Theo giới chuyên gia, việc hạ lãi suất sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng, nên trong bối cảnh chi phí đầu vào còn cao như hiện tại, rất khó để tất cả ngân hàng có thể đồng loạt thực hiện chủ trương này.
5 “ông lớn” tuyên bố giảm lãi suất
Kể từ ngày 15/1/2018, BIDV điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam xuống mức tối đa 6%/năm, áp dụng đối với khách hàng thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, trong đó chú trọng vào các khách hàng tốt, có tình hình tài chính minh bạch lành mạnh, đang hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Ngày 11/1/2018, VPBank đã thông báo sẽ giảm lãi suất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hoạt động tốt trong các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các SME nói riêng và tăng trưởng của nền kinh tế nói chung trong năm 2018. Theo đó, lãi suất dành cho các SME hoạt động tốt trong những lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên phát triển như hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo và môi trường sẽ giảm từ 0,5-1%/năm.
Như vậy, đã có thêm 2 ngân hàng chính thức thông báo giảm lãi suất sau khi 3 “ông lớn” Agribank, VietinBank và Vietcombank tuyên bố hạ lãi suất theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 1/1/2018 và định hướng điều hành của Thống đốc NHNN, với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp.
Xung quanh câu chuyện hạ lãi suất, ông Đào Gia Hưng, Phó giám đốc Khối SME của VPBank cho biết thêm, lãi suất thông thường của khách hàng ưu tiên của VPBank hiện là 7%/năm khi áp dụng mức giảm lãi suất tối đa có thể hưởng mức 6%/năm đối với khoản vay ngắn hạn. Còn lãi suất trung-dài hạn cao hơn từ 2-3%/năm tùy theo từng dự án, định mức tín nhiệm của doanh nghiệp, nên lãi suất sẽ vào khoảng 8-9%/năm.
Về mức hạ lãi suất, ông Hưng chia sẻ, sẽ ưu tiên các khoản vay mới đáp ứng đúng chủ trương của Chính phủ mở rộng sản xuất-kinh doanh, thậm chí là doanh nghiệp thành lập mới. Các khoản vay cũ cũng có thể xem xét được giảm lãi suất, nhưng còn tùy thuộc vào điều kiện của sản phẩm…
Trả lời câu hỏi về việc dưa trên cơ sở nào, các ngân hàng có thể hạ lãi suất, ông Hưng cho rằng, đây là bài toán kinh doanh, nên về cơ bản, các ngân hàng đã có sự tính toán mới có thể đưa ra một mức lãi suất giảm theo chủ trương của Chính phủ. Ngân hàng sẽ bố trí nguồn vốn rẻ tương ứng để đáp ứng cho vay nhóm khách hàng này. Đây là sự cân đối thông thường của các ngân hàng để đảm bảo khi cho vay ra vẫn đảm bảo có lợi nhuận.
Bên cạnh đó, trong ngân hàng còn có thuật ngữ là “bán chéo”, nghĩa là khi thu hút khách hàng ưu tiên, khách hàng có thể sử dụng thêm các sản phẩm, dịch vụ khác của ngân hàng…, là cơ hội mở rộng sản phẩm và thu thêm một khoản phí nhỏ, gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng. Đó là những nguyên nhân để có thể hạ lãi suất xoay quanh bài toán kinh doanh của ngân hàng trên cơ sở có tính toán cụ thể.
“Đối với VPBank, việc hạ lãi suất cho các doanh nghiệp nằm trong nhóm ngành ưu tiên có thuận lợi hơn, bởi Ngân hàng có một số quỹ hỗ trợ về nguồn vốn, ví dụ như Quỹ hỗ trợ SME của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, quỹ này hỗ trợ ngân hàng nguồn vốn và lãi suất để ngân hàng cho vay khách hàng nằm trong danh mục nhóm ngành ưu tiên”, ông Hưng nói.
Ngân hàng nhỏ khó “đu” theo
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, việc hạ lãi suất trên thực tế thời điểm hiện nay chỉ có những ngân hàng lớn mới thực hiện được, còn những ngân hàng nhỏ khó theo được chủ trương này. Nguyên do là bởi từ nay đến Tết Âm lịch, thanh khoản thường sẽ căng, nên ngân hàng sẽ phải huy động vốn với lãi suất cao. Do đó, nếu không có phương án cụ thể để giảm lãi suất cho vay mà giảm đột ngột, ngân hàng sẽ lỗ.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết: “Để giảm được lãi suất cho vay, phải giảm được lãi suất huy động, trong khi hiện tại, lãi suất huy động khó để giảm thêm. Bên cạnh đó, tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng cũng đang ở mức thấp, nên cũng khó có cửa hạ lãi suất. NIM vốn đã thấp, đẩy xuống thấp nữa, ngân hàng có khả năng lỗ và có thể không đủ bù trừ cho nợ xấu”.
Theo khuyến cáo của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm thế giới, để hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) phát triển lành mạnh, hệ số NIM phải đạt ít nhất là 3,5%. Trong khi đó, NIM của các ngân hàng thương mại Việt Nam ước tính đến tháng 11/2017, theo thống kê của NHNN, chỉ đạt khoảng 2,82%, thấp hơn khuyến cáo, đồng thời thấp hơn một số nước trong cùng khu vực như Thái Lan (3,07%),
Indonesia (5,82%), Philippines (3,58%)…
“Thông thường, NIM đạt khoảng tối đa 2,5%, nếu lãi suất cho vay giảm đồng đều 0,5%/năm cho tất cả các khoản vay, lợi nhuận các ngân hàng có thể giảm khoảng 30%. Tuy nhiên, lãi suất cho vay nếu chỉ giảm ở một vài đối tượng ưu tiên, thì lợi nhuận của các ngân hàng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều”, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Còn theo ông Đào Gia Hưng, ngân hàng hạ lãi suất trên cơ sở có sự tính toán, nên cơ bản không giảm nhiều lợi nhuận, bởi còn phụ thuộc vào câu chuyện thu nhập tương lai nhận được. Chẳng hạn, giảm lãi suất thì khách hàng tăng lên bao nhiêu, dư nợ tăng lên bao nhiêu, bán chéo thêm được bao nhiêu…? Do vậy, về cơ bản, lợi nhuận không giảm nhiều khi hạ lãi suất.
Theo nhận định của ông Hiếu, sau Tết Nguyên đán, thanh khoản sẽ dịu đi, các doanh nghiệp, cá nhân lại gửi tiền về ngân hàng. Lúc đó, không chỉ các ngân hàng lớn, mà các ngân hàng nhỏ cũng có thể hạ được lãi suất cho vay.
Từ ngày 10/7/2017, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, trên cơ sở diễn biến lạm phát có chiều hướng tăng chậm và có khả năng kiểm soát theo mục tiêu 4% Quốc hội đề ra, hoạt động của các TCTD diễn biến tích cực, NHNN đã giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; chỉ đạo các TCTD nỗ lực tiết giảm chi phí để có cơ sở giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp.
Kết quả, các TCTD đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; tích cực giảm lãi suất thông qua một số chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm so với lãi suất trần cho vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực ưu tiên; giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm; áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, xếp hạng tín nhiệm cao khoảng 4-5%/năm.
Tính chung từ năm 2011 đến nay, lãi suất cho vay đã giảm thêm được khoảng 11-14%/năm, cao hơn mức giảm từ 7-10%/năm của lãi suất huy động.
Năm 2018, NHNN cho biết, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để chủ động điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ của chính sách tiền tệ, trong đó điều hành lãi suất cân đối với vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ.
Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát thấp hơn mục tiêu, thị trường tài chính ổn định và kinh tế vĩ mô thuận lợi, NHNN sẽ điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, thực hiện các giải pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay trên cơ sở đảm bảo an toàn và lành mạnh tài chính.