Sacombank cho biết, trong năm nay, Ngân hàng sẽ dành 1.500 tỷ đồng để cho vay bình ổn giá, lãi suất 6%/năm

Sacombank cho biết, trong năm nay, Ngân hàng sẽ dành 1.500 tỷ đồng để cho vay bình ổn giá, lãi suất 6%/năm

Giảm lãi suất, khó nhưng có thể làm được

(ĐTCK) Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, tín dụng có thể bắt đầu tăng lên kể từ tháng 3 tới và khả năng cả năm 2014 sẽ cố gắng đạt mức tăng trưởng 12 - 13%. Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng này, các ngân hàng cần phải chủ động hơn nữa trong việc kết nối cung - cầu vốn.

Nỗ lực giảm thêm 1 - 2% lãi suất cho vay

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tổ chức sáng 27/2 tại TP. HCM, ông Bình cho rằng, CPI cả nước 2 tháng đầu năm đang ở mức thấp, khoảng 7% so với cùng kỳ, từ đây, việc kiểm soát lạm phát thấp là có thể làm được. Trong xu hướng lạm phát giảm, ngân hàng có thể đi trước một bước bằng cách giảm lãi suất cho vay. Trong đó, với chương trình kết nối cung - cầu vốn đang được triển khai trên địa bàn TP. HCM, lãi suất cho vay ưu đãi tối đa không quá 9%/năm và phổ biến 8 - 8,5%/năm là đã phù hợp. Tuy nhiên, đối với lãi suất cho vay ngắn hạn, các ngân hàng nên xem xét giảm thêm, còn 7 - 8%/năm chẳng hạn.

Với lãi suất cho vay bình ổn 6%/năm mà một số ngân hàng đang triển khai, Thống đốc cũng đề nghị các NHTM xem xét giảm thêm ít nhất 0,5%/năm và có thể xuống mức 5%/năm vào cuối năm.

Với các khoản cho vay trung, dài hạn, lãi suất cũng chỉ nên xoay quanh 10%/năm, ông Bình phát biểu.

“Có thể nhiều ngân hàng sẽ cảm thấy điều này khó thực hiện vì lãi suất ngân hàng đang áp dụng đã là một sự nỗ lực trong hoạt động kinh doanh… Tuy nhiên, các ngân hàng hoàn toàn có khả năng giảm thêm được”, ông Bình nói.

Cũng theo Thống đốc, không phải đến thời điểm này lãi suất cho vay mới kỳ vọng về 5%/năm mà trong gói vốn hỗ trợ mua nhà, các ngân hàng quốc doanh đã chủ động đưa lãi suất xuống 5% trong năm nay.

“NHTM Nhà nước đã đi tiên phong trong việc giảm lãi suất và làm được thì NHTMCP cũng nên làm theo, việc giảm 0,5 - 1 điểm phần trăm để đưa lãi suất xuống 5%/năm, theo tôi là không quá khó”, Thống đốc nói.

Trong năm qua, các NHTM trên địa bàn TP. HCM đã vào cuộc chia sẻ bình ổn giá chung của Thành phố bằng các gói ưu đãi lãi suất 6%/năm, giúp tín dụng trên địa bàn tăng trưởng ấn tượng.

Ông Trịnh Ngọc Khánh, Tổng giám đốc Agribank cho biết, tham gia chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo chủ trương của UBND TP. HCM và NHNN chi nhánh TP. HCM, Agribank cũng đã chỉ đạo các chi nhánh chủ động tìm hiểu, hỗ trợ vốn kịp thời cho nhiều doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi. Tổng số vốn Agribank cung ứng qua chương trình này là 3.104 tỷ đồng, với 120 khách hàng được hỗ trợ, chiếm 25% trong số vốn hỗ trợ cho chương trình trên toàn địa bàn. Lãi suất Ngân hàng áp dụng thông qua chương trình này dao động từ 7 - 9%/năm.

Tổng giám đốc Sacombank, ông Phan Huy Khang cho biết, trong năm nay, Ngân hàng cũng sẽ dành 1.500 tỷ đồng để cho vay bình ổn giá, lãi suất 6%/năm. Đồng thời, Sacombank cũng sẽ đẩy mạnh việc cung ứng vốn cho khách hàng thông qua chương trình kết nối cung - cầu vốn trên địa bàn TP. HCM.

Chủ động kích cầu vốn

Để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng đưa ra cho năm nay, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, các ngân hàng cần tích cực hơn nữa trong việc kết nối cung - cầu vốn.

“Từ kết quả đạt được của chương trình kết nối cung - cầu vốn trên địa bàn TP. HCM, có thể thấy, trước đây, tính năng động, chủ động và tham gia vào phát triển kinh tế địa phương của NHNN chi nhánh tỉnh, thành nói riêng và NHNN là chưa cao. Điều đó cũng có nghĩa là tính lan tỏa của chính sách chưa tốt. Nhưng với kết quả đạt được qua chương trình kết nối cung - cầu vốn, vấn đề này phần nào đã được cải thiện”, ông Bình nhấn mạnh.

Mặc dù chưa tiết lộ quy mô cụ thể về chương trình kết nối ngân hàng với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng để kích cầu và giải quyết tồn kho, ông Bình cho biết, đầu tháng 3 tới, ngành ngân hàng sẽ cùng với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tổ chức một hội nghị lớn về kết nối cung - cầu.

Ngoài chương trình kích cầu tín dụng để giải phóng tồn kho cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay, 12 - 13%, ngay từ những ngày đầu năm, ngành ngân hàng đã bắt tay vào việc. Trong đó, phải kể đến là chương trình kết nối cung - cầu vốn đã được triển khai trên địa bàn TP. HCM, với 20.000 tỷ đồng dự kiến cho năm nay (năm 2013 giải ngân 13.000 tỷ đồng) và sắp tới sẽ nhân rộng trên toàn quốc.

Một đối tượng nữa cũng được Thống đốc lưu ý ngân hàng hỗ trợ cho vay là tiểu thương. Đối với các khách hàng này, lãi suất là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là làm sao để họ tiếp cận được vốn ngân hàng. Cho vay đối tượng này không chỉ mang ý nghĩa giải ngân, giúp tăng trưởng tín dụng, mà còn giảm bớt được tình trạng tín dụng đen.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM cho biết, đơn vị sẽ tổ chức chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2014 thành 2 đợt. Đợt 1 trong khoảng thời gian từ tháng 3 - 8/2014; đợt 2 vào khoảng tháng 9 - 12/2014.

Tuy nhiên, Thống đốc Bình cho rằng, năm nay Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn 2013, khoảng 5,8%. Để đạt được, theo Thống đốc, các tổ chức tín dụng nên gấp rút xem xét việc điều chỉnh lãi suất hoặc thực hiện kết nối ngay trong quý I để doanh nghiệp sớm triển khai mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Tin bài liên quan