Dù không đề cập chi tiết, nhưng ông Trump cho biết, Nga và Ả Rập Xê út có thể giảm sản lượng dầu ở mức 10-15 triệu thùng.
Sau phút giây vui mừng ban đầu, các thành viên thị trường nhận ra rằng, có 2 rào cản chính cho triển vọng của giá dầu, ngay cả khi nước Mỹ vào cuộc.
Thứ nhất, ông Trump cần thuyết phục các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ, cũng như những nhà sản xuất khác ngoài OPEC cùng tham gia vào kế hoạch cắt giảm sản lượng.
Thứ hai, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa được khống chế, việc giá dầu về mức âm vẫn có thể diễn ra bởi nhu cầu hạn chế, ngay cả khi đã hạ sản lượng.
Ả Rập Xê út mong muốn tất cả các nhà sản xuất dầu mỏ trên toàn cầu cùng gánh vác việc tạo lực đỡ cho giá dầu.
Ðây là lý do khi không thể đạt thoả thuận với Nga để tiếp tục thoả thuận hạ sản lượng, quốc gia này đã “tất tay” đẩy giá dầu xuống đáy để đổi lại thị phần.
Theo đó, để hạ sản lượng như ông Trump mong muốn, Ả Rập Xê út muốn Mỹ và các nhà sản xuất dầu mỏ khác cũng có hành động tương tự.
Ðiều này đồng nghĩa với việc ông Trump cần có sự đồng thuận từ khoảng 6.000 doanh nghiệp sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ, cũng như chính quyền các bang.
Viện Nghiên cứu dầu mỏ Mỹ (API), nơi có sự hiện diện của các nhà sản xuất dầu lớn nhất, đã lên tiếng rằng, họ muốn Chính phủ Mỹ đứng bên ngoài thị trường nội địa và hãy tập trung vào các nỗ lực ngoại giao.
API từ lâu đã duy trì quan điểm, việc đặt ra các mức trần sản lượng, hoặc chia khẩu phần là hành vi không mang tính cạnh tranh, chỉ mang tới những thiệt hại cho người tiêu dùng và nhà sản xuất tại Mỹ.
Bên cạnh đó, hàng loạt chương trình vận động hành lang của các nhà sản xuất dầu Mỹ đang tập trung đưa ra thông điệp, áp dụng hạn ngạch với thị trường nội địa hoặc cùng hợp tác cắt giảm sản lượng sẽ là tín hiệu khiến Ả Rập Xê út và Nga cho rằng, họ đã thắng trong cuộc chiến giá dầu. Ðiều này sẽ gây thiệt hại lớn cho các nhà sản xuất dầu tại Mỹ.
Những trở ngại khác còn tới từ vấn đề kỹ thuật và luật pháp. Ðại diện ngành năng lượng Mỹ từng “nhắc nhở” Nhà Trắng về việc mọi quy định hạn chế sản lượng tại các giếng dầu có thể xâm phạm quyền sở hữu đất đai tư nhân của các chủ đất, công ty dầu mỏ và các chủ sở hữu giếng dầu khác.
Hiện tại, chỉ Texas và Oklahoma có thể thiết lập các quy định về sản lượng đầu ra, những bang khác không có quyền làm vậy.
Bên cạnh đó, việc đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng giữa Mỹ - Nga - Ả Rập Xê út, cũng như các nhà sản xuất dầu mỏ khác, dù có thành công một cách nhanh chóng, cũng khó lòng tạo bước ngoặt đột ngột với giá dầu trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành và chưa có dấu hiệu được kiểm soát.
Goldman Sachs Group Inc ước tính, với việc các nền kinh tế đóng góp 92% GDP toàn cầu hiện đang phải áp dụng các biện pháp phong toả, cách ly, giãn cách xã hội để phòng bệnh, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trong tuần trước giảm 26 triệu thùng/ngày, đương đương giảm 1/4 so với nhu cầu trung bình trong năm ngoái.
Trong hơn một tháng, lượng dầu tiêu thụ sẽ giảm gần 800 triệu thùng. Tại các nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như Italy và Tây Ban Nha, nhu cầu tiêu thụ năng lượng dự báo còn giảm mạnh hơn. Chẳng hạn, nhu cầu với dầu diesel tại Tây Ban Nha sẽ giảm tới 61%.
Giá dầu chỉ thực sự nhận trợ lực để tăng trưởng khi nhu cầu sử dụng năng lượng hồi phục. Ở thời điểm này, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong khi các kho chứa đã gần cạn chỗ, việc giá dầu ở mức âm hoàn toàn có thể xảy ra.