Giới chuyên gia cho rằng, mặt bằng lãi suất khó có thể tiếp tục tăng thêm

Giới chuyên gia cho rằng, mặt bằng lãi suất khó có thể tiếp tục tăng thêm

Giảm lãi suất, nhiệm vụ khó khăn

Trái ngược với “điểm sáng” tỷ giá, giảm lãi suất theo yêu cầu của Chính phủ có lẽ là thách thức lớn nhất của Ngân hàng Nhà nước, nhất là khi các ngân hàng thương mại vẫn có những cách thức riêng để áp dụng chính sách lãi suất hấp dẫn cho các khách hàng.  

Ngân hàng nhiều chiêu gọi vốn

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), lãi suất cho vay đang giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, lãi suất cho vay đã nhích dần lên. Trên thực tế, làn sóng tăng lãi suất đã tạm lắng, thậm chí lãi suất liên ngân hàng có dấu hiệu dịu lại. Song rất nhiều ngân hàng vẫn có những chính sách riêng rất hấp dẫn để thu hút tiền gửi, nhất là đối với nhóm khách VIP.

Đơn cử, tại Ngân hàng Techcombank, nhóm khách hàng VIP gửi tiền sẽ được tư vấn mua trái phiếu của Vingroup với lãi suất vượt trội so với lãi suất tiết kiệm thông thường. Cụ thể, ngay với kỳ hạn 3 tháng, lãi suất thấp nhất đã lên tới 5,8%/năm, thay vì gửi tiết kiệm chỉ khoảng 5,1%/năm.

Tương tự, tại nhiều ngân hàng khác, khách gửi tiền thông thường được áp dụng lãi suất tiết kiệm khá thấp, song khách VIP gửi số tiền lớn (thường trên 1 tỷ đồng) được hưởng những ưu đãi đặc biệt. Theo đó, lãi suất của kỳ hạn 1 năm lên tới khoảng 8%/năm, kỳ hạn ngắn thậm chí còn vượt trần nếu tính đầy đủ các chính sách khuyến mãi.

Những chính sách trên do được triển khai khá kín kẽ, nên không làm loạn thị trường. Tuy nhiên, do nhóm khách VIP chiếm thị phần huy động vốn khá lớn với các ngân hàng, nên vô hình trung đã làm mặt bằng lãi suất huy động khó hạ. Tín dụng tăng mạnh, lạm phát có nguy cơ trỗi dậy, Chính phủ phát hành lượng trái phiếu lớn… là những nguyên nhân gây áp lực lên lãi suất. Nếu không có sự nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với các biện pháp cả hành chính lẫn thị trường, lãi suất khó duy trì được mức ổn định như hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN cho hay, những tháng đầu năm, một số ngân hàng tăng lãi suất, song NHNN đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn làn sóng lãi suất gia tăng. Cụ thể, trong điều hành hàng ngày, NHNN đã điều tiết lượng thanh khoản vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng dư thừa ở mức hợp lý và cho phép lãi suất liên ngân hàng ở mức tương đối thấp để vừa hỗ trợ cho ổn định mặt bằng lãi suất, đồng thời hỗ trợ cho việc phát hành trái phiếu chính phủ. Mặt khác, vẫn đảm bảo ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, tăng dự trữ ngoại hối của Nhà nước.

Bên cạnh đó, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để giảm lãi vay. “Từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay”, bà Hồng nói.

“Trị” lãi suất bằng thanh khoản

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, lãi suất hiện khó có thể giảm thêm trước áp lực lạm phát, bởi có thể khiến dòng tiền chảy ra khỏi ngân hàng. Chính Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng mới đây cũng khẳng định, điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới không thể chủ quan với lạm phát.

Thế nhưng, dù lãi suất có thể khó hạ sâu, giới chuyên gia cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất khó có thể tiếp tục tăng thêm. Lý do là lạm phát năm nay nếu tăng, cũng chỉ khoảng 5% và đã được dự báo từ cuối năm ngoái, yếu tố lạm phát cũng đã được các tổ chức tín dụng tính toán vào giá vốn (lãi suất). Do vậy, với lạm phát dự báo 5% trong năm nay, lãi suất sẽ không có sự gia tăng đột biến. Ngoài ra, lý do quan trọng nữa hỗ trợ lãi suất là tỷ giá bình ổn và thanh khoản hệ thống dồi dào.

“Yếu tố tác động lớn nhất đến lãi suất là thanh khoản. Hiện nay, thanh khoản của hệ thống nhìn chung khá dồi dào, là cơ sở vững chắc để ổn định lãi suất”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB nhận định.

Ngoài ra, theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, nợ xấu cũng là yếu tố tác động lớn đến lãi suất. Ngân hàng nào thu hồi và kiềm chế nợ xấu tốt, tiết kiệm chi phí hoạt động, nâng cao năng suất lao động… sẽ có cơ hội giảm lãi suất cho khách hàng tốt hơn các ngân hàng “đầm đìa” nợ xấu.

Theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, những tháng cuối năm 2016, NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ như hiện nay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. NHNN sẽ theo dõi rất sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ hàng ngày, đặc biệt là tiến độ giải ngân nguồn vốn từ ngân sách để điều tiết lượng thanh khoản và cung ứng nguồn vốn tín dụng ra nền kinh tế phù hợp, nhằm đảm bảo mục tiêu của chính sách đề ra từ đầu năm.

Tin bài liên quan