Phó Thống đốc Đào Minh Tú

Phó Thống đốc Đào Minh Tú

Giảm lãi suất: Chỉ đạo chứ không phải là kêu gọi; sẽ giám sát và có cơ chế thưởng, phạt

0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo NHNN yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất huy động và cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Ngân hàng nào khó khăn thì báo cáo để NHNN có giải pháp hỗ trợ.

Phát biểu tại Hội nghị bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh sáng nay (15/12/2022), Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước hôm nay đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

''Đây là chỉ đạo chứ không phải kêu gọi. Tinh thần tiết giảm chi phí, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp là chỉ đạo của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước. Còn ngân hàng nào khó khăn không làm được thì báo cáo NHNN để chúng tôi có biện pháp hỗ trợ'', Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Các biện pháp hỗ trợ ở đây, theo lãnh đạo NHNN, là hỗ trợ thông qua các công cụ như OMO, cho vay tái cấp vốn, Swap ngoại tệ.

Theo Phó Thống đốc, giảm lãi suất không thể để các ngân hàng rơi vào tình trạng suy yếu về mặt năng lực tài chính, giảm lãi suất để các ngân hàng lỗ và tạo ra bất cập về cơ chế điều hành chung. Nhưng ngược lại, không thể để lãi suất tăng đến mức gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân… Giảm lãi suất quan trọng nhất là cắt giảm chi phí hoạt động và lợi nhuận, và cổ đông phải chia sẻ. Tránh việc ngân hàng báo lãi cao trong khi nền kinh tế gặp khó khăn.

Tại Hội nghị sáng nay, Hiệp hội Ngân hàng cũng cho biết hiện đã có 16 ngân hàng đã cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5% - 3%/năm .

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội cho biết, hiện đã có 100% hội viên của Hiệp hội ngân hàng đồng thuận ở cả hai nội dung.

Thứ nhất, đồng thuận huy động lãi suất tiền gửi cao nhất chỉ ở mức cao nhất 9,5% trên tất cả các kỳ hạn trong đó ko được thưởng liên quan đến lãi suất. Điều này sẽ ngăn chặn tình trạng cạnh tranh lãi suất huy động giữa cá tổ chức tín dụng.

Thứ hai, bên cạnh đồng thuận giảm lãi suất huy động về tối đa 9,5%/năm, các tổ chức tín dụng cũng rất đồng thuận ngoài việc đảm bảo giảm lãi suất cho vay tối đa 0,5-2% tùy theo khả năng tài chính của mỗi đơn vị. Tại cuộc họp sáng nay, một số tổ chức tín dụng đã khẳng định không để thiếu vốn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đủ điều kiện, kể cả cá nhân.

Liên quan đến thanh khoản hiện nay, ông Hùng khẳng định thanh khoản tổng thể toàn hệ thống không thiếu. Tuy vậy, vẫn còn “chỗ này, chỗ kia thiếu thanh khoản và đôi lúc sự tin tưởng lẫn nhau giữa các TCTD không được như trước dẫn đến thị trường liên ngân hàng có lúc bị chao đảo thậm chí hoạt động không được thông suốt như trước

“Có lúc, có nơi, tình trạng thiếu thanh khoản nhất thời đã xảy ra. Tuy nhiên, NHNN đã nhận thấy và kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp như cho vay qua thị trường mở, thị trường liên ngân hàng. Hoạt động bơm vốn kịp thời, hài hòa của NHNN đã đảm bảo thanh khoản hệ thống ổn định. Dù vậy, chúng tôi cũng cảnh báo các tổ chức tín dụng từ nay đến cuối năm phải tập trung củng cố thanh khoản và mong muốn NHNN tiếp tục hỗ trợ thêm về thanh khoản cho hệ thống thông qua các công cụ khác nhau, khi đó ngân hàng mới có nhiều nguồn lực để hỗ trợ vốn cho nền kinh tế”, ông Hùng nói.

Nhằm đảm bảo các ngân hàng thực hiện nghiêm túc cam kết đồng thuận, Hiệp hội cho biết sẽ phối hợp các cơ quan chức năng của NHNN theo dõi đánh giá tổng kết qua trình tổ chức thực hiện đối với ngân hàng cam kết. Từ kết quả thực hiện cam kết này để đề xuất chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho các ngân hàng trên cơ sở khuyến khích các đơn vị thực hiện nghiêm túc đồng thuận giảm lãi suất cũng như thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, NHNN.

Mới đây, NHNN đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo lãi suất tiền gửi và cho vay của các giao dịch phát sinh mới trong kỳ báo cáo hàng tuần. Mục đích của yêu cầu này, theo Ngân hàng Nhà nước, là để phục vụ việc quản lý hoạt động ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ . Nếu ngân hàng thương mại có quyết định thay đổi về mức lãi suất trong kỳ báo cáo tuần thì phải gửi quyết định điều chỉnh lãi suất cho Ngân hàng Nhà nước.

Tin bài liên quan