Giảm giá xăng dầu chưa tác động tích cực ngay đến kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Theo quan điểm của TS. Đỗ Văn Sinh, nguyên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, xăng dầu giảm giá chưa tác động tích cực ngay đến nền kinh tế.

Sau khi tăng liên tục, cuối tuần trước, giá bán lẻ xăng dầu đã giảm lần thứ hai trong vòng 1 tháng qua. Theo ông, xăng dầu giảm giá tác động thế nào đến hoạt động sản xuất, kinh doanh?

Xăng dầu giảm 2 lần liên tiếp là tin vui đối với nền kinh tế, góp phần giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực giao thông (xăng dầu chiếm 65% chi phí), vốn là một trong những ngành bị tác động tiêu cực mạnh nhất do Covid-19 trong gần 2 năm qua. Tuy nhiên, mức độ tác động không lớn, bởi mặc dù giảm 2 lần, nhưng tổng cộng mỗi lít xăng RON 95 cũng chỉ giảm được 2.190 đồng, xăng E5 giảm 1.580 đồng; dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut cũng giảm loanh quanh ở mức này.

TS. Đỗ Văn Sinh, nguyên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

TS. Đỗ Văn Sinh, nguyên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Giảm ở đây là so với mức giá xăng dầu lập đỉnh trong vòng 7 năm qua được xác lập vào ngày 10/11/2021, còn so với mức giá bình quân trong vòng 2 năm trở lại đây thì giá bán lẻ xăng dầu hiện vẫn ở mức cao.

Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2020, giá bán lẻ xăng dầu bình quân 11 tháng của năm vẫn tăng khoảng 30% và hiện tại, sau đợt điều chỉnh giảm vào ngày 10/12/2021, mỗi lít xăng, dầu bán lẻ vẫn cao hơn 5.000 - 7.000 đồng so với 1 năm trước.

Hơn nữa, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh đang thích ứng dần với dịch bệnh, nhưng do Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, giao thông chỉ hoạt động cầm chừng nên tác động của việc giảm giá xăng dầu không lớn.

Giá bán lẻ xăng dầu giảm chỉ có tác động tích cực đến kiểm soát lạm phát, tuy nhiên, trong 11 tháng của năm, Chỉ số giá tiêu dùng bình quân mới tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, ngay cả không giảm giá xăng dầu thì lạm phát năm nay cũng chỉ vào khoảng 2%, bằng một nửa so với mức trần Quốc hội khống chế là 4%.

Việc giá dầu tăng liên tục và giữ ở mức cao, thưa ông, trên khía cạnh ngân sách nhà nước thì nền kinh tế được lợi, vì sau 11 tháng, thu từ dầu thô đã vượt dự toán?

Theo tôi được biết, trong 11 tháng của năm, dầu thô đóng góp vào ngân sách nhà nước 38.104 tỷ đồng, vượt 64% dự toán. Vượt dự toán là do giá dự toán thấp, chỉ có 45 USD/thùng, trong khi giá bán bình quân đạt khoảng 75 USD/thùng.

Song từ đầu năm đến nay, Việt Nam phải bỏ ra khoảng 3 tỷ USD để nhập khẩu xăng dầu thành phẩm về sử dụng, tăng 24%, nhưng khối lượng nhập về giảm khoảng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, giá xăng dầu tăng, rõ ràng nền kinh tế Việt Nam gặp bất lợi, mặc dù cũng là một trong những nước có hoạt động khai thác dầu thô.

Tăng thu được từ hoạt động khai thác dầu thô, nhưng dầu thô tăng thì giá bán lẻ xăng dầu tăng, chi phí của doanh nghiệp tăng, thu nhập chịu thuế giảm, nên đóng góp từ thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước giảm, cân đối lại thì số tăng thu thực tế từ hoạt động khai thác dầu thô thấp hơn nhiều.

Mặc dù giá xăng dầu đã giảm sau khi lập đỉnh vào ngày 10/11/2021, nhưng thị trường xăng dầu rất khó tiên lượng. Vì vậy, vẫn cần có Quỹ Bình ổn xăng dầu để điều tiết, thưa ông?

Trong hơn 1 năm vừa qua, gần như cứ sau mỗi nửa tháng, giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh tăng một lần và nếu không có Quỹ Bình ổn xăng dầu thì giá bán lẻ xăng dầu thực tế còn cao hơn vì cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Tài chính và Bộ Công thương) yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối xả quỹ nhiều hơn trích quỹ.

Tuy nhiên, đây chỉ là “giảm giá tâm lý” vì bản chất Quỹ Bình ổn xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, hoạt động dựa trên nguyên tắc “của ruộng đắp lên bờ”, lấy “mỡ nó rán nó”, sử dụng tiền của người tiêu dùng mua xăng dầu đưa vào quỹ và quỹ lại dùng tiền này bù đắp giá xăng dầu khi giá mặt hàng chiến lược này tăng cao. Giá xăng dầu nếu có giảm được nhờ động thái này thì cũng chỉ là giảm do tâm lý, người tiêu dùng không được lợi lộc gì.

Người tiêu dùng không được lợi thực sự nhờ Quỹ Bình ổn xăng dầu, vậy theo ông, ai là người được hưởng lợi?

Như tôi nói, đối với người tiêu dùng thì việc Quỹ Bình ổn xăng dầu xả quỹ khi giá xăng dầu cao chỉ là “của ruộng đắp lên bờ” nên không được hưởng lợi gì. Còn với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cũng không được lợi lộc gì vì phải hạch toán và theo dõi riêng Quỹ Bình ổn xăng dầu bằng tài khoản mở tại ngân hàng và phải chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc lựa chọn ngân hàng, quản lý và đảm bảo bảo toàn số dư Quỹ Bình ổn xăng dầu.

Khi Quỹ có kết dư lớn, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối không được hưởng lãi tiền gửi ngân hàng. Ngược lại, khi Quỹ đã cạn đến đáy, trong khi giá xăng dầu trên thị trường thế giới vẫn tăng, thì doanh nghiệp phải bỏ tiền tươi ra bình ổn giá, thậm chí vay ngân hàng để bình ổn giá vì liên bộ Tài chính - Công thương không cho tăng giá bán lẻ, nhằm bảo đảm kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Người được hưởng lợi từ Quỹ Bình ổn xăng dầu chính là ngân hàng vì có những thời điểm Quỹ kết dư hàng ngàn tỷ đồng, ngân hàng được sử dụng số tiền này với lãi suất vô cùng thấp, gần như chỉ là lãi suất tượng trưng.

Theo tôi được biết, hầu hết các nước không có Quỹ Bình ổn xăng dầu, vì vậy, sau này tần suất điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu được rút ngắn xuống 7 ngày, rồi 3 - 5 ngày/lần, thì nên xem xét xóa bỏ quỹ này vì không giúp gì cho việc bình ổn.

Tin bài liên quan