Thậm chí, câu chuyện của năm nay còn “nóng” hơn, khi do ảnh hưởng của Covid-19, nên ngân sách nhà nước năm 2020 hụt thu trên 189.200 tỷ đồng.
Không chỉ hụt thu, chi ngân sách năm nay cũng dự kiến giảm 60.890 tỷ đồng (tương đương 3,5%) so với dự toán.
Dù chi giảm, nhưng bội chi ngân sách cả năm ước vẫn tăng 1,55% so với dự toán, bằng 4,99% GDP. Rất có thể, bội chi ngân sách năm nay còn tăng thêm 38.500 tỷ đồng, do không thu được tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nếu vậy, bội chi ngân sách năm nay sẽ vượt dự toán khá cao, có thể bằng 5,59% GDP, trong khi trần Quốc hội đặt ra là 3,44% GDP.
Khả năng vượt trần là có thật. Điều này là dễ hiểu trong bối cảnh đặc biệt khi Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế khó khăn, thu thấp, trong khi phải tăng chi, nhất là cho phòng chống dịch bệnh và giờ đây là chi cho hỗ trợ khắc phục thiên tai, bão lũ.
Nhưng khi bội chi tăng cao cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro cho nợ công. Cho dù các chỉ tiêu về nợ công so với GDP ước tính đến cuối năm vẫn nằm trong giới hạn an toàn, song nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ lại khác.
Con số đã được các đại biểu Quốc hội nhắc đến. Đó là nợ công năm 2020 dự kiến vượt 3,6 triệu tỷ đồng, nghĩa vụ trả nợ gốc lẫn lãi khoảng 360.000 tỷ đồng. Sang năm 2021, nợ công dự báo vượt mốc 4 triệu tỷ đồng, còn nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 368.276 tỷ đồng.
Như vậy, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu ngân sách nhà nước. Điều này đã được cảnh báo, bởi có thể gây rủi ro và giảm an toàn tài chính quốc gia, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Thực tế ở Việt Nam, thu ngân sách hiện không đủ bù đắp cho chi thường xuyên và trả nợ. Muốn đầu tư, Chính phủ phải đi vay, vì thế, vay đồng nào, nợ công sẽ tăng thêm đồng ấy. Đã có không ít cảnh báo về vấn đề nợ công. Không chỉ riêng kỳ họp này, vấn đề nợ công luôn được các đại biểu Quốc hội nhắc đến trên nghị trường với nỗi quan ngại không nhỏ..
Nhưng rõ ràng, không thể vì quá lo nợ công, mà không đầu tư. Bởi không đầu tư thì không thể có phát triển, có việc làm, có nguồn thu.
Việt Nam là nước hiện có nhu cầu đầu tư rất lớn, nhất là các dự án hạ tầng quan trọng. Giai đoạn 2016-2020, vốn đầu tư công trung hạn là 2 triệu tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đang đề xuất lên 2,75 triệu tỷ đồng, tăng 37% so với giai đoạn trước.
Tăng tổng mức đầu tư công trung hạn là cần thiết, bởi chúng ta cần đầu tư phát triển, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo, cần tập trung cho các dự án then chốt, quan trọng của quốc gia, bao gồm cả hạ tầng giao thông và năng lượng, các dự án kinh tế số, chuyển đổi số…
Tăng chi cho đầu tư phát triển cũng là cách để nền kinh tế tăng tốc. Khi đó, quy mô GDP sẽ lớn lên và nợ công so với GDP sẽ thấp đi. Quy mô nền kinh tế lớn hơn, thu ngân sách lớn hơn, tất yếu, Chính phủ cũng có thêm nguồn lực để trả nợ.
Tất nhiên, câu chuyện ở đây phải là đầu tư trúng, đúng và có hiệu quả, để làm sao vừa thúc đẩy kinh tế phát triển, vừa giữ được an toàn nợ công và nghĩa vụ trả nợ. Mỗi đồng vốn ngân sách là mồ hôi, công sức của dân. Mỗi đồng vốn đi vay cũng là gánh nặng nợ của mỗi người dân. Nghĩa vụ và trách nhiệm của Chính phủ là phải chắt chiu và sử dụng hiệu quả từng đồng vốn ấy.