HASTC đang nghiên cứu, xây dựng một hệ thống giám sát tự động hóa hoàn toàn các quy trình giám sát

HASTC đang nghiên cứu, xây dựng một hệ thống giám sát tự động hóa hoàn toàn các quy trình giám sát

Giám sát chứng khoán: Để không "bắt cóc bỏ đĩa"?

(ĐTCK) Năm 2009, TTCK toàn cầu được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, song không vì thế mà những vi phạm trong giao dịch chứng khoán “trầm lắng” hơn. Theo nhận định của các cơ quan quản lý, vi phạm giao dịch đang ngày càng trở nên tinh vi hơn, cách thức tổ chức giao dịch từ đơn giản sang phức tạp (phối hợp giữa nhiều nhóm NĐT trong, ngoài nước); từ việc mua - bán một loại chứng khoán sang nhiều loại chứng khoán trên một thị trường và liên thị trường (cổ phiếu, quyền chọn, tương lai). Tại Việt Nam, nếu không được quan tâm sát sao, giám sát chứng khoán có thể chỉ dừng ở việc mỗi năm phát hiện ra được vài vụ vi phạm theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”...

Theo Sở GDCK TP. HCM (HOSE), năm 2008 công tác giám sát giao dịch đã giúp phát hiện 127 trường hợp NĐT vi phạm quy định cấm đồng thời đặt lệnh mua và bán đối với cùng một loại cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trong cùng ngày giao dịch; 27 trường hợp thành viên chủ chốt của DN niêm yết và những người có liên quan giao dịch cổ phiếu nhưng không công bố thông tin, 4 trong số 27 trường hợp này đã bị thanh tra xử phạt; 4 trường hợp giao dịch cổ phiếu của cổ đông lớn mà không thực hiện báo cáo kết quả thay đổi sở hữu. Sở cũng đã có công văn nhắc nhở 8 CTCK không thực hiện báo cáo thông tin NĐT theo quy định. Bên cạnh đó, HOSE đã báo cáo UBCK 120 trường hợp giao dịch đáng chú ý, trong đó có những trường hợp bị nghi ngờ thực hiện bán khống chứng khoán...

Tại Trung tâm GDCK Hà Nội (HASTC), hiện tại cán bộ Phòng Giám sát giao dịch thực hiện ba mảng công việc chính, gồm giám sát trực tuyến (hệ thống giám sát cảnh báo online các trường hợp vi phạm tiêu chí giám sát), giám sát dài ngày và xây dựng cơ sở dữ liệu. Thống kê số liệu từ hoạt động giám sát trực tuyến cho thấy, các vi phạm giao dịch phổ biến nhất là NĐT đồng thời đặt mua và đặt bán một loại chứng khoán trong cùng phiên giao dịch. Năm 2008, HASTC đã phát hiện online trên 5.200 trường hợp thực hiện đồng thời đặt mua và đặt bán một loại chứng khoán trong phiên, trong đó có gần 200 trường hợp khớp cả lệnh mua và lệnh bán. Các vi phạm thường gặp khác là cổ đông sáng lập bán cổ phiếu trong thời gian hạn chế chuyển nhượng, cổ đông nội bộ và cổ đông lớn báo cáo chậm hoặc giao dịch mà không báo cáo, giao dịch vượt quá số lượng đăng ký… Vi phạm đối với giao dịch cổ phiếu quỹ của các công ty niêm yết thường là mua ít hơn 3% và nhiều hơn 5% khối lượng dự kiến thực hiện trong một phiên và giá giao dịch vượt quá 5% so với giá tham chiếu.

Năm 2008, UBCK cũng đã xử phạt 124 trường hợp vi phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK, trong đó có 19 vi phạm về giao dịch chứng khoán như giao dịch giả tạo, thao túng thị trường, giao dịch chứng khoán mà không báo cáo của  các cổ đông nội bộ công ty niêm yết.

Đề cập đến nguyên nhân dẫn tới tình trạng lỗi vi phạm tràn lan, một cán bộ giám sát của UBCK cho hay, ngoài những vụ việc do bản thân các chủ thể thị trường cố tình vi phạm, còn có những bất cập trong văn bản pháp luật. Đơn cử như Thông tư 38/2007/TT-BTC quy định, cổ đông nội bộ phải báo cáo Sở/Trung tâm GDCK trước ngày thực hiện giao dịch tối thiểu là 01 ngày làm việc. Quy định này chưa đảm bảo đủ thời gian để các cơ quan này công bố thông tin.

Trước thực trạng đó, việc Bộ Tài chính ban hành Quy chế giám sát giao dịch chứng khoán mới đây đã chính thức và cụ thể hóa công tác giám sát giao dịch của các chủ thể tham gia thị trường. Theo một quan chức UBCK, ngay trong quý I này, sẽ có khung pháp lý quy định rõ ràng việc giám sát, ngay cả đối với cơ quan tổ chức thị trường. Ủy ban cũng sẽ có hệ thống giám sát độc lập với Sở/Trung tâm GDCK, đồng thời tăng cường nhân lực cho Ban giám sát, nhằm phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Ở cấp thấp hơn, để công tác giám sát thị trường hiệu quả, HASTC đang nghiên cứu, xây dựng một hệ thống giám sát tự động hóa hoàn toàn các quy trình giám sát, sử dụng mô hình thống kê kế toán hiện đại để phát hiện những vi phạm giao dịch tinh vi. Để phát hiện được các giao dịch vi phạm ngày càng trở nên phức tạp, hệ thống giám sát giao dịch điện tử cần đáp ứng khả năng xử lý nhanh nhạy, đồng thời cần có cơ sở dữ liệu để so khớp thông tin về tài khoản liên quan (cá nhân). Đại diện HASTC cho hay, những vi phạm về thời hạn công bố thông tin sẽ được giải quyết triệt để khi Trung tâm có một hệ thống công bố thông tin hiện đại, hơn nữa việc công nghệ hóa hệ thống công bố thông tin sẽ đem lại lợi ích trực tiếp cho các NĐT, thông qua việc họ được tiếp cận với thông tin một cách nhanh chóng, để kịp thời đưa ra các quyết định đầu tư.