Giám sát nhưng không gây cản trở hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Một trong những nguyên tắc quan trọng của việc giám sát các hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là minh bạch, không gây cản trở, ảnh hưởng xấu đến các hoạt động này.
Giám sát nhưng không gây cản trở hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng và đưa ra lấy ý kiến công luận Dự thảo hướng dẫn về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Theo đó, nguyên tắc giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài là đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, trình tự, thủ tục và trên cơ sở quy định pháp luật; không chồng chéo, trùng lắp về phạm vi đối tượng, thời gian và nội dung kiểm tra.

Bên cạnh đó, các bên phải phối hợp trong theo dõi, kiểm tra, đánh giá; kịp thời, khách quan, chính xác và nghiêm minh; công khai, minh bạch, không gây cản trở, ảnh hưởng xấu đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang trong quá trình giám sát, đánh giá.

Theo Dự thảo Thông tư, đối tượng áp dụng gồm các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài, gồm các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, cơ quan đăng ký đầu tư, các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về đầu tư theo pháp luật đầu tư; các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Trong đó, các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm chủ trì giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các quy định của pháp luật chuyên ngành đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài có liên quan tới lĩnh vực quản lý theo thẩm quyền.

Các bộ quản lý chuyên ngành được ủy quyền cho các cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương chủ trì giám sát, đánh giá chuyên sâu về lĩnh vực quản lý ngành. Các cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương có trách nhiệm báo cáo kết quả giám sát, đánh giá dự án đầu tư trên địa bàn về các bộ quản lý chuyên ngành và cơ quan đăng ký đầu tư trên địa bàn.

Đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành thuộc thẩm quyền xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương) của các bộ quản lý chuyên ngành, thì sẽ chịu sự giám sát, đánh giá của các cơ quan này theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Các bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm gửi báo cáo thực hiện giám sát, đánh giá cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp theo định kỳ hàng năm vào thời điểm trước ngày 20/02 của năm sau năm báo cáo.

Trong khi đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện giám sát và đánh giá tổng thể về hoạt động đầu tư nước ngoài trong phạm vi quản lý của địa phương; trực tiếp hoặc giao nhiệm vụ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh giám sát, đánh giá tình hình hoạt động của các tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn…

Riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài; giám sát và đánh giá tổng thể dự án có vốn đầu tư nước ngoài; kiểm tra các dự án có vốn đầu tư nước ngoài thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; dự án có quy mô lớn, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội; các dự án khác theo chỉ đạo của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ.

Theo Dự thảo, có hai cách thức để theo dõi các hoạt động đầu tư nước ngoài, là thường xuyên và theo chuyên đề.

Nếu là thường xuyên, thì định kỳ (6 tháng, 1 năm) hoặc đột xuất theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đăng ký đầu tư, đơn vị, cá nhân theo dõi báo cáo cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi bằng văn bản về tình hình triển khai, hoạt động, các vướng mắc của tổ chức kinh tế và dự án có vốn đầu tư nước ngoài thuộc địa bàn, lĩnh vực được phân công. Trường hợp phát hiện tổ chức kinh tế, dự án có dấu hiệu vi phạm thì báo cáo cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi xem xét, quyết định.

Trong khi đó, với các nội dung kiểm tra, có thể kiểm tra tiến độ góp vốn; tiến độ triển khai dự án, bao gồm cả việc thực hiện các mục tiêu của dự án, việc thực hiện và chuyển giao công nghệ theo cam kết của dự án; việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước (thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước...

Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cũng phải kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về lao động, quản lý ngoại hối, môi trường, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy và các quy định về pháp luật chuyên ngành khác; cũng như các vấn đề về triển khai dự án, tình hình tài chính của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm các giao dịch với công ty mẹ ở nước ngoài hoặc các công ty có quan hệ liên kết, tình hình thực hiện các khoản nợ...

Tùy mục đích, yêu cầu của công tác kiểm tra và theo tính chất, đặc điểm của dự án có vốn đầu tư nước ngoài, nội dung kiểm tra có thể bao gồm toàn bộ hay một phần các nội dung này…

Tin bài liên quan