt bò, còn lại là thịt lợn. Tương tự, trong 23 mẫu xúc xích thịt bò, thì có đến 8 mẫu không có thịt bò, còn lại có hàm lượng thịt bò rất thấp.
Hay vụ việc nghiêm trọng khác về gian lận thực phẩm được Công an tỉnh Bình Thuận và cơ quan thú y phát hiện vào tháng 10/2019, một lượng lớn thịt heo nái được ngụy trang tinh vi thành thịt bò bằng cách sử dụng các thủ đoạn như trộn huyết bò, sử dụng dung dịch tạo mùi và khò móng giò để tạo màu sắc giống da bò.
Trên thực tế, vẫn còn rất nhiều sản phẩm thịt tươi và chế biến trên thị trường hiện nay không ghi đúng nhãn hiệu, thành phần các loại thịt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Đứng trước nguy cơ gian lận thương mại trong ngành thịt, đặc biệt là việc ghi nhãn sai thành phần, yêu cầu cần có phương pháp xác định nguồn gốc thực phẩm chính xác và nhanh chóng được đặt ra vô cùng cấp thiết.
Công cụ hiệu quả để phân biệt các mặt hàng thực phẩm
Tại Việt Nam, một số nghiên cứu về kỹ thuật multiplex real-time PCR đã được thực hiện nhằm phân biệt và xác định nguồn gốc thực phẩm. Đơn cử, nghiên cứu của Trần Minh Tấn và Nguyễn Ngọc Tuân (năm 2019) về phân biệt thịt bò, trâu, heo bằng kỹ thuật multiplex real-time PCR.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, 50% (6/12) mẫu thịt bò tươi không phát hiện được DNA bò. Có 66,67% (8/12) mẫu xúc xích bò chứa thịt trâu trong sản phẩm. Tất cả 12 mẫu bò viên được kiểm tra đều phát hiện có chứa DNA bò, nhưng 66,67% mẫu lẫn thịt trâu và 16,67% mẫu lẫn thịt heo.
Theo đó, áp dụng kỹ thuật multiplex real-time PCR bằng nhận diện DNA trong xác định nguồn gốc thực phẩm được xem là phương pháp có tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong kiểm soát chất lượng thực phẩm và ngăn chặn gian lận thương mại.
Về mặt lợi ích, quy trình multiplex real-time PCR được tối ưu hóa để tăng độ nhạy và đặc hiệu, giúp phát hiện chính xác các đoạn DNA đặc trưng của từng loài. Nghiên cứu của Hồ Viết Thế và cộng sự (năm 2018) cho thấy hiệu quả áp dụng multiplex real-time PCR có khả năng phát hiện các đoạn DNA ở nồng độ rất thấp, giúp xác định chính xác nguồn gốc của thực phẩm ngay cả khi có sự pha trộn giữa các loại thực phẩm khác nhau.
Về mặt tiềm năng, việc phát triển kỹ thuật multiplex real-time PCR trong tương lai hứa hẹn sẽ góp phần tăng cường công tác giám sát thực phẩm. Khi công nghệ được hoàn thiện hơn, thì quá trình phân tích thực phẩm được tự động hóa, giảm thiểu sai số và thời gian chờ. Đồng thời, các cơ sở nghiên cứu và sản xuất xem xét phát triển thành các bộ kit để phát hiện sự pha trộn của các loại thực phẩm ngay tại nơi bán hoặc nơi sản xuất.