Giảm lãi suất không quan trọng bằng doanh nghiệp tiếp cận được vốn

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp đang vô cùng khát vốn, Chính phủ phải dùng cả mệnh lệnh hành chính để yêu cầu giảm lãi suất, song đại biểu Quốc hội cho rằng, việc giảm lãi suất không quan trọng bằng tiếp cận được vốn và đưa nguồn vốn đó vào sản xuất, kinh doanh.
Giảm lãi suất và đơn giản điều kiện, thủ tục vay để vốn đến đúng, trúng và trực tiếp đến với doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thanh

Giảm lãi suất và đơn giản điều kiện, thủ tục vay để vốn đến đúng, trúng và trực tiếp đến với doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thanh

Ngân hàng phải thực sự gắn kết lợi ích của mình với nền kinh tế

Quốc hội vừa qua 2 ngày thảo luận toàn thể về kinh tế, xã hội, ngân sách tại Kỳ họp thứ năm.

Ngay từ khi Quốc hội chưa khai mạc kỳ họp này, ở các phiên thẩm tra của các cơ quan Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khó khăn của nền kinh tế nói chung, khu vực doanh nghiệp nói riêng đã được đặc biệt quan tâm.

Tổng hợp ý kiến của 19 tổ thảo luận về kinh tế, ngân sách, ông Bùi Văn Cường, Tổng thư ký Quốc hội, phản ánh ý kiến đại biểu cho rằng, trong khi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn ở thị trường, đơn hàng, thì doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận vốn do thủ tục vay vốn phức tạp và nhiều trường hợp ngân hàng yêu cầu thêm phí hoặc gợi ý mua bảo hiểm. Nghịch lý ở chỗ, trong bối cảnh đó, ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận rất cao.

“Trong bối cảnh lạm phát ổn định, mà lãi suất ngân hàng tăng rất cao là điều bất hợp lý”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm nhận xét.

Điều bất hợp lý nữa, theo đại biểu Lâm là, doanh nghiệp khó khăn như thế, nhưng các ngân hàng vẫn báo lãi rất khủng khiếp.

Đáng chú ý là, kết quả giám sát nguồn lực huy động trong phòng, chống Covid-19 chỉ ra, trong thời gian dịch dã, lãi suất cho vay giảm, nhưng giảm chậm hơn lãi suất đi vay. “Tức là ngân hàng ăn dày hơn. Ăn dày hơn thì ăn vào đâu? Vào lãi suất tiết kiệm của người dân, vào chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra khi đi vay. Tức là, nền kinh tế càng khó khăn, ngân hàng không chia sẻ, không hỗ trợ được nhiều lại còn tranh thủ vào đấy”, đại biểu Lâm thể hiện sự bức xúc.

Từ đó, ông Lâm đề nghị chính sách tiền tệ tới đây cần phải hướng tới để ngân hàng gắn kết lợi ích của mình thực sự với nền kinh tế, với sự sống còn của doanh nghiệp, chứ không phải chỉ độc quyền “một mình một chợ”.

Nghịch lý trên tiếp tục được mổ xẻ tại phiên thảo luận toàn thể. Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng, việc quá chú trọng về kiềm chế lạm phát, nhưng lại chưa đánh giá kỹ tác động cũng là nguyên nhân khiến lãi suất tăng cao trong bối cảnh doanh nghiệp còn khó khăn.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng được thực hiện quá chậm cũng là những bất cập trong công tác điều hành.

“Nền kinh tế trong tình trạng thiếu thanh khoản, trong khi số vốn đầu tư công chậm giải ngân tồn đọng gửi tại Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại. Tổng phương tiện thanh toán tăng thấp, lạm phát thấp, lãi suất cao là những nghịch lý thể hiện sự bất cập trong công tác điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ”, vị đại biểu Bình Phước thẳng thắn.

Doanh nghiệp vẫn gặp rào cản với vốn vay

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng An ninh, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cũng nhấn mạnh là, doanh nghiệp đang rất khát vốn tín dụng, nhưng không tiếp cận được vốn, nếu có tiếp cận được thì rất khó để giải ngân do điều kiện vay và thủ tục.

“Tôi đánh giá cao trách nhiệm của Chính phủ khi phải dùng cả mệnh lệnh hành chính để yêu cầu giảm lãi suất (mặc dù vẫn còn cao), tuy nhiên, việc giảm lãi suất không quan trọng bằng tiếp cận được vốn và đưa nguồn vốn đó vào sản xuất, kinh doanh. Việc giảm lãi suất và đơn giản điều kiện, thủ tục vay cần thực chất để vốn đến đúng, trúng và trực tiếp đến với doanh nghiệp”, ông An thẳng thắn.

Cùng quan điểm, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) khẳng định, hiện nay, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận với vốn vay.

Một trong các nguyên nhân, theo đại biểu là, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn vay, vì không còn tài sản đảm bảo hoặc tình hình tài chính yếu kém. Nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển sang nhóm nợ xấu do ngân hàng vẫn phải đảm bảo khả năng thanh toán tài sản thế chấp.

Đại biểu Tô Ái Vang cho rằng, dù Ngân hàng Nhà nước buộc phải quy định trần room tín dụng, tuy nhiên, tỷ lệ bắt buộc mà mỗi ngân hàng phải đảm bảo chính là hệ số an toàn trong các lĩnh vực cùng với dự trữ bắt buộc đã giúp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát lạm phát. Do đó, chỉ cần Ngân hàng Nhà nước sử dụng nhiều công cụ dự trữ bắt buộc cùng với áp dụng quy định hệ số an toàn kèm theo thì đã giúp các ngân hàng tự điều chỉnh mà không lệ thuộc quá nhiều vào trần room tín dụng.

“Vì thế, Ngân hàng Nhà nước cần có phương thức điều hành linh hoạt, đó là giao tổng room từ đầu năm và điều hành trên cơ sở kế hoạch được lập ra bởi sự thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng, tránh tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc là bị siết lại một cách đột ngột, làm cho doanh nghiệp có thể đi đến vỡ kế hoạch trong đầu tư hoặc là trong sản xuất, kinh doanh”, vị đại biểu Sóc Trăng nêu quan điểm.

Vẫn theo đại biểu Vang, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.

Dẫn kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hoà) nhấn mạnh những khó khăn hàng đầu mà doanh nghiệp gặp phải là tiếp cận tín dụng có nhiều trở ngại, bao gồm cả tín dụng, nguồn vốn, lãi suất ưu đãi của Chính phủ và nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông nhấn mạnh, đây cũng là một trong những yếu tố làm cho doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phá sản, giải thể, bán lại doanh nghiệp.

Cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng, đại biểu Trí đề nghị.

Thay đổi văn hóa “doanh nghiệp phải đi xin, đi chạy”.

- Đại biểu Trịnh Xuân An

Cùng với tín dụng, cần tiếp tục khơi thông các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu và chứng khoán, đồng thời cần tiếp tục rà soát thể chế, đơn giản thủ tục hành chính một cách thực chất hơn và đặc biệt cần thay đổi văn hóa “doanh nghiệp phải đi xin, đi chạy”. Chính quyền, nhà quản lý cần thể hiện thái độ “phụng sự doanh nghiệp”, chủ động, thực tâm, thực lòng đến với doanh nghiệp để gỡ khó. Những việc gì cần làm để hệ thống doanh nghiệp phát triển thì nên làm ngay, quyết định ngay, bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ, ngành, đến khi giải quyết được thì doanh nghiệp “đã gần đất xa trời”.

Tin bài liên quan