Giảm mạnh hơn nữa lao động phi chính thức

0:00 / 0:00
0:00
Tuy tỷ trọng lao động phi chính thức có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn rất lớn. Do vậy, cần giảm nhanh hơn nữa đối tượng lao động này.

Tuy tỷ trọng lao động phi chính thức có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn rất lớn. Do vậy, cần giảm nhanh hơn nữa đối tượng lao động này.

Hiện trạng lao động có việc làm phi chính thức được nhận diện dưới các góc độ khác nhau.

Ở góc độ thứ nhất, số lao động và tỷ trọng lao động có việc làm phi chính thức có xu hướng giảm, từ trên 39,1 triệu và chiếm 72,1% năm 2018 xuống còn gần 33,3 triệu, chiếm 64,9% năm 2023.

Xu hướng giảm là kết quả của số doanh nghiệp gia tăng, ý thức quan tâm đến người lao động và chấp hành các chính sách về bảo hiểm xã hội… Tuy nhiên, số lao động và tỷ lệ trên vẫn còn quá lớn.

Ở góc độ thứ hai, tỷ lệ số lao động có việc làm phi chính thức của nam cao hơn của nữ (năm 2018 là 74,1% so với 69,9%, năm 2023 là 68,1% so với 61,4%). Điều đó chứng tỏ, nam muốn làm việc tự do hơn nữ; số nữ muốn làm công việc chính thức nhiều hơn nam.

Ở góc độ thứ ba, tỷ lệ ở nông thôn cao hơn nhiều so với ở thành thị.

Ở góc độ thứ tư, tỷ lệ làm việc phi chính thức có sự khác nhau giữa các lứa tuổi (từ 15-19 tuổi ở mức 80%; tuổi 25-29 ở mức trên một nửa; tuổi 45-49 ở mức trên 70%.

Ở góc độ thứ năm, tỷ lệ lao động làm việc phi chính thức khác nhau giữa các nhóm ngành. Cao nhất là nông, lâm nghiệp - thủy sản; nhóm ngành công nghiệp - xây dựng có tỷ lệ thấp nhất; nhóm dịch vụ đứng thứ 2.

Lao động có việc làm phi chính thức là những người có việc làm thuộc các nhóm: lao động gia đình không được hưởng lương, hưởng công; người chủ của cơ sở lao động tự làm trong khu vực phi chính thức; người làm công hưởng lương không được ký hợp đồng lao động hoặc được ký hợp đồng lao động, nhưng không được cơ sở tuyển dụng đóng bảo hiểm xã hội theo hình thức bắt buộc; lao động tự làm hoặc lao động làm công hưởng lương trong các hộ gia đình hoặc hộ nông, lâm - thủy sản.

Tỷ lệ phi chính thức cao đồng nghĩa với việc thu nhập không cao và không ổn định, người lao động về già sẽ gặp khó khăn do không có lương hưu, không có bảo hiểm xã hội, do bị nhiều bệnh nền... Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội của cả nước năm 2021 mới đạt 32,7%, bảo hiểm y tế 90,2%, bảo hiểm thất nghiệp 28,5%.

Để giảm nhanh tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức, trước hết, tăng nhanh số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, hỗ trợ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm thiểu số tạm dừng hoạt động, tạm ngừng kinh doanh, phá sản để tăng số doanh nghiệp đang hoạt động (đã bị lỡ hẹn với mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 và có thể một lần nữa lại lỡ hẹn với mục tiêu 1,5 triệu vào năm 2025).

Đẩy nhanh việc thành lập doanh nghiệp ở nông thôn, vừa tạo điều kiện giảm tỷ lệ lao động làm việc phi chính thức. Nông thôn là nơi có giá đất rẻ hơn, có giá nhân công rẻ hơn…, vừa thực hiện được phương thức “ly nông bất ly hương” thay cho “ly nông, ly hương”, vừa tăng tỷ lệ đô thị hóa.

Đồng thời, khuyến khích các đơn vị quản lý lao động có việc làm phi chính thức và bản thân lao động có việc làm phi chính thức tham gia thành lập các doanh nghiệp để chuyển thành lao động có việc làm chính thức.

Yêu cầu các doanh nghiệp khi hoạt động phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đây không chỉ là ý thức tuân thủ pháp luật, mà còn tạo lòng tin, bảo đảm việc làm lâu dài và uy tín của doanh nghiệp. Công đoàn các doanh nghiệp cần đóng góp tích cực với chủ doanh nghiệp.

Các cơ quan bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cần kết nối với các cơ quan cấp phép thành lập, các cơ quan quản lý doanh nghiệp và các doanh nghiệp, để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về các lĩnh vực này, tránh tình trạng không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng, nợ nần…

Bản thân người lao động cần nhận thức cụ thể về lợi ích của làm việc chính thức, để có thể an tâm hơn khi cao tuổi có được lương hưu, có các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Tin bài liên quan