Phát biểu khai mạc tại Hội thảo “Khía cạnh chính sách để phát triển nền kinh tế số của Việt Nam”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, sự phát triển kỹ thuật số đã và đang thay đổi các nền kinh tế trên toàn cầu, với tốc độ chóng mặt.
Năm 2016, nền kinh tế số toàn cầu trị giá 11,5 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 15,5% GDP của thế giới. Tỷ lệ này dự kiến sẽ đạt 25% trong chưa đầy một thập kỷ. Hiện nay, 6 trong số 10 công ty hàng đầu thế giới là các công ty công nghệ, trong đó gần đây Apple đã trở thành công ty đầu tiên trên thế giới có giá trị hơn 1.000 tỷ USD.
Theo UNCTAD (2017), châu Á có 42 doanh nghiệp và xếp thứ hai chỉ sau Bắc Mỹ (có 63 doanh nghiệp). Những thương hiệu nổi tiếng như Alibaba, JD.COM, Gojek, Grab, Lazada và Softbank đều khởi nghiệp tại châu Á.
Ông Ousmane Dione cho rằng, mặc dù hoạt động trong những ngành khác nhau, những công ty này đều có một điểm chung - tất cả đều tận dụng các công nghệ đột phá và chuyển đổi để sản xuất và cung cấp sản phẩm và dịch vụ hiệu quả hơn.
"Công nghệ đột phá đã ở đây, ngay tại Việt Nam. Trong một thời gian ngắn kể từ khi đến Hà Nội, tôi đã thấy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, ban đầu tập trung vào một số dịch vụ", ông nói.
Giám đốc WB tại Việt Nam dẫn chứng, ngành công nghiệp gọi xe dựa trên công nghệ số đang phát triển nhanh chóng hay sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử cạnh tranh trực tiếp với mạng lưới bán lẻ truyền thống.
Cùng với đó, sự phát triển của các nền tảng lưu trú số đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong ngành du lịch bằng việc cạnh tranh với khách sạn truyền thống ở những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và Hội An; và vai trò ngày càng lớn của các công ty Fintech và Giải pháp thanh toán.
"Nền kinh tế số sôi động này hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội cho nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ có thể tham gia vào nền kinh tế Việt Nam", ông nhấn mạnh.
Theo ông Ousmane Dione, đó là do các nền tảng thương mại điện tử đưa doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ đến với những thị trường lớn (cả trong và ngoài nước) và rút ngắn khoảng cách đến thị trường, đặc biệt là đối với những công ty nằm xa các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng.
"Nền kinh tế chia sẻ có nghĩa là người Việt Nam bình thường cũng có thể tham gia dễ dàng hơn vào nền kinh tế số bằng cách sử dụng nhà của mình để kiếm thêm thu nhập thông qua các nền tảng lưu trú số hoặc sử dụng xe máy và ô tô của mình trên các nền tảng gọi xe dựa trên công nghệ kỹ thuật số", ông Ousmane Dione nói.
Theo ông Ousmane Dione, 3 yếu tố thúc đẩy quan trọng là "chính sách, chính sách và chính sách".
"Đúng như vậy, bằng cách thiết lập một môi trường pháp lý thuận lợi, Chính phủ có thể thúc đẩy một cách có hiệu quả và đảm bảo lời hứa này trở thành hiện thực", ông Ousmane Dione nói và cho rằng để nâng cao khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần xây dựng môi trường pháp lý khuyến khích đổi mới và cạnh tranh, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng thông qua điều tiết và phối hợp hiệu quả hơn giữa các cơ quan chính phủ.