Giảm ngay thuế đánh vào xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
Đầu tháng 7/2022, giá bán lẻ xăng dầu giảm nhẹ sau khi tăng 7 lần liên tiếp, song mặt hàng chiến lược này vẫn tạo áp lực rất lớn lên lạm phát.

“Việc Bộ Tài chính sớm trình cấp có thẩm quyền giảm ngay thuế đánh vào xăng dầu không chỉ góp phần kiểm soát Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI), mà còn bảo đảm kinh tế vĩ mô”, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) nhấn mạnh.

Chưa khi nào xăng dầu tạo áp lực lên lạm phát nặng nề như từ đầu năm đến nay, thưa bà?

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê).

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê).

Trong 6 tháng đầu năm, việc CPI chỉ tăng 2,44% có thể coi là thành công rất lớn của Việt Nam trong kiểm soát lạm phát trong bối cảnh rất nhiều nền kinh tế trên thế giới chứng kiến lạm phát cao kỷ lục trong gần nửa thế kỷ qua. Chẳng hạn, tại EU, tháng 5/2022 ghi nhận mức lạm phát 8,1%, gấp 4 lần lạm phát mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra và đây là mức lạm phát cao nhất kể từ khi đồng euro ra đời.

Cũng như hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, xăng dầu tăng giá tác động rất lớn lên lạm phát ở nước ta từ đầu năm đến nay.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu tăng 51,83%, làm CPI tăng tới 1,87 điểm phần trăm trong tổng mức tăng chung 2,44%. Còn tính riêng trong quý II/2022, sau 7 lần tăng giá liên tiếp, tăng 54,92% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,98 điểm phần trăm; nếu cộng với giá gas tăng 31%, góp phần làm CPI tăng thêm 0,45 điểm phần trăm, thì nhóm hàng nhiên liệu này đã làm CPI tăng 2,43 điểm phần trăm, trong khi cả quý II, CPI chỉ tăng 2,96%.

Sau khi tăng 7 phiên liên tiếp, đầu tháng 7/2022, giá bán lẻ xăng dầu đã tạm ngừng leo dốc, nhưng diễn biến mặt hàng này rất khó lường. Thưa bà, nếu giá xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục lên dốc sẽ tác động thế nào tới Việt Nam?

Giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới những ngày gần đây hạ nhiệt khi có tin các nước OPEC+ gia tăng sản lượng khai thác, khiến nguồn cung tăng lên và các đầu tàu kinh tế thế giới giảm tốc do khủng hoảng ở Ukraine và Covid-19 đã có dấu hiệu tăng trở lại, dẫn tới cầu giảm.

Tuy nhiên, việc giá mặt hàng này chỉ tạm giảm hay bắt đầu xu hướng giảm thì rất khó dự báo, bởi ngay trong khi giá xăng dầu có xu hướng giảm nhẹ, nhiều định chế tài chính đã đưa ra dự báo khả năng mặt hàng này sẽ vượt ngưỡng 300 USD/thùng, mức cao chưa từng thấy. Nhưng ngay giá xăng dầu nói riêng, nhiên liệu, năng lượng, nguyên liệu giữ ở mức giá cao như hiện nay cũng đã tạo sức ép rất lớn đối với Việt Nam. Lý do là, Việt Nam là nước phải nhập khẩu phần lớn nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, nên việc nhập khẩu với mức giá cao làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.

Việc này không chỉ tạo áp lực lên kiểm soát lạm phát, mà còn tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, thu nhập, đời sống của người dân và giữ ổn định kinh tế vĩ mô - yếu tố quan trọng nhất để phục hồi kinh tế, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Giá xăng dầu biến động tác động đến mặt bằng giá nhiều hàng hóa quan trọng, như vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, vận tải, giao thông. Theo tính toán của chúng tôi, giá xăng dầu cứ tăng 10% sẽ tác động làm CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.

Bộ Tài chính đã chính thức đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đánh vào xăng dầu. Bà có bình luận gì về động thái này?

Ngày 1/4/2022, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu đã giảm 50%, nên hiện giờ, dư địa để giảm tiếp không còn nhiều. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, giảm được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, ít nhất cũng tạo được tâm lý Nhà nước chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, tôi hy vọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm kịch sàn sắc thuế này đánh vào xăng dầu.

Do dư địa giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu không còn nhiều, nên Bộ Tài chính cũng đã tính tới phương án giảm thuế nhập khẩu. Giảm thuế nhập khẩu thuộc thẩm quyền của Chính phủ, nên tôi cho rằng, nếu Bộ Tài chính trình thì chắc sẽ được Chính phủ chấp thuận, bởi cùng với giảm thuế bảo vệ môi trường, việc giảm thuế nhập khẩu là giải pháp kịp thời nhằm ổn định giá xăng dầu trong nước, kiềm chế lạm phát, góp phần hỗ trợ phục hồi sản xuất - kinh doanh và ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ngay cả trong trường hợp giảm 2 sắc thuế này thì cũng không đủ để giảm giá xăng dầu, thưa bà?

Trong kết cấu giá bán lẻ xăng dầu có giá nhập khẩu, thuế nhập khẩu và chi phí nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, lợi nhuận định mức... Hiện tại, thuế nhập khẩu là 10%; thuế giá trị gia tăng 10%; thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít xăng và 1.000 đồng/lít dầu; thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ đánh vào mặt hàng xăng (RON 95 chịu thuế 10%; E5 là 8%; E10 là 7%), không đánh vào mặt hàng dầu và tổng các loại thuế và chi phí khác đánh vào mặt hàng xăng dầu của Việt Nam chiếm 28-33% giá bán lẻ, thấp hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới (40-60%), ngoại trừ những nước có trữ lượng dầu mỏ lớn.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, hầu hết các nước trên thế giới đều đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, nhằm định hướng tiêu dùng, khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch này tiết kiệm, hiệu quả, vì vậy, việc Việt Nam đánh thuế tiêu thụ đối với mặt hàng xăng không phải là ngoại lệ.

Giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế nhập khẩu có thể thực hiện được ngay, nhưng cũng giảm có thời hạn, vì giá mặt hàng này “trở mặt” rất nhanh. Còn thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt chưa thể thực hiện được vì thuộc thẩm quyền của Quốc hội; nếu có giảm thì ít nhất cũng phải đợi đến cuối năm và khi đó thị trường xăng dầu thế giới diễn biến thế nào, không ai có thể dự báo được.

Thưa bà, rất nhiều nước trên thế giới đã tìm mọi cách để giảm giá xăng dầu. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp Việt Nam không thể chờ đợi được nữa khi giá xăng dầu đã quá cao và nhiều khả năng tiếp tục tăng, khiến chi phí sản xuất bị đội lên?

Trên thế giới, nhiều nước áp dụng một số giải pháp nhằm giảm giá bán lẻ xăng dầu, như giảm hoặc bãi bỏ một hoặc một số sắc thuế, tùy thuộc vào bối cảnh, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế. Các nước như Bỉ, Croatia, Ba Lan... thì giảm thuế giá trị gia tăng; trong khi Australia, Thái Lan, Hà Lan... giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.

Việt Nam đã giảm thuế bảo vệ môi trường và sắp tới giảm thuế nhập khẩu. Còn với thuế tiêu thụ đặc biệt, việc giảm không hiệu quả nhiều đối với nền kinh tế, vì sắc thuế này chỉ đánh vào mặt hàng xăng (chiếm 1/3 khối lượng xăng dầu sử dụng hàng năm) - chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại, giao thông, vận tải; không đánh vào mặt hàng dầu các loại - phục vụ hoạt động sản xuất.

Thuế chỉ là một trong những yếu tố nhằm bình ổn mặt hàng xăng dầu. Muốn bình ổn được, phải sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất là phải bảo đảm đủ nguồn cung, tuyệt đối không được để đứt gãy, gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong bất cứ trường hợp nào.

Tin bài liên quan