Giảm kỳ vọng về tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm

Giảm kỳ vọng về tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong nửa đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng đã cho dấu hiệu phục hồi, nhưng đà tăng đang có dấu hiệu chậm lại trong tháng 6/2021 khi đại dịch Covid-19 tái bùng phát. Các ngân hàng vẫn kỳ vọng sớm được nới room, kích cầu tín dụng.

Giảm kỳ vọng về tăng trưởng tín dụng

Vụ Dự báo, thống kê - NHNN vừa công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý III/2021.

Theo đó, tại thời điểm cuối quý II/2021, nhu cầu tổng thể của khách hàng được các TCTD nhận định ở mức khá, trong đó, nhu cầu vay vốn và thanh toán cải thiện mạnh hơn quý trước, nhu cầu gửi tiền tiếp tục cải thiện nhưng tốc độ chậm lại.

Các TCTD tiếp tục kỳ vọng lạc quan đối với nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng trong quý III/2021 và cả năm 2021, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng "tăng" nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

Nhưng điểm đáng chú ý, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các TCTD dự báo tăng 4,7% trong quý III/2021 và tăng 13,1% trong năm 2021, điều chỉnh giảm so với mức kỳ vọng 14,7% tại kỳ điều tra trước.

Cơ bản các nhóm TCTD đều điều chỉnh giảm mức dự báo tăng trưởng tín dụng của đơn vị mình trong năm 2021 so với kỳ vọng tại kỳ điều tra trước do quan điểm thận trọng hơn trước tác động khó lường của dịch bệnh Covid-19 trong nửa cuối năm 2021.

Tín dụng sẽ chậm lại vì làn sóng Covid thứ 4

Báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, trong tháng 6/2021, các khoản vay mới tiếp tục được mở rộng nhưng với tốc độ chậm hơn so với tháng trước do đợt bùng phát dịch Covid-19 mới.

Theo các chuyên gia phân tích VDSC, trong các tháng 4 và 5, các ngân hàng tiếp tục hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Số lượng khách hàng được cơ cấu lại nợ hoặc hỗ trợ trả nợ/lãi không thay đổi nhiều so với đầu tháng 4 năm 2021.

NHNN cho biết, sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ để tiếp sức cho nền kinh tế trong bối cảnh phức tạp của đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo VDSC, tốc độ tăng cung tiền chậm lại cho thấy, NHNN chưa sử dụng đến biện pháp bơm thanh khoản trên diện rộng và vẫn tập trung vào mục tiêu mở rộng tín dụng có chọn lọc.

Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay, thời gian tới sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế.

Tín dụng tăng trưởng theo hướng mở rộng, tập trung cho vay với lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, kinh doanh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 21/6/2021, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,47% (cùng thời điểm năm 2020 chỉ tăng 2,45%). Còn theo NHNN, tính đến 15/6, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 5,1% (cùng kỳ là 2,26%).

Tại một cuộc họp báo mới đây, lãnh đạo NHNN còn cho biết đang có 10 ngân hàng đề xuất nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và NHNN vẫn đang cân nhắc đề xuất này.

Được biết, NHNN sẽ căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng tổ chức tín dụng để xếp hạng A, B, C… và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng linh hoạt.

Tin bài liên quan