Theo cáo trạng, đầu tháng 8/2004, Lê Quốc Dương thành lập CTCP Châu Âu với nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó có kinh doanh kim loại.
Quá trình hoạt động kinh doanh, Lê Quốc Dương đã làm hồ sơ vay vốn tại 5 ngân hàng: SeABank, PGBank, Techcombank, NaviBank (nay là NCB) và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt theo hình thức cấp hạn mức tín dụng.
Tài sản thế chấp là nhà xưởng, phương tiện, máy móc, hàng hóa inox nguyên liệu cuộn và inox thành phẩm là hàng tồn kho luân chuyển, hình thành từ vốn vay.
Quá trình kinh doanh do thua lỗ, không hiệu quả nên Lê Quốc Dương đã có hành vi gian dối trong việc lập hồ sơ vay vốn của các ngân hàng để chiếm đoạt.
Cụ thể, Lê Quốc Dương đã thành lập các công ty khác và nhờ người thân đứng tên làm giám đốc – đại diện theo pháp luật. Sau đó, Dương lập khống hồ sơ mua bán hàng hóa giữa các công ty này để làm hồ sơ vay vốn tại các ngân hàng.
Một số hợp đồng mua bán là có thật nhưng Dương chỉ dùng hợp đồng mua bán, hóa đơn GTGT, phiếu nhập kho hàng hóa… làm hồ sơ vay vốn. Thực chất, hàng hóa Dương đã bán cho các công ty khác trước khi được các ngân hàng giải ngân.
Cơ quan điều tra xác định do CTCP Châu Âu không có đủ khối lượng theo hợp đồng thế chấp nên Dương đã nảy sinh ý định làm giả các cuộn inox để làm tài sản đảm bảo.
Lê Quốc Dương sử dụng các thanh sắt chữ V, các tấm tôn, inox phế liệu và một số nguyên liệu khác để sản xuất các cuộn inox giả 3 dạng. Về cơ bản, Dương dùng thanh sắt chữ V để cuộn thành hình trụ tròn rồi đổ bê tông, đổ cát hoặc không cho gì vào bên trong, bên ngoài dùng một lớp inox bọc tạo hình giống như thật.
Từ tháng 6/2012 đến tháng 12/2012, Lê Quốc Dương đã làm giả 930 cuộn inox. Trong đó, Dương lấy 532 cuộn inox giả đưa về kho Công ty dùng để thế chấp cho các ngân hàng.
Do việc giải ngân theo khế ước của các ngân hàng không cùng thời điểm, để tránh sự phát hiện của cán bộ ngân hàng, Lê Quốc Dương đã dồn các cuộn inox thật và inox giả trong kho vào một vị trí cho đủ số lượng.
Sau khi kiểm tra xong, Lê Quốc Dương lại sử dụng các cuộn inox thật và inox giả (đã được thế chấp và được kiểm tra) để làm tài sản bảo đảm cho các ngân hàng khác (một tài sản được thế chấp cho nhiều ngân hàng).
Ngoài ra, Dương còn sử dụng các hồ sơ mua bán hàng hóa khống inox giữa các Công ty Hoàng Lân, Công ty Thành Long, Công ty TNHH MTV Châu Âu để sử dụng làm hồ sơ, tài sản thế chấp tại các ngân hàng.
Theo đó, Dương điều hành toàn bộ hoạt động vay bốn và lập hồ sơ khống đưa cho Trần Thị Kim Dung (Giám đốc CTCP Hoàng Lân), Trần Thị Nhung (Giám đốc Công ty TNHH MTV Châu Âu) ký, đồng thời Dương ký giả chữ ký của một số người trên trong một số hợp đồng mua bán, hồ sơ vay vốn tại các ngân hàng.
Với cách thức trên, Dương chiếm đoạt của năm ngân hàng tổng số tiền là 204 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được, Dương khai đã sử dụng để đầu tư nhà xưởng, máy móc, mua phương tiện vận tải, mua bất động sản, trả lãi cho các ngân hàng, trả lãi vay ngoài... Tuy nhiên, bị cáo này không trình ra được bằng chứng.
Hai bị cáo Trần Thị Nhung bị tuyên phạt 6 năm tù giam, Trần Thị Kim Dung bị tuyên phạt 5 năm tù giam.
Bị cáo Lê Quốc Dương từng bị tuyên phạt 20 năm tù giam vì hành vi đồng phạm trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt 197 tỷ đồng của 7 ngân hàng gồm PGBank, Seabank, Techcombank, Navibank, LienViet Postbank, An Bình, VIB. Ngoài ra, bị cáo Dương còn bị tuyên phạt 10 năm tù giam trong một vụ án lừa đảo khác.
Theo đó, bị cáo chính Lê Thị Hồng Vân (chị gái Lê Quốc Dương), nguyên Tổng giám đốc Công ty Âu Mỹ đã bị tuyên phạt mức án tù chung thân vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Vân đã có hành vi tạo hồ sơ mua bán hàng hóa khống, thế chấp hàng giả để vay tiền 7 ngân hàng.