Nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp tăng dần sau khi bị gián đoạn kinh doanh do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Dũng Minh

Nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp tăng dần sau khi bị gián đoạn kinh doanh do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Dũng Minh

Giảm lãi suất cho vay cần tới “cây gậy”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi suất huy động chưa đáp ứng được nhu cầu của người gửi tiền khiến lãi suất cho vay khó có thể giảm nếu cơ quan quản lý không có “biện pháp mạnh”.

Lãi suất huy động đang ở đáy, dòng tiền chuyển hướng đầu tư

Ông N.V.Khoan ở đường Nguyễn Thị Định, quận Cầu Giấy, Hà Nội, một cán bộ hưu trí kể, hai vợ chồng có khoản tiền tiết kiệm đưa con gái tính toán đầu tư chỗ nào vừa sinh lời mà an toàn thì được đưa ra một ngân hàng ngay gần nhà để gửi tiết kiệm. Dù kỳ hạn 6 tháng với lãi suất gần 7%/năm được con gái bảo đây là ngân hàng có lãi suất cao nhất thị trường, nhưng tin nhắn về trái phiếu Tân Hoàng Minh có tài sản bảo đảm và lãi suất 6 tháng là 8,5%/năm cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn khiến ông Khoan “sốt ruột”.

“Biết là trái phiếu có rủi ro nhất định, nhưng có lẽ tôi sẽ tự mình đi rút tiết kiệm để mua trái phiếu, chứ nói việc này với con gái thì kiểu gì cũng bị ngăn cản”, ông Khoan chia sẻ.

Chị Trịnh Thanh ở Quận 1, TP.HCM nêu quan điểm: “Bây giờ nên đầu tư vào bất động sản, chứ lạm phát đang tăng, đồng tiền mất giá, gửi tiết kiệm ngân hàng có lãi suất thấp nên tiền lãi không đáng kể”.

Theo chị Thanh, không phải đầu tư vào bất động sản theo kiểu “đến cuối năm giá sẽ tăng”, mà cần lựa chọn tài sản đó có khả “tăng giá ngay và luôn”. Từ Tết 2022 đến nay, chị liên tục mua đi bán lại các mảnh đất và lãi 3 tỷ đồng.

Thực tế, nhiều nơi đang “sốt” đất. Đặc biệt, tại các tỉnh như Bình Thuận, Phan Thiết… có tình trạng người dân chờ đợi để công chứng giấy tờ nhà đất từ sáng đến tối.

“Người bán sẵn sàng đền cọc nhằm bán cho người khác được giá hơn, khiến người mua phải chi thêm từ 50 - 100 triệu đồng để giữ đất là chuyện bình thường”, chị Thanh cho hay.

Một nhóm nhà đầu tư chứng khoán cho biết, tiền nhàn rỗi đã được sử dụng để đầu tư chứng khoán từ một năm trước và trung bình mỗi tháng lãi 15 - 20 triệu đồng.

“Đầu tư chứng khoán gần như lúc nào cũng phải cắm mặt vào cái điện thoại hay máy tính để phân tích cổ phiếu và theo dõi thị trường, nhưng tính ra thì gửi tiết kiệm ngân hàng làm sao lãi được như thế”, một nhà đầu tư nói.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 12/2021, tổng tiền gửi cư dân (không tính tổ chức, doanh nghiệp) vào hệ thống ngân hàng đạt 5,3 triệu tỷ đồng, tăng so với con số 5,125 triệu tỷ đồng thời điểm tháng 1/2021. Tuy nhiên, số liệu cả năm 2021 cho thấy, huy động tiền gửi từ dân cư khá “lình xình”, trung bình chỉ đạt 5,268 triệu tỷ đồng.

Giám đốc nguồn vốn một ngân hàng thương mại nhìn nhận: “Tiền không vào ngân hàng rồi từ đó đi vào sản xuất, mà đầu cơ hết vòng này, vòng khác vào bất động sản sẽ là một áp lực cho việc tăng lãi suất huy động”.

Sau củ cà rốt là cây gậy?

Vị giám đốc nguồn vốn trên nhận định, mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp đã được duy trì một thời gian dài nên xu hướng trong thời gian tới là lãi suất sẽ tăng, bởi áp lực lạm phát đang hiện hữu.

Hạ lãi suất cho vay chủ yếu tập trung tại các ngân hàng có vốn nhà nước, còn các ngân hàng tư nhân không mấy mặn mà.

“Lạm phát không thể bùng lên quá cao bởi cơ quan quản lý sẽ kiểm soát, nhưng áp lực lạm phát là rất rõ ràng, bên cạnh đó còn có câu chuyện nhập khẩu lạm phát, lãi suất đang tăng tại các quốc gia khác”, vị giám đốc nói.

Về lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng phấn đấu giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1%/năm trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Một chuyên gia tài chính cho rằng, lãi suất tiền gửi đang ở mức thấp, một bộ phận lớn dân cư là những người về hưu, chi tiêu hàng tháng có một phần không nhỏ là khoản lãi tiền gửi tiết kiệm. Do đó, nếu ngân hàng cắt giảm lãi suất huy động sẽ ảnh hưởng đến câu chuyện an sinh của người dân. Cơ quan quản lý cần cân đối giữa câu chuyện an sinh của người gửi tiền và người vay tiền, giảm lãi suất điều hành tiếp là điều không nên, bởi động thái này trong thời gian qua đã tạo ra chênh lệch lợi ích quá nhiều.

“Hạ lãi suất cho vay là việc có thể làm được trên cơ sở có sự “ép” của Ngân hàng Nhà nước. Ví dụ, các ngân hàng thương mại tự cân đối để được nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) thì phải giảm lãi suất cho vay. Câu chuyện này thực tế đã diễn ra từ cuối năm ngoái, nhưng việc các ngân hàng thương mại có chí thú tham gia hay không là câu chuyện khác. Theo tôi quan sát, hạ lãi suất cho vay chủ yếu tập trung tại các ngân hàng có vốn nhà nước, còn các ngân hàng tư nhân không mặn mà. Đã đến lúc, cơ quan quản lý cần có động thái mạnh mẽ hơn, thay vì chỉ có củ cà rốt”.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại phụ trách khối nguồn vốn đánh giá, mục tiêu giảm lãi suất cho vay của cơ quan quản lý không khó thực hiện. Lãi suất huy động đang ở vùng đáy, không thể giảm thêm, nhưng có thể “ép” giảm lãi suất cho vay, bởi có “cửa” cắt biên lợi nhuận ngân hàng. Thay vì có biên lợi nhuận 4 - 4,5% thì giảm 0,5 - 1% trong 2 năm. Nếu ngân hàng muốn giữ được biên lợi nhuận thì phải cơ cấu lại kỳ hạn để lãi suất bình quân được duy trì ở mức thấp. Nói cách khác, ngân hàng cần tận dụng nguồn vốn giá rẻ để kéo lãi suất bình quân xuống.

Ví dụ, trước đây, tiền gửi không kỳ hạn chiếm 20%, bây giờ đẩy lên 25%, nên lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dù nhích lên, nhưng do cơ cấu thay đổi, lãi suất bình quân vẫn sẽ được giữ, qua đó có dư địa để giảm lãi suất cho vay.

“Tuy nhiên, phải rất “khéo” khi thực hiện điều này, bởi liên quan đến bài toán thanh khoản, do tiền gửi kỳ hạn càng ngắn thì tính lỏng càng cao, đòi hỏi quản lý thanh khoản tốt”, vị phó tổng giám đốc nhấn mạnh và cho rằng, với tình hình hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động dự kiến sẽ tăng, nhưng không nhanh, Ngân hàng Nhà nước vẫn đạt được mục tiêu hạ lãi suất cho vay 0,5 - 1%/năm. Bởi lẽ, cơ quan này có nhiều công cụ để giải quyết vấn đề và nới hạn mức tăng trưởng tín dụng chỉ là một ví dụ.

Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho rằng, việc cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và ổn định giá cả là một thách thức mà Việt Nam phải đối mặt. Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục áp dụng hướng tiếp cận linh hoạt trong năm nay, nhưng cần cẩn trọng trước rủi ro lạm phát. Ngân hàng Nhà nước có khả năng duy trì lãi suất chính sách ở mức 4% trong năm 2022 để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, kiểm soát lạm phát và thực hiện bình thường hóa chính sách vào năm 2023 với việc tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 4,5% vào quý IV/2023.

“Sự thay đổi của các quốc gia trên thế giới theo hướng thắt chặt chính sách tiền tệ cũng có thể sẽ tác động đến chính sách của Ngân hàng Nhà nước”, bà Michele Wee lưu ý.

Trong diễn biến có liên quan, thống kê thị trường tiền tệ tuần từ 14 - 18/3/2022 cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đã bơm 411 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm, trong khi đó có 678 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Tổng lượng tín phiếu đang lưu hành ghi nhận ở mức 1.430 tỷ đồng. Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng hầu như đi ngang, kỳ hạn qua đêm ở mức 2,26%/năm (tăng 1 điểm cơ bản), kỳ hạn 1 tuần ở mức 2,44%/năm (tăng 5 điểm cơ bản).

Một số chuyên gia phân tích dự báo, lãi suất liên ngân hàng sẽ thiết lập mặt bằng mới, cao hơn nhiều so với bình quân trong năm 2021 dưới áp lực của tín dụng hồi phục. Mức tăng lãi suất sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng hồi phục kinh tế và diễn biến lạm phát, nhưng dư địa giảm lãi suất cho vay vẫn còn.

Tin bài liên quan