Các nhà băng cho rằng, lãi suất huy động đang bị đẩy lên vì tình trạng cạnh tranh huy động và theo dự kiến điều chỉnh giảm tỷ lệ cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 40% tổng vốn huy động, trong khi lãi suất cho vay phải giảm xuống theo chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này khiến biên lợi nhuận (chênh lệch huy động – cho vay) bị kéo giảm, ảnh hưởng tới thu nhập của hầu hết ngân hàng.
Thực tế ghi nhận từ thị trường, nhiều khoản cho vay đang giảm lãi suất, đặc biệt với khách hàng tốt. Chẳng hạn tại BIDV, lãi suất cho vay ngắn hạn được điều chỉnh giảm đến 0,5%/năm vào cuối tháng 4/2016 đối với các khách hàng tốt, vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh. Lãi suất cho vay trung dài hạn tại BIDV được áp dụng mức tối đa không quá 10%/năm đối với các khách hàng tốt, mục tiêu vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh…
Việc hạ lãi suất cho vay và tăng lãi suất huy động đang khiến biên lợi nhuận với các khoản cho vay dành cho khách hàng doanh nghiệp, được ghi nhận, hiện chỉ còn trong khoảng 1,5-2%.
Còn tại OCB, theo Tổng giám đốc Nguyễn Đình Tùng, hiện lãi suất cho vay áp dụng đối với khách hàng doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp tốt đã giảm xuống mức khá thấp so với cuối năm ngoái, chỉ dao động trên dưới 7%/năm, tức là thấp hơn cả lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài.
Vấn đề hiện nay, theo ông Tùng là cạnh tranh về thị phần tín dụng doanh nghiệp tốt vẫn khá gay gắt giữa các ngân hàng. Thế nên, lãi suất không chỉ hạ theo chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp, mà bản thân các ngân hàng cũng phải hạ để giữ khách hàng.
Việc hạ lãi suất cho vay và tăng lãi suất huy động đang khiến biên lợi nhuận với các khoản cho vay dành cho khách hàng doanh nghiệp, được ghi nhận, hiện chỉ còn trong khoảng 1,5-2%. Đây là mức rất thấp bởi các tính toán cho thấy, để có lãi, con số này phải đạt từ 3% trở lên.
Nhưng điều này có phản ánh đúng bức tranh toàn cảnh hoạt động tín dụng ngân hàng?
Ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán trên thị trường cho thấy, không phải tất cả các khoản cho vay đều giảm lãi suất, thậm chí có những khoản cho vay tiêu dùng đang tăng lãi cho vay so với đầu năm như tín dụng tiêu dùng, mua nhà, vay mua ô tô… Mức lãi suất cho vay dao động 10 – 12%/năm. Tức là khá cao so với lãi suất huy động (lãi tiền gửi cao nhất chỉ khoảng 7,4%/năm).
Biên lợi nhuận trong cho vay cá nhân vẫn dao động 3-3,5% thì ngân hàng vẫn lãi lớn. Đó cũng là lý do vì sao các ngân hàng vào cuộc đua đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, mua nhà, vay mua ô tô… trong thời gian qua và hiện nay bên cạnh các công ty tài chính đã tham gia mạnh vào thị trường tín dụng tiêu dùng.
Lãi đã thực tăng
Nhìn về tổng thể tín dụng ngân hàng, TS. Bùi Quang Tín, Khoa quản trị Kinh doanh Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, ngoài lợi nhuận, hiệu quả kinh doanh của các NHTM còn được đo lường bằng chỉ tiêu tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM: Net Interest Margin). Sau nhiều năm theo chiều hướng giảm, NIM của các ngân hàng đã bắt đầu đảo chiều.
Công bố của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia mới đây cũng cho thấy, tỷ lệ NIM của toàn hệ thống ngân hàng trong năm 2015 đạt 2,74%, tăng nhẹ so với mức 2,7% của năm 2014 (năm 2013 là 2,8%).
Đáng chú ý là mặc dù NIM của ngành ngân hàng trong năm 2015 vẫn thua kém một chút so với năm 2013, song tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE: Return on Equity) đã phục hồi đáng kể. Theo đó, ROE đã quay trở về ngang với năm 2013, ở mức 6,4%.
Ở khía cạnh khác, nhu cầu tín dụng bắt đầu tăng mạnh hơn, cả ở khối cá nhân lẫn doanh nghiệp. Đặc biệt, NIM của ngân hàng trong khoản vay cá nhân cao hơn là doanh nghiệp, nghĩa là cho vay cá nhân thường có lãi suất cao hơn và ngân hàng cũng được lợi hơn. Dường như chiến lược tập trung nhiều vào cho vay cá nhân của các ngân hàng trong thời gian qua đang mang về kết quả khả quan.
Những con số này cho thấy, hoạt động ngân hàng 2016 cũng chưa hẳn đã khó khăn như một số phát biểu gần đây.