Đây là lần thứ 2 trong lịch sử điều hành xăng dầu, mặt hàng chiến lược này được điều chỉnh giảm giá

Đây là lần thứ 2 trong lịch sử điều hành xăng dầu, mặt hàng chiến lược này được điều chỉnh giảm giá

Giảm giá xăng, dầu: Thuốc tốt, kê đúng thời điểm!

(ĐTCK-online) Giá xăng các loại và dầu hoả bán lẻ đã đồng loạt giảm 1.000 đồng/lít kể từ 10 giờ sáng hôm qua, ngày 14/8. Đây là lần thứ 2 trong lịch sử điều hành xăng dầu, mặt hàng chiến lược này được điều chỉnh giảm giá. Mặc dù mức giảm giá không được như kỳ vọng của người tiêu dùng, nhưng có thể thấy, liên bộ Tài chính - Công thương đã thực hiện đúng "cam kết" là điều hành đúng theo cơ chế thị trường: giá thế giới tăng thì tăng giá bán lẻ và ngược lại.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với giá dầu thô trên thị trường thế giới hiện nay và giá bán lẻ xăng dầu trước thời điểm 10 giờ ngày 14/8, sau khi trừ mọi chi phí, các đầu mối kinh doanh xăng dầu có lãi ròng 2.400 đồng/lít xăng dầu. Như vậy, sau khi giảm giá bán 1.000 đồng/lít thì DN vẫn còn lãi 1.400 đồng/lít. Điều này khiến người tiêu dùng băn khoăn, vì khi giá thế giới tăng, giá xăng dầu trong nước "được tính đúng, tính đủ", nhưng khi giá thế giới xuống, việc điều chỉnh giảm chỉ được thực hiện "nhỏ giọt".

"Vì sao liên bộ chỉ quyết định giảm giá 1.000 đồng/lít, mà không giảm mạnh hơn để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng?". Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà lý giải, việc điều chỉnh tăng giá ngày 21/7/2008 (giá xăng tăng 4.500 đồng/lít, dầu hoả tăng 6.100 đồng/lít) là phù hợp, do những tháng trước đây, để bảo đảm kiềm chế lạm phát, tạo điều kiện cho DN hoạt động sản xuất - kinh doanh nên Chính phủ đã cố gắng "kìm" giá xăng dầu ở mức quá thấp trong khoảng thời gian dài. Mặc dù từ cuối tháng 7 trở lại đây, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã giảm mạnh, từ mức bình quân 140 USD/thùng xuống còn dưới 120 USD/thùng, nhưng việc giảm 1.000 đồng mỗi lít xăng, dầu hoả cũng phù hợp. "Mức giảm này đã được liên bộ Tài chính - Công thương tính toán, cân nhắc trên cơ sở giá thực tế, giá dự báo trong thời gian tới và mức lãi của các đầu mối nhập khẩu", ông Hà giải thích và cho biết, số lãi mà các DN đầu mối nhận được từ việc giá bán giảm không tương xứng với giá nhập khẩu sẽ được sử dụng bù đắp phần lỗ kinh doanh xăng dầu 7 tháng đầu năm.

"Việc tăng hay giảm giá xăng dầu, tăng - giảm bao nhiêu, Chính phủ luôn căn cứ trên lợi ích chung của toàn xã hội, chứ không phụ thuộc vào lợi ích riêng của bất cứ đối tượng nào: ngân sách nhà nước - DN đầu mối nhập khẩu - người tiêu dùng - DN sản xuất, kinh doanh", Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú giải thích thêm. Theo ông Tú, giải bài toán xăng dầu phụ thuộc vào nhiều biến số chứ không chỉ dựa trên giá xăng dầu thế giới.

Thứ nhất, phải căn cứ vào định hướng điều hành kinh tế - xã hội, mà cụ thể là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Thứ hai, điều hành giá xăng dầu không thể ra ngoài vấn đề an ninh năng lượng quốc gia. "Chúng tôi phải tính toán làm sao việc cung ứng sản phẩm xăng dầu  bảo đảm đủ số lượng, chủng loại và cuối cùng mới là đưa ra mức giá hợp lý. Nếu chỉ có mức giá hợp lý mà không đủ chủng loại, số lượng thì an ninh năng lượng sẽ rơi vào khủng hoảng", ông Tú nói.

Giải thích tiếp về việc giá dầu thô và giá xăng dầu trên thị trường thế giới giảm mạnh trong thời gian vừa qua, nhưng việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước "không theo kịp", ông Tú cho biết, giá dầu thô và giá xăng dầu trên thị trường thế giới là một trong những biến số quan trọng, nhưng không phải cứ thế giới tăng - giảm bao nhiêu thì Việt Nam điều chỉnh bấy nhiêu, bởi sản phẩm xăng dầu tăng - giảm không tương ứng với tỷ lệ tăng - giảm của dầu thô. Bên cạnh đó, sản phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới tăng - giảm liên tục, nhưng khi nhập về đến Việt Nam phải mất ít nhất 20 ngày, nên không phải cứ thị trường thế giới giảm là thị trường Việt Nam giảm ngay tức khắc. "Việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu phải căn cứ vào giá thành (giá nhập khẩu, chi phí vận chuyển, bến bãi…) nhập về, chứ không chỉ căn cứ vào sự biến động giá tức thời trên một vài thị trường nào đó", ông Tú cho biết thêm.

Theo quy luật, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 hàng năm thường tăng rất cao so với mức tăng CPI trung bình của năm, do chuẩn bị bước vào năm học mới. Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, với mức giá xăng dầu cũ, tốc độ tăng CPI tháng 8 năm 2008 vào khoảng 1 - 1,5%. Chính vì vậy, việc giảm giá bán lẻ xăng dầu được xem là "liều thuốc hạ sốt" được kê đúng thời điểm. "Việc giảm giá xăng dầu trước mắt sẽ tác động ngay tới chỉ số CPI tháng 8 và tháng 9. Động thái này có tác động rất tốt tới hoạt động sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân, do nó ảnh hưởng tới tốc độ tăng CPI", ông Hà tin tưởng và cho biết, do ngành vận tải chịu tác động mạnh nhất bởi giá xăng dầu nên liên bộ Tài chính - Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, chỉ đạo các cơ quan chức năng làm việc với các đơn vị vận tải đăng ký lại mức cước phí vận tải cho phù hợp với giá xăng dầu mới.